Còn “lỗ hổng” trong quản lý

12/11/2012 18:48

(Baonghean) - Vài năm gần đây, trên địa bàn TP.Vinh, xe đạp điện trở thành phương tiện được các em học sinh THCS, THPT và người cao tuổi sử dụng phổ biến. Song mặt hàng này đang tồn tại những bất cập trong quản lý…

Chất lượng, giá cả … thả nổi

Hiện nay, trên thị trường có nhiều chủng loại xe đạp điện nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả xe sản xuất trong nước được bán tràn lan. Thế nhưng, để mua được chiếc xe đạt chất lượng, người tiêu dùng chỉ dựa vào lời giới thiệu của các chủ cửa hàng.

Có cô con gái đầu vừa thi đỗ vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách xa trường nên gia đình anh Phan Bảy ở xã Nghi Phú - TP.Vinh quyết định mua cho con một chiếc xe đạp điện để cháu đỡ mệt khi đạp xe đi học xa. Thế nhưng đến cửa hàng cũng chỉ biết mua, không biết nguồn gốc xe xuất xứ ở đâu, chất lượng xe thế nào. Thấy các gia đình khác đều mua cho con, nghe người bán hàng nói sao thì biết vậy. Nghe một số người dùng trước bảo mỗi lần hỏng 3 ắc quy phải thay tốn cả tiền triệu. Năm ngoái, Chị Thanh ở Nghi Phú cũng hồ hởi mua cho con chiếc xe đạp điện, đi mới được hơn 1 năm đã hỏng ắc quy.

Chủ cửa hàng xe đạp điện T.T tại đường Quang Trung (TP.Vinh) cho biết: “Xuất xứ xe đạp điện chủ yếu và sản xuất trong nước. Những chiếc xe tốt có giá từ 8,3 triệu đồng đến 13 triệu đồng/chiếc. Còn giá dưới 8 triệu đồng/chiếc là xe kém chất lượng” Tôi hỏi, thế hàng “made in Japan” thì sao ? Chủ của hàng cho biết: Rất nhiều hàng nhái, chất lượng kém đề Made in Japan để đánh vào tâm lý khách hàng ưa chuộng hàng Nhật. Chủ cửa hàng cho biết thêm, năm nay nhu cầu tiêu thụ xe đạp điện tăng cao hơn năm ngoái, hồi đầu năm học mới bình quân mỗi ngày cửa hàng chúng tôi bán được 2 -3 chiếc/ngày. Còn hiện nay bán hơn 20 chiếc/tháng. Khách hàng chủ yếu là học sinh cấp 3 và một số người cao tuổi.

Mặc dù xe đạp điện ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhưng hiện vẫn chưa có một tiêu chuẩn cụ thể để thẩm định chất lượng xe đang tiêu thụ trên thị trường. Tiến sỹ Trần Xuân Bí - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Xe đạp điện ngày càng được cải tiến giống xe máy, tốc độ chạy lớn, nhưng các thiết bị an toàn chưa đảm bảo: còi, đèn, phanh… có tương thích với tốc độ xe hay không. Đề nghị phương tiện này phải được giao cho một ngành quản lý, cấp phép trước khi lưu thông. Đồng thời phải được quản lý về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe đạp điện”.



Phần lớn các em học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Chính -Phó Phòng quản lý phương tiện và người lái Sở Giao thông Vận tải, cũng cho biết: “Chưa có văn bản nào hướng dẫn quản lý phương tiện xe đạp điện. Đồng thời cũng chưa có quyết định nào ban hành về cấp chứng chỉ đối với người đi xe đạp điện (xe đạp gắn máy) nên chế tài quản lý xe đạp điện cũng chưa có. Đã đến lúc cần phải có cơ chế quản lý phù hợp đối với loại phương tiện này, nếu cứ để đi tràn lan, không có giấy chứng nhận, không giấy phép lái xe, trong khi xe chạy với tốc độ nhanh, không phát ra tiếng động, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông”.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Xe đạp điện có trọng lượng nhẹ, đi êm, trong khi tốc độ tối đa tới 50 km/h, cho nên dễ gây mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông cùng chiều khó nhận biết, nếu không quan sát kỹ sẽ dễ xảy ra va chạm giao thông khi rẽ hoặc sang đường đột ngột. Theo thống kê của Đội cảnh sát giao thông Công an Thành phố Vinh , từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố có 175 trường hợp người điều khiển xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông. Chủ yếu là học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm, chở 2 - 3 người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm. Riêng từ đầu năm học 2012 - 2013 đến nay, đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra.

Năm 2008, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy (xe đạp điện) phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Thế nhưng trên thực tế, phần lớn các học sinh đều không chấp hành. Không những không đội mũ bảo hiểm, nhiều trường hợp còn chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ba, hàng tư. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức của các em học sinh. Hàng năm, Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Vinh đều phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền, ký cam kết cho học sinh, sinh viên chấp hành luật ATGT. Tuy nhiên, các em học sinh đều cố tình “phớt lờ”. Điều này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn làm mất trật tự giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng người điều khiển và người đi đường.

Ông Hoàng Duy Hà – Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Vinh cho biết: Phần lớn học sinh cấp 3 trên địa bàn thành phố sử dụng xe đạp điện. Song đa số các em không chấp hành các quy định Luật Giao thông và Nghị định 34/NĐ-CP. Không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, có trường hợp vi phạm, cảnh sát giao thông bắt, bỏ chạy. Ngoài xử phạt bằng tiền, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà trường kịp thời có hình thức răn đe giáo dục. Ông Hà cũng khuyến cáo: Xe đạp điện trọng lượng nhẹ, bánh nhỏ, kết cấu không vững, nếu đi nhanh, dễ mất thăng bằng, gây tai nạn giao thông. Các bậc phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em dưới 16 tuổi không cho điều khiển phương tiện. Đủ tuổi phải chấp hành nghiêm quy định, đội mũ bảo hiểm, đi với vận tốc quy định.

Theo nguyên lý, để đạt được cùng tốc độ, đường kính lốp nhỏ hơn thì số vòng quay phải lớn hơn, do đó độ văng lớn hơn. Trong khi đó, tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường rất kém. Đặc biệt, bộ phanh của xe chỉ đảm bảo an toàn với tốc độ tối đa 25 km/h. Thực tế quan sát thấy, các em học sinh chạy xe này trong thành phố thường ngang với vận tốc của xe máy, là yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Còn “lỗ hổng” trong quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO