Còn nhiều “chướng ngại vật”!

02/10/2012 10:28

Chín tháng qua, sản xuất công nghiệp đã có mức tăng trưởng 4,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó có 22 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng. Tuy nhiên, thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu cho cả năm 2012 vẫn còn nhiều, khi sản phẩm tồn kho còn cao và xuất khẩu phải cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện thị trường bị thu hẹp.

Sản xuất tăng trưởng thấp, xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt

Theo Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng nhưng ở mức thấp. Trong đó nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,7% cùng kỳ do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước thấp, trong khi tồn kho của một số ngành còn cao. Tính đến ngày 1-9, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ; trong đó, tồn kho xi măng, sắt, thép, gang tăng trên 40%. Khó khăn lớn vẫn là nhu cầu vốn tăng cao nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 9,3 tỷ USD/tháng, là mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng xuất khẩu của DN trong nước lại giảm 0,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản bị sụt giảm mạnh, gây thiệt hại hơn 1,8 tỷ USD. Một số mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ có quy mô lớn nhưng tốc độ đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, cho thấy sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường, nhất là với những DN vừa và nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu điều đạt trên 1 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Người trồng vẫn gặp khó khăn do năng suất, sản lượng sụt giảm và giá bán thấp. Nhiều DN lớn trong tổng số 300 đầu mối xuất khẩu và hàng nghìn cơ sở sản xuất chế biến điều bị phá sản. Thủy sản chưa có được mức tăng trưởng so với cùng kỳ và mục tiêu 6,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm là rất khó do thị trường bị thu hẹp, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với hàng của Ấn Độ, Thái Lan... Đặc biệt, xuất khẩu tôm vào Nhật Bản - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp tục gặp khó khăn do phía Nhật Bản tăng cường tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm. Trong khi đó, giá thức ăn thủy sản, giá cước vận tải tăng thêm 700 USD/container trong khi giá bán thủy sản không tăng.

Tiếp tục giảm chi phí, giảm tồn kho

Theo Bộ Công thương, với tình hình như hiện nay, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 dự kiến tăng 5,4%, kim ngạch xuất khẩu đạt 113 tỷ USD, tăng 16,6%, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu này, các DN sản xuất phải tiếp tục tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm hàng tồn kho; khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước để kích thích sản xuất phát triển. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm khai thông thị trường; tổ chức hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý và DN, hiệp hội chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh; phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục tình trạng hàng tồn kho, bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, các DN còn phải tích cực tìm kiếm khách hàng; đồng thời xem xét áp dụng hình thức hàng đổi hàng đối với DN có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của DN khác.


Theo (Hanoimoi.com.vn) – HV

Mới nhất
x
Còn nhiều “chướng ngại vật”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO