Còn sức, còn làm điều có ích
Bà là cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc như bao nhiêu người trẻ khác của cái “thế hệ ra ngõ gặp anh hùng” ấy. Chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống đời thường, bà tiếp tục làm xóm trưởng, bí thư chi bộ xóm…
(Baonghean) - Bà là cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc như bao nhiêu người trẻ khác của cái “thế hệ ra ngõ gặp anh hùng” ấy. Chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống đời thường, bà tiếp tục làm xóm trưởng, bí thư chi bộ xóm…
Bà là Tạ Thị Lân ở xóm 6, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu. Sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Diễn Cát, Diễn Châu, năm 11 tuổi, Tạ Thị Lân đã mồ côi mẹ, phải đi ở, đi làm thuê cho địa chủ. Đến năm 17 tuổi, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh ra miền Bắc, cô gái trẻ xung phong đi trực chiến tại cầu Bùng. Sau đó, lại đi dân công hỏa tuyến, tải gạo, tải đạn cho bộ đội ngoài chiến trường. Công tác chiến đấu nhiệt tình, đầy trách nhiệm, năm 1971, Tạ Thị Lân được bà con tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân xã Diễn Cát, làm xóm phó và đội phó đội sản xuất xóm Tân Hương.
Năm 1972, bà xung phong vào đội TNXP Châu Sơn, Tổng đội 289 - được coi là một trong những đơn vị chiến đấu tại những địa điểm ác liệt nhất, “chí sinh, chí tử” của Diễn Châu thời bấy giờ, với những tuyến lửa: cầu Cẩm Bào, cầu Yên Lý, cầu Lồi, cầu Diễn Thủy, cầu Bùng. Thông cầu, phòng chống hỏa lực, trực pháo 37 ly… Suốt 3 năm đi TNXP, chiến đấu ở Tân Kỳ, Thanh Chương… và đi đến đâu cô gái trẻ cũng được bầu làm trung đội trưởng, sau mỗi chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lại được nhận giấy khen và được cử đi học đối tượng đảng.
Bà Lân kể lại: “Gian khổ thì không chi bằng, bọn Mỹ thì cứ thả bom xuống suốt, nhưng chỉ cần nghe xa tiếng máy bay là chị em lại ào ra xúc với đào, cứ mỗi lần thông được cầu cho xe qua, nghe được tin thắng trận của ta ở chiến trường nào, là vui mừng lắm”. Điều đáng quý ở bà Tạ Thị Lân chính là niềm tin sắt son, lý tưởng nguyện cống hiến hết mình cho Đảng.
Bà kể: “Từ khi mới 4, 5 tuổi, ở nhà được nghe cha đọc “30 năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu, lúc đó dù rất bé chưa biết chi cả, nhưng tôi cảm thấy rất thôi thúc, và nghĩ trong người, sau này, nhất định mình sẽ phấn đấu vào Đảng”. Một cách tự nhiên đến không ngờ, cô gái nhỏ ở một vùng quê nghèo đã biết đến Đảng như thế, rồi lớn lên, đã sớm hun đúc trong tâm hồn tình yêu Tổ quốc, biết căm thù cái ác, cái xấu, và quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lược. Sau này, Tạ Thị Lân đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đang là TNXP. Cô TNXP ngày ấy giờ đã đầu hai thứ tóc, nhưng vẫn quả quyết rằng: “Nếu có chiến tranh xảy ra, nếu Tổ quốc cần thì tôi vẫn tiếp tục xung phong ra trận bằng tất cả sức vóc còn lại của mình”.
Hơn 10 năm tuổi trẻ cống hiến hết mình cho quê hương, cho cuộc kháng chiến của Tổ quốc, Tạ Thị Lân quên cả chuyện riêng tư, nhìn lại giật mình đã 28 tuổi. Lúc đó, Lân cũng định ở vậy luôn, nhưng duyên trời run rủn, cô gặp được anh bộ đội quê ở xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu trong những lần đi bốc đá về làm cầu Yên Lý. Năm 1975, kết thúc chiến tranh giải phóng hoàn toàn đất nước, hai người đã đến với nhau trong niềm vui nghẹn ngào, sự chúc phúc của gia đình, bạn bè, đồng đội.
Sau khi lấy chồng, bà sinh 4 người con. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, là những năm tháng cay đắng, vất vả và khổ cực nhất mà bà phải trải qua. Chồng bị bệnh kinh niên, sức khỏe yếu lại sinh ra uống rượu, đánh đập vợ con. Một tay bà nuôi con chăm chồng, đến khi chồng vừa khỏi bệnh, thì một tai nạn giao thông bất ngờ đã khiến ông ra đi mãi mãi. Từ đó, bà vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha, nuôi con khôn lớn. Ấy vậy mà chưa bao giờ bà nghỉ công tác, vừa lo thu vén việc gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ với đoàn thể, với nhân dân.
Lúc về quê chồng, bà Lân chuyển sinh hoạt Đảng về xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, được bà con nơi đây tín nhiệm bầu làm xóm trưởng xóm 6 từ năm 1975 đến năm 1981, làm bí thư xóm năm 1984 – 1985, sau đó bà chuyển sang làm trong BCH hội phụ nữ xã. Từ năm 2004 bà lại tiếp tục được bầu làm bí thư xóm, lãnh đạo các đoàn thể: hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ, hội người cao tuổi, phụ trách công tác khuyến học, trưởng ban hòa giải của xóm.
Đó là những năm tháng bà tất bật vừa làm việc nhà vừa “vác tù và hàng tổng”. Cảnh mẹ góa con côi, để lo đủ 5 miệng ăn, bà thành lập đội bê-tông với hơn 50 người trong xã, đi phụ bản xây dựng; mua cát đá, xi măng về nhà tự đúc sò (táp lô) bán, và làm thêm đủ mọi nghề: tráng bánh, bán rau… Nhưng có họp hành, chuẩn bị phong trào thi đua trong xóm, phổ biến chính sách của Đảng, đi hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân… những lúc ấy, bà lại chịu khó thức khuya thêm một tý, dậy sớm thêm một tý, bớt quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình, để cho trọn vẹn cái chức trách của người cán bộ.
Bà Tạ Thị Lân (ngoài cùng bên phải) và bà con bên công trình kênh mương thủy lợi
của xóm.
Bản thân mình cũng vất vả, cũng thua thiệt, cũng có nhiều lúc túng quẫn mà không biết làm cách nào, nhưng bà lại nghĩ và quan tâm đến những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Bà quan tâm, làm chế độ cho những người tàn tật, lập quỹ khuyến học cho những em học sinh vượt khó, quyên góp tiền cho hộ nghèo…
Trong xóm, chị Trần Thị Tảo có chồng mắc bệnh hiểm nghèo, lại còn nuôi cha mẹ già yếu, đến khi chồng mất thì trong nhà khánh kiệt chẳng có gì. Bà Lân đã lo lắng đi vận động mọi người ủng hộ được gần 4 triệu đồng để lo việc mai táng cho đầy đủ. Đến khi bố mẹ chị Tảo vì sầu con mà mất, mẹ con chị Tảo chẳng biết bấu víu vào ai trong căn nhà dột nát có 3 cái bàn thờ, bà bí thư xóm Tạ Thị Lân lại cùng với các đoàn thể vận động dân làng, các nhà hảo tâm xây dựng cho chị Tảo căn nhà tình thương trị giá 38 triệu đồng. Rồi đến việc giải quyết lấn chiếm hành lang giao thông, bà Lân cũng cùng với xóm trưởng và các đoàn thể khác đứng ra giải thích rõ ràng cho dân nghe theo. Bà chẳng làm ra nhiều tiền, chẳng cho được ai tiền, nhưng bà dành cho dân làng sự quan tâm, làm điều tốt đẹp, điều thiện, còn bản thân mình, có vất vả thêm, có thua thiệt cũng không sao.
Xóm làng tôn trọng, quý mến bà, chính bởi đức hy sinh, sự gần gũi, lo lắng cho bà con làng xóm như thế. Có việc gì, lại nhờ đến bà. Từ chuyện vợ chồng cãi nhau, cho đến chuyện nghi ngờ trộm cắp… Từ ngày có điện thoại, tiện liên lạc, bà còn đi nhiều hơn. Con cái, nhiều khi thấy mẹ đi suốt ngày, rồi suốt đêm, thương mẹ vất vả nhưng không dám bảo mẹ ở nhà, chỉ biết cố gắng bảo ban nhau học hành, đỡ đần mẹ việc nhà cửa, ruộng nương. Còn bà, mỗi lần làm được việc gì giúp ích cho người dân, lại có thêm niềm vui, nghị lực để tiếp tục phấn đấu.
Giờ thì khó khăn đã đi qua rồi, nhưng nhắc lại những ngày tháng ấy, bà vẫn không cầm nổi nước mắt. Tôi hỏi: “Động lực nào để bà vượt qua những khó khăn ấy? - Bà tâm sự: “Ngày tôi được vào Đảng, tôi cùng các đồng chí của mình đã đứng lên nắm tay thề, và đọc huyết tâm thư “Sống cùng Đảng chết không rời Đảng”. Mình là một người đứng trong hàng ngũ của Đảng, thì cũng phải biết phấn đấu vượt lên tất cả, đừng để hoàn cảnh cá nhân của mình làm ảnh hưởng tới tập thể”.
Đến bây giờ, bà vẫn đang là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Quỳnh Giang, và giữ chức bí thư xóm liên tục suốt 11 năm qua. Trong những năm làm bí thư xóm, bà Lân đã lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức trong xóm hoạt động sôi nổi, 10 năm liền Chi bộ Đảng xóm 6, xã Quỳnh Giang đạt danh hiệu Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Bà Tạ Thị Lân được UBND huyện Quỳnh Lưu tặng giấy khen về điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Con cái của bà giờ đã trưởng thành, là những công nhân, giáo viên dạy học, cậu trai út đang là sinh viên đại học năm cuối. Các con dựng lại cho mẹ ngôi nhà vững chắc thay cho gian nhà dột nát năm xưa, đã đủ sức nuôi được mẹ và muốn mẹ nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm cuộc đời vất vả việc nhà, việc nước. Nhưng “Vì dân làng đang tín nhiệm chưa cho nghỉ, nếu còn sức để làm điều tốt, điều thiện, điều có ích cho xã hội, xóm làng thì tôi vẫn cố gắng làm, cho đến khi nào thấy không đủ sức nữa thì thôi”.