Công an Nghệ An những ngày đầu bảo vệ chính quyền cách mạng

19/08/2013 14:40

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, trong khí thế long trời lở đất, ngày 21/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của quần chúng nhân dân ở TP Vinh giành thắng lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Viết Lượng làm chủ tịch được thành lập tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, kêu gọi nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chế độ mới.

(Baonghean) - Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, trong khí thế long trời lở đất, ngày 21/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của quần chúng nhân dân ở TP Vinh giành thắng lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Viết Lượng làm chủ tịch được thành lập tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, kêu gọi nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chế độ mới.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban Cách mạng lâm thời quyết định thành lập Ty Trinh sát Nghệ An ở tỉnh (sau này gọi là Ty Công an) để bảo vệ chính quyền và đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân và tổ trinh sát ở các huyện, thị. Lực lượng Trinh sát bao gồm những người có tinh thần cách mạng cao, có sức khoẻ và phần lớn có học thức được chọn lọc trong phong trào khởi nghĩa cùng với một số thanh niên nông dân, công nhân. Đồng chí Nguyễn Tạo, một đảng viên hoạt động trong thời kỳ bí mật được giao phụ trách Ty Trinh sát Nghệ An. Mặc dầu tổ chức còn đơn giản, non trẻ về mọi mặt nhưng các chiến sĩ trinh sát đã lao vào công cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm để bảo vệ chế độ mới, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân.

Nhiệm vụ đầu tiên mà lực lượng bí mật của Ty Trinh sát thực hiện là bắt giữ bọn việt gian tay sai của Nhật và Pháp như Lê Huy Niêm, Lê Văn Ngoan, Trần Thị Vi, Đội Tạo, Đội Lộc, tên nội gián Đinh Văn Di. Ngày 3/9/1945, chấp hành quyết định của Toà án Cách mạng, các chiến sĩ trinh sát đã tổ chức thi hành án tử hình đối với 3 đối tượng phản cách mạng nguy hiểm. Trong đó, Đinh Văn Di là đối tượng có nhiều nợ máu nhất. Di từng là đảng viên cộng sản, từng giữ các cương vị quan trọng trong giai đoạn 1939 – 1945 như Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; Bí thư liên Tỉnh uỷ Thanh Nghệ Tĩnh; Xứ uỷ viên Xứ uỷ Trung kỳ. Lợi dụng vị trí, Đinh Văn Di đã chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt phần lớn cán bộ, đảng viên vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho cách mạng trong thời kỳ này.

Những ngày đầu tháng 9/1945, trước tình hình quân Pháp tăng cường hoạt động vũ trang ở biên giới phía Tây, một số chiến sĩ trinh sát Nghệ An cùng phối hợp đơn vị quân giải phóng, dân quân địa phương điều tra nắm tình hình cùng với lực lượng cách mạng Lào do ông Phay Đang đứng đầu tiến đánh đồn Pháp ở Noọng Hét. Đồng thời, tại Thị xã Vinh, cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng thu giữ 2 toa tàu chở đầy vũ khí của quân Nhật tại ga Vinh, một tổ trinh sát do đồng chí Hoàng Dũng chỉ huy đã mật phục bắt tên I – Xi - một quan năm do tình báo Nhật cài lại để nắm tình hình. Khám người và hành lý y, công an thu một khẩu súng ngắn, 5 kg vàng và một va ly tiền Đông Dương loại 500 đồng.

Tháng 9/1945, theo thoả thuận của quân Đồng Minh (do Nga, Mỹ, Anh làm nòng cốt), hàng chục vạn quân Tưởng Giới Thạch (dân thường gọi là quân Tàu Tưởng) đảm nhận nhiệm vụ vào miền Bắc nước ta để tước vũ khí và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Tại Nghệ – Tĩnh có 1 vạn quân Tưởng do sư trưởng tên là Khâu Bỉnh Thường chỉ huy kéo vào chiếm các vị trí then chốt mà phần lớn nằm trên địa bàn Nghệ An. Đội quân ô hợp này còn kéo theo một lũ phản động mang tên Việt cách, Việt quốc vào để chống phá chính quyền cách mạng vừa mới thành lập. Do có kế hoạch chủ động đối phó và nắm chắc diễn biến tình hình nên khi quân Tưởng đến đóng quân tại Vinh và một số địa bàn quan trọng khác, thì bị lực lượng công an phong toả làm mất tác dụng. Suốt trong thời gian ở Nghệ An, mọi hoạt động khiêu khích của quân Tưởng cũng như âm mưu của bọn phản động nhằm câu kết với tàn quân này đã bị các trinh sát công an phát hiện và ngăn chặn kịp thời.



Chiến sĩ Công an TP Vinh cứu người dân bị vùi lấp dưới hầm trong một trận oanh kích của máy bay Mỹ năm 1967. Ảnh tư liệu

Trước tình hình mới, tháng 10 năm 1945, thực hiện chủ trương của trên, Ty Trinh sát Nghệ An đổi tên thành “Nghệ An Công an cục” do đồng chí Nguyễn Tạo làm cục trưởng, đồng chí Phan Văn Quán được cử làm cục phó. Ngay sau khi đổi tên, tháng 10 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, 32 cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An do đồng chí Cục trưởng Nguyễn Tạo dẫn đầu xung phong lên đường Nam tiến để chi viện cho Nam bộ kháng chiến.

Sự kiện trên đánh dấu một mốc son của Công an Nghệ An trong những ngày đầu bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Dù ra đời mới được hai tháng, nhưng lực lượng Công an Nghệ An đã thực sự có những biến chuyển mạnh cả về chất lẫn lượng để bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ mới trước thù trong giặc ngoài, trong thế nước “ngàn cân treo trên sợi tóc”.


Việt Long

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Công an Nghệ An những ngày đầu bảo vệ chính quyền cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO