Con "quan" học trường "vua"!

24/08/2014 21:04

(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Mầm quan” của CTV Duy Hương đăng trên trang 1, nhật báo ngày 10/8 nhận được số phiếu bình chọn cao. Bài viết đề cập về vấn đề “nóng” trong thời điểm hiện nay, đó là tuyển sinh mầm non ở Thành phố Vinh...

Mở đầu bài viết là lời gắt gỏng, “nói mát” đầy chua cay của bà hàng nước: “Về mà lo học hành thêm nếm, chạy chọt đi rồi kiếm tý chức sắc cho con, cháu được nhờ”. Nguồn gốc của cơn bực tức bất ngờ đó là do, trong khi các bậc phụ huynh chạy đôn, chạy đáo để lo cho con một chỗ học, phải nộp hồ sơ hàng tháng trời, phải bốc thăm, phấp phỏng lo lâu, thấp thỏm đợi chờ. Vậy mà, vẫn có nhiều em ngậm ngùi học trường tư, gửi ở các nhóm trẻ. Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên… nên trước áp lực tuyển sinh, nhiều trường đã có những cách làm “sáng tạo”. Tuy nhiên, những cách này vô tình đã tước mất quyền được đến trường của trẻ. Kế hoạch của Sở GD-ĐT giao rất cụ thể cho từng trường (số nhóm lớp, số cháu mỗi lớp, số cháu từng độ tuổi...), nhưng các trường không minh bạch chỉ tiêu tuyển sinh.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù địa bàn, điều kiện kinh tế, dân cư… khác nhau nhưng rất nhiều trường chỉ thông báo tuyển sinh một con số tròn trĩnh như nhau: Năm học này tuyển sinh 50 cháu. Chính điều này đã gây bức xúc trong phụ huynh, làm cho dư luận nghi ngờ liệu có phải các trường cố tình giấu bớt chỉ tiêu tuyển sinh để “đi đêm”? Bên cạnh đó, vì nhiều lý do nên chỉ tiêu tuyển sinh các cháu ở độ tuổi nhà trẻ đang quá ít. Các trường mầm non chỉ tuyển các cháu 2 tuổi. Như vậy, đáng ra tất cả các cháu 2 tuổi đều có quyền tham gia dự tuyển, nhưng để giảm bớt số lượng đăng ký, các trường mầm non đã khống chế tháng sinh của các cháu.

Rõ ràng, với cách khống chế tháng sinh của các cháu như vậy, những trường mầm non này đã ngang nhiên tước bỏ quyền được đến trường, được học tập của các cháu sinh vào các tháng trước hoặc sau tháng nhà trường đưa ra làm điều kiện xét tuyển. Việc tuyển sinh bằng cách xét tháng sinh hay bắt thăm là việc “cực chẳng đã”. Đành rằng, phải thông cảm cho ngành Giáo dục, vì trường lớp hạn chế, học sinh đông, tạo nên sự quá tải, gây áp lực không nhỏ cho chuyện tuyển sinh ở các trường công lập. Nhưng, xét cho cùng: “Ai cũng nghĩ, trường mầm non là nơi dành cho trẻ em. Mà đã là trẻ em thì như nhau hết, làm gì có chuyện phân biệt thứ bậc trên dưới, giàu, nghèo, sang hay hèn. Có chức hay không có chức…”.

Vậy mà ở Thành phố Vinh lại có sự việc ngược đời, một chuyện mà không tài nào “thông cảm được”, dù có đưa ra hàng ngàn lý do để biện minh đi chăng nữa. Đó là: “có những trường mầm non tìm đủ mọi cách đẩy con dân thường ra ngoài để có chỗ cho con, cháu nhà những người có chức sắc trong bộ máy công quyền”. Đầu năm trường thông báo là không tuyển sinh vì thiếu phòng học, nhưng đến cuối năm người ta phát hiện ra có thêm 90 cháu vào học. Trong đó chỉ có 15 trẻ là con, cháu của các cô trong trường nên được hưởng tiêu chuẩn “ưu tiên nội bộ”. Số còn lại, theo như tiết lộ của các cô giáo là “cấp trên gửi”. Theo như đại diện nhà trường thì: “Năm học 2013 - 2014 vì thiếu thốn về cơ sở vật chất nên chúng tôi thông báo không tuyển sinh. Chúng tôi đã có tờ trình gửi Sở GD-ĐT báo cáo về việc này. Sở cũng đồng ý cho phép trường không tuyển sinh. Thế nhưng, do sức ép của các ban, ngành từ trên xuống nên nhà trường buộc phải nhận bổ sung 90 cháu”. Vậy là do con, cháu của “quan” nên trường đành “nhắm mắt làm ngơ”, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, gánh thêm 90 cháu nữa mặc dù trường đã thông báo hết chỗ? Nhưng cũng có người nghi ngờ, không hẳn tất cả đều là của “cấp trên” gửi. Mà có khi là do phong bì gửi, tiền gửi.

Từ hiện tượng đó, tác giả đề nghị: “Việc này nên làm rõ ra, tránh tiếng oan cho “cấp trên”. Còn nếu tất cả đều đúng như lời tiết lộ của các cô giáo thì nên đổi tên trường. Như lời gợi ý của bà hàng nước là, trước đây đã có những “phố quan”, “đường quan” do nơi đó dành riêng cho quan chức vì có vị trí đẹp. Nay lại có trường mầm non dành riêng cho con, cháu quan chức thì nên đổi tên thành trường mầm… quan cho phù hợp thực tế.

Nghe ra thật chua xót!

Người xây dựng

Mới nhất
x
Con "quan" học trường "vua"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO