(Baonghean.vn) - Trong lịch sử Đảng ta, công tác tuyên giáo thực chất là công tác tư tưởng, lý luận và được xem là một bộ phận đặc biệt quan trọng. Không chờ đến sau Cách mạng tháng Tám 1945, công tác tư tưởng, lý luận đã xuất hiện trước và đồng thời với sự ra đời của Đảng, gắn liền với vai trò của Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối, chuẩn bị về mọi mặt cho sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
![]() |
Từ đó, Đảng và Bác Hồ luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, xem đó là hoạt động quan trọng hàng đầu của mình. Thông qua tuyên truyền cổ động, vận động và thuyết phục mà Đảng đã truyền bá sâu rộng Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối chính sách trong toàn xã hội; cổ vũ động viên toàn quân và toàn dân hành động qua từng giai đoạn cách mạng, hướng tới những mục tiêu cao cả .
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực cho một nhà tuyên truyền, huấn luyện của Cách mạng Việt Nam. Người coi trọng hiệu quả, thực chất, không “hoa hòe hoa sói” khi viết: “Một chương trình nhỏ mà thực hiện được, hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được” (Thư gửi Hội nghị thanh niên, 1947). Đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương có kể lại: Bác rất chú ý đến trình độ tiếp thu và hiểu biết của mọi người... Khi tuyên truyền bao giờ Bác cũng yêu cầu phải nắm chắc đối tượng. Chẳng hạn, nông dân có nỗi khổ gì, công nhân vì sao hăng hái tham gia cách mạng, với cụ già hoặc binh lính thì tuyên truyền nội dung gì cho phù hợp...?
Quần chúng rất ham đọc sách báo của Bác viết, và khi Bác nói chuyện thì ai cũng như bị “hút hồn” là vì sao ? Đồng chí Lê Quảng Ba cho biết: Viết xong một tài liệu, Bác thường đưa cho người ít chữ xem trước. Câu chữ nào các đồng chí đó chưa rõ nghĩa, Bác chữa lại ngay. Chữa xong, Bác lại hỏi, lại sửa, cho đến khi người đọc hiểu được mới thôi. Những nội dung kiến thức khá phức tạp, dài dòng như “10 điều Việt Minh”, “Địa dư các tỉnh xứ Bắc Kỳ”, đặc biệt là “Lịch sử nước ta”, Người đều bỏ công sức, trí tuệ để biến thành thơ ca, các tầng lớp nhân dân ai nấy đều dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền miệng và dễ làm theo.
Còn nhớ thời gian hoạt động bí mật ở Pác Bó, Bác trực tiếp chỉ đạo các lớp huấn luyện. Thời gian học rất ngắn, thường chỉ 7, 8 ngày là kết thúc. Sau phần tình hình thế giới và trong nước, chương trình, điều lệ Việt Minh, Bác tập trung giảng kỹ 5 bước công tác: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, cuối cùng là hoạt động thực tiễn... Yếu tố thời cơ, kỷ luật được Bác đề cao với học viên. Bác nhắc: Học tập giỏi, tổ chức lực lượng tốt, nhưng khi nào có lệnh cấp trên, có thời cơ thì mới được tiến đánh! Tất cả những điều vừa kể, đã chứng minh hùng hồn cho một lời dạy của Bác, trong cuốn sách nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng” (1959).
Nhà thơ Tố Hữu viết rất trúng về Người:
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Ấm từng tiếng, thấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau....
(Bài “Sáng tháng Năm”- 1951)
Nói chuyện với cán bộ, đảng viên lâu năm ở Nghệ Tĩnh, lần thứ hai về thăm quê (1961), Bác nêu yêu cầu Đảng ngày càng cần nhiều cán bộ, đảng viên làm bất cứ việc gì cũng phải gương mẫu, bởi vì công việc ngày càng nhiều; trước đây, Đảng tổ chức đánh Tây, đánh Nhật, vô cùng gian nan, cực khổ, nhưng so với trước thì công việc bây giờ khó khăn hơn, phức tạp hơn! Công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng lý luận trong bối cảnh đất nước ta và thế giới vài thập kỷ nay chắc chắn cũng khó khăn hơn, phức tạp hơn trước không ít. Bởi vậy, “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận” đã trở thành 1 trong 8 nội dung mà Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đề cập tới, nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Giai đoạn cách mạng phía trước đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với Đảng ta. Công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng lý luận cần phải gắn chặt với công tác tổ chức và các phong trào quần chúng, nói đi đôi với làm; đồng thời cần có định hướng tư tưởng đúng và kịp thời, nhất là trước các diễn biến phức tạp của tình hình hoặc trước những bước ngoặt của cách mạng... Và bài học, kinh nghiệm trong công tác tư tưởng, lý luận năm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có dịp vọng về, gợi mở!