Công an vào cuộc vụ 'nhiều giáo viên ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp'

22/12/2017 16:22

(Baonghean.vn) - Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Nghệ An) đang đề nghị một số cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ để làm rõ thông tin Báo Nghệ An đăng tải.

Ngày 22/12, ông Đặng Văn Hóa, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Chương, cho biết cơ quan này vừa cung cấp một số hồ sơ cho công an liên quan đến phụ cấp tái thu hút của giáo viên trên địa bàn.

Theo ông Hóa, vài ngày trước, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46, Công an tỉnh Nghệ An), đã gửi công văn đề nghị Phòng Giáo dục và Phòng Tài chính kế hoạch Thanh Chương cung cấp tài liệu và phối hợp với công an để điều tra.

“Phòng Cảnh sát kinh tế xác minh nội dung bài báo "Giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp tái thu hút", đăng trên Báo Nghệ An phản ánh về việc 39 giáo viên không nhận được phụ cấp tái thu hút…”, công văn do trung tá Nguyễn Xuân Thái, Phó phòng PC 46 nêu.

Trước đó, PC 46 cũng đã làm việc với Sở Tài chính và Sở Giáo dục đào tạo để đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ việc này.

Như Báo Nghệ An đã phản ánh, theo Nghị định 19/2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 4/2013), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa được sắp xếp, luân chuyển trở về thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)… Khoản tiền này vẫn thường được gọi là “phụ cấp tái thu hút”.

Thầy Nguyễn Xuân Bình, một trong những giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh. Hiến Tùng.
Thầy Nguyễn Xuân Bình, một trong những giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp trao đổi với PV Báo Nghệ An.

Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An, nhiều giáo viên thuộc trường hợp như vậy đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Trả lời vấn đề này, những cơ quan liên quan lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tại huyện Thanh Chương, có 39 giáo viên được xác định chưa nhận được tiền phụ cấp với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Đây là những giáo viên trong quyết định luân chuyển đều nêu rõ thời hạn.

Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Chương cho rằng, huyện đã làm hết trách nhiệm. “Hồ sơ của các thầy chúng tôi đã phê duyệt nhưng hội đồng thẩm định của liên sở không đồng ý thì chịu. Họ bắt bẻ câu chữ trong quyết định luân chuyển trước đây của các thầy”, ông Hóa nói và cho hay, hội đồng thẩm định này gồm cả Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Tài chính.

Cũng theo ông Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo, hội đồng thẩm định cho rằng, trong quyết định luân chuyển của những giáo viên này trước đây không nêu thời hạn. “Họ bắt bẻ từng chữ như vậy thì chịu” - ông Hóa nói và khẳng định, từ khi Nghị định có hiệu lực, năm nào huyện Thanh Chương cũng phê duyệt hồ sơ sau đó trình lên hội đồng liên sở thẩm định nhưng bị từ chối. “Việc các thầy không nhận được phụ cấp là do sở. Văn bản sở trả lời rồi văn bản phê duyệt của huyện vẫn còn lưu ở đây”.

Bà Võ Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kế - Tài chính (Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An) lại cho rằng, hội đồng liên sở được thành lập chỉ để cân đối nguồn ngân sách cho huyện, chứ không phải thẩm định hồ sơ. “Thẩm định, phê duyệt tất cả các chế độ là do huyện. Phòng Giáo dục - Đào tạo Thanh Chương nói như vậy là sai”, bà Bình nói và phủ nhận việc bắt bẻ hồ sơ của giáo viên.

Còn ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng phòng Ngân sách xã - huyện (Sở Tài chính), cho hay, theo quy trình, sau khi tổng hợp hồ sơ của giáo viên, các trường học sẽ gửi về Phòng Giáo dục - Đào tạo. Chủ tịch UBND huyện cùng với Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ rồi trình lên hội đồng liên sở gồm Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục - Đào tạo) và Phòng Ngân sách xã - huyện (Sở Tài chính), để phê duyệt. Hội đồng liên sở sau khi thẩm định tiếp tục gửi lên UBND tỉnh tổng hợp để gửi ra các bộ.

“Tuy nhiên, từ khi Nghị định này có hiệu lực từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ có mỗi huyện Quế Phong là trình hồ sơ lên để chúng tôi phê duyệt. Các huyện khác không thấy động tĩnh gì”, ông Quyền nói và cho hay, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 6 giáo viên ở Quế Phong được hưởng phụ cấp này với tổng số tiền gần 200 triệu đồng chi trả mỗi năm.

Sau khi được phóng viên Báo Nghệ An cho xem quyết định luân chuyển của một giáo viên ở huyện Thanh Chương, ông Quyền khẳng định, trường hợp này chắc chắn được hưởng phụ cấp, nhưng “không hiểu sao huyện không trình lên để phê duyệt”.

“Theo thông tư hướng dẫn, những quyết định luân chuyển không nêu rõ thời hạn công tác thì không được. Còn những trường hợp nêu rõ như thầy Lương thì được”, ông Quyền nói mặc dù ông cũng cho rằng, việc không nêu rõ thời hạn công tác trong quyết định không phải là lỗi của các giáo viên.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Công an vào cuộc vụ 'nhiều giáo viên ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO