Con ngựa quý của Đức cha
(Baonghean) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Yên Thành diễn ra vào ngày 25/8 có hai sự kiện đặc biệt:
Một là, tuy chưa thành lập được Huyện ủy nhưng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh huyện, hàng vạn nông dân các làng quy tụ dưới ngọn cờ đoàn kết của Việt Minh vùng dậy giành chính quyền từ huyện đến tổng làng chỉ trong vòng một ngày đêm, bộ máy tổng lý các làng xã giải tán, Ủy ban nhân dân huyện và các làng xã đứng ra quản lý mọi công việc ở hương thôn.
Hai là, ngay sau khi giành được chính quyền, nhân dân các làng xã đã tích cực tăng gia sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó có hai giáo dân ở Vĩnh Hòa (Hợp Thành) và Đạo Đồng (Quang Thành) hiến tặng chính quyền cách mạng hai tài sản quý. Cụ Tú An ở Vĩnh Hòa, một làng công giáo toàn tòng, tặng chính quyền huyện chiếc máy đánh chữ, nhờ có chiếc máy đánh chữ này mà mọi công văn, chỉ thị của chính quyền huyện được in ấn gửi về các làng. Người thứ 2 là vị cha cố ở nhà thờ Đạo Đồng hiến tặng một con ngựa đực, lông tía rất to, khỏe, con ngựa này vốn là ngựa nòi của một điền chủ tặng Nhà Chung để cha quản hạt đi truyền đạo. Khi phong trào Việt Minh nổi lên, anh em trong đội tuyên truyền Việt Minh tổng Vân Tụ đã đến Đạo Đồng vận động, thuyết phục cha quản hạt hiến tặng cho cách mạng. Cha xứ Đạo Đồng rất có cảm tình với Việt Minh nên đã cử một tốp thanh niên giáo dân tham gia biểu tình. Để phát huy thanh thế của quần chúng, sáng ngày 25/8, tự vệ cách mạng đã dẫn con ngựa này đi đầu đoàn biểu tình của tổng Vân Tụ kéo lên huyện đường. Tôi (tức Phan Vinh, lão thành cách mạng - cựu tù chính trị Ban Mê Thuột) được phân công cùng cưỡi ngựa với một thanh niên giáo dân, cầm cờ đi đầu đoàn biểu tình.
Cán bộ chính quyền cách mạng huyện Yên Thành (ảnh chụp đầu năm 1946). |
Sau ngày giành được chính quyền ở huyện, chúng tôi phân công đồng chí Nguyễn Khắc Thướng (em ruột đồng chí Nguyễn Khắc Nhiếp, lão thành cách mạng) vừa làm công an vừa làm liên lạc, trực tiếp quản con ngựa này. Đồng chí Thướng người làng Yên Bang (Phúc Thành) có thời gian đi lính thợ làm công việc chăn ngựa, rất thạo bắn súng và cưỡi ngựa, lại có thân hình cao to nên rất thành thạo trong việc huấn luyện một số anh em trong cơ quan UBND huyện tập cưỡi ngựa. Chỉ một thời gian ngắn, anh Ngô Xuân Hàm - Chủ tịch và anh Trần Quang Hùng - Ủy viên công an và tôi đều biết cưỡi ngựa. Tuy vậy, mỗi lúc có việc cần về cơ sở hoặc cần báo cáo gấp về tỉnh lại phải phân công anh Thướng vì anh rất có uy với chú ngựa này. Hễ nhảy lên ngựa là anh phi nước đại. Nhờ vậy việc liên lạc từ cơ sở lên huyện, huyện lên tỉnh được nhanh hơn vì hồi ấy nếu không có ngựa thì chỉ đi bộ, chạy bộ.
Có mấy việc xảy ra ngay sau cách mạng tháng Tám, ấy là việc tự vệ làng Vĩnh Tuy bắt trói một thầy đồ nho chỉ vì vị chủ tịch mới của làng hỏi lý trưởng cũ về sổ sách giấy tờ, vị lý trưởng này có thói quen chuyện gì cũng hỏi thầy đồ, ông thầy phán rằng: “Cứ hỏi dân làng, làng bầu anh lên thì phải đánh trống mời làng đến mà hỏi”. Mấy tự vệ của làng nghe được tưởng là thầy đồ chống lại chính quyền, bắt trói thầy tại cột đình. May nhờ có ngựa mà anh Thướng kịp phi về làng Vĩnh Tuy truyền lệnh của chủ tịch huyện cởi trói cho thầy đồ. Hay như chuyện ở làng Yên Mã (Mã Thành) hai nhóm Việt Minh cũ và Việt Minh mới tranh giành ảnh hưởng, đưa người của mình vào Ủy ban làng nên xảy ra xung đột, khi hay tin chúng tôi cử anh Thướng về đó ngay để giải quyết ổn thỏa...
Anh Nguyễn Khắc Thướng chẳng những giỏi cưỡi ngựa mỗi khi huyện có việc cần mà còn rất nhiệt tình hăng hái tập quân sự cho tự vệ cơ quan, ngoài ra còn chăm lo cắt cỏ, vào làng xin các loại lá cho ngựa ăn. Cả cơ quan huyện lúc đó chỉ gần ba chục người. Chúng tôi coi chú ngựa của Ủy ban như là con vật quý nên hễ ai đi đâu về cũng cắp thêm ít cỏ non hoặc lá ngô, lá mít về cho ngựa. Dù đói kém nhưng khẩu phần ăn của ngựa mỗi ngày mấy bát ngô không ai đụng tới. Anh Thướng người cao to, đang sức ăn sức ngủ nhưng có bận anh dành cả khẩu phần cơm ít ỏi của mình cho ngựa. Anh chăm chút cho ngựa từng li, từng tí. Trời rét anh vào dân xin lá chuối khô về che cho ngựa.
Con ngựa của Ủy ban huyện với anh Thướng như đôi bạn thân, hễ thấy bóng anh Thướng về là ngựa hý lên mấy tiếng rồi gõ móng xuống nền nhà lộp cộp. Có một đêm, đi công tác về mệt quá, anh Thướng buộc ngựa không chặt, sáng ra không thấy ngựa trong chuồng, cả cơ quan huyện tá hỏa đi tìm nhưng quá trưa vẫn không thấy. Anh Thướng cũng rất lo vì nếu mất ngựa thì huyện mất một phương tiện giao thông quan trọng, một tài sản lớn. Cả cơ quan huyện đang bồn chồn, lo lắng thì chập tối có hai thanh niên ở xứ giáo Đạo Đồng dắt ngựa xuống. Hai anh bảo: "Con ngựa này nhớ chủ cũ tìm đường ngược về nhà thờ, Đức cha bảo các con đưa xuống cho Ủy ban vì lúc này huyện cần ngựa hơn". Có ngựa về, cả cơ quan vui vẻ hẳn lên, anh em lại hăng hái lao vào công tác cách mạng.
Thấm thoắt đến ngày Giáng sinh năm 1945, cũng là Giáng sinh đầu tiên sau ngày giành được chính quyền, Huyện ủy phân công anh em trong cơ quan về các nhà thờ trong huyện để thăm hỏi các vị chức sắc và giáo dân. Anh Ngô Xuân Hàm đi Vĩnh Hòa và Bảo Nham, tôi và anh Thướng đi Lâm Xuyên và Đạo Đồng, cũng tiện thể lên cảm ơn đức cha quản hạt. Đường lên Đạo Đồng ngày ấy còn nhỏ hẹp, lại qua dốc Hủng Trăn quanh co nhưng nhờ có chú ngựa quý mà hai chúng tôi kịp đến dự lễ Giáng sinh với cha quản xứ và bà con giáo dân. Sau lễ Giáng sinh, cha quản xứ mời hai chúng tôi ở lại uống nước chè chát, ăn khoai luộc và chuyện trò mãi tới gần sáng mới trở về huyện. Nghĩa cử cao đẹp và tình cảm nồng ấm của tấm lòng cha quản xứ và bà con giáo họ Đạo Đồng để lại ấn tượng sâu sắc trong bước đường hoạt động cách mạng của tôi.
Sau buổi lễ Giáng sinh đầu tiên năm 1945, tôi làm ở huyện một thời gian rồi thoát ly vào bộ đội chủ lực, không có dịp trở lại Đạo Đồng, mãi sau hòa bình năm 1954 về thăm nhà, gặp anh Nguyễn Khắc Nhiếp, bấy giờ anh Nhiếp làm ở Ủy ban huyện, hỏi thăm biết được anh Nguyễn Khắc Thướng cùng con ngựa quý của huyện, trong một chuyến công tác sang miệt phía nam huyện, không may cả người và ngưạ bị máy bay địch bắn bị thương nặng, anh Thướng được bà con đưa về nhà thương Phúc Tăng điều trị một thời gian sau thì qua đời. Con ngựa quý của huyện bị thương nặng rồi chết, bà con đem chôn dọc đường 7, đoạn gần nhà thờ đá Bảo Nham.
Kể cho anh nghe một vài mẩu chuyện sau ngày Cách mạng mới thành công, chuyện chiếc máy đánh chữ, chuyện con ngựa quý và người quản ngựa để thấy được tấm lòng của nhân dân đối với sự nghiệp đoàn kết cứu nước của Đảng, của Bác Hồ.
Ngô Đức Tiến
(Ghi theo lời kể của cụ Phan Đức Vinh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành, 1936 - 1941)