"Công chúa" giữa rừng thẳm
(Baonghean) - Câu chuyện về “công chúa” giữa rừng thẳm nếu kể ra sẽ dài, nhưng đích thị không phải là một sáng tác. Đó là chuyện về những con người tôi đã gặp trong chuyến đi mới nhất đến xã Mai Sơn (Tương Dương), về miền đất giàu tiềm năng như thể một “người đẹp” đang say ngủ giữa đại ngàn và chưa được đánh thức.
Trước hết phải nói rằng xã vùng biên Mai Sơn đã để lại trong tôi một cảm xúc khá đặc biệt sau lầu đầu đến tác nghiệp cách đây 4 năm. Đến nỗi khi trở về Hà Nội tôi đã lấy tên miền đất này ký dưới những bài báo của mình. Lần ấy tôi đi bằng đường ngược dòng sông Nậm Nơn để đến Mai Sơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến hồ Thủy điện Bản Vẽ và cuộc sống của những cư dân lòng hồ. Cái hồ nhân tạo khiến cảnh quan nơi đây bỗng chốc trở nên hùng vĩ, còn cuộc sống của con người cũng bỗng dưng bị xáo trộn.
Trong lần đầu tiên đến Mai Sơn, tôi chỉ mới có dịp đi quanh bản trung tâm xã, đến ký túc xá học sinh xem nơi ăn ở của các trò và một đêm “ngủ thăm” các thầy giáo trường cấp 2. Nửa đêm tỉnh dậy còn nghe các thầy dạy văn luận về Thúy Kiều rằng vẻ đẹp của nàng khiến cho không có một họa sỹ nào vẽ ra được. Tôi không cãi điều này và chỉ cười thầm: Làm gì có ai vẽ được những điều ước lệ đại loại như “làn thu thủy nét xuân sơn” và nhất là “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” thì càng chịu trời. Tôi vẫn nhớ ngày ấy vào buổi cuối chiều, các cô giáo rủ nhau lên ngọn đồi cao, ngồi trên những chiếc kho lúa của dân bản mà gọi điện cho người thân ở xa. Xã chưa có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn, ấy thế mà người ta vẫn ngồi xe máy leo dốc đến bản xa Chà Lò, Piêng Coọc... Thật kỳ tài.
Bà con bản Huồi Tố (Mai Sơn) vào vụ cấy. |
Lần trở lại Mai Sơn gần đây nhất của tôi vào đúng cái đêm có trận bán kết cúp bóng đá thế giới. Trước khi vào, anh bạn mê bóng đá của tôi đã cẩn thận gọi cho người bạn mới quen và được biết ở đó có thể xem bóng đá bằng đầu thu truyền hình vệ tinh. Một tiếng reo chợt vang lên trong tâm trí của tôi: “Vậy là văn minh quá thành thị rồi còn gì. Có truyền hình vệ tinh lại có sóng điện thoại.” Thế nhưng quãng đường từ bản Xốp Tụ xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) vào Mai Sơn khiến tôi nhanh chóng thất vọng. Đường dốc và lầy lội, chiếc xe máy đi với tốc độ rùa bò và đôi lúc còn nằm lì như ăn vạ giữa vũng lầy. “Phải hôm nay nắng chứ mưa xuống thì vãi… linh hồn!” – anh bạn làu bàu. Dự kiến một giờ đồng hồ chúng tôi sẽ đến chỗ hẹn với người bạn bản Piêng Mửn, nhưng vì không quen đi đường lầy trên núi nên chúng tôi phải mất gấp đôi thời gian dự kiến.
Khi anh bạn dừng xe, tôi mới ngước lên nhìn ngôi nhà gỗ và cũng là nơi chúng tôi dừng chân. Đó là căn nhà sàn kiểu cách hiện đại nằm sừng sững cạnh dòng Nậm Nơn và gia chủ có tên gọi Lô Văn Hoành, dáng dấp khá phong trần. Cái tên cũng gợi lên con người này có vẻ từng trải dọc ngang giữa dòng đời. Sau phút khách sáo của những người lần đầu gặp nhau, anh Hoành nhanh chóng trở nên cởi mở. Trong cuộc chuyện giữa trưa vắng, anh kể về quãng đời của mình từ khi bắt đầu có cái hồ Thủy điện Bản Vẽ. Năm 2003, anh còn ở xã Nhôn Mai (Tương Dương) và bắt đầu phong phanh chuyện di dời dân lòng hồ. Lúc ấy anh bàn với vợ con đi ngược lên vùng đất Mai Sơn kiếm sinh kế.
Những ngày đầu cả gia đình gồm 5 miệng ăn sinh sống trong nếp nhà nhỏ ở bản Piêng Mửn gần sông Nậm Nơn để anh tiện việc chở thuyền. Chị vợ thì lo việc ruộng nương. Hai vợ chồng cật lực nuôi đàn con mới biết ăn rồi học. Lúc ấy Mai Sơn là một trong những nơi tệ nạn ma túy phức tạp. Có người thấy anh thân cô, thế cô đến dụ dỗ, rồi đe nẹt anh chuyển “cái chết trắng” nhưng đều bị cự tuyệt. Không nén được cục tức, kẻ xấu trộm đốt thuyền của anh. Một tuần sau anh lại sắm cái khác. Anh tuyên bố: “Đốt 1 cái ta mua 1 cái, đốt 10 cái ta mua 10 cái. Nếu để bắt được ta chặt tay đi”.
Cuối cùng thì sóng cũng yên, anh cũng đã kiếm được việc làm kế toán cho một trường học trên địa bàn xã, sau gần chục năm tích cóp cũng dựng được cơ ngơi vào loại đẹp nhất nhì cái xã vùng biên này. Căn nhà sàn gỗ 3 gian, dưới gầm sàn được xây bao kết hợp hài hòa với các kết cấu gỗ, nom vừa toát lên vẻ hiện đại lại không mất đi kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người vùng cao. 3 đứa con đứa đang học đại học, đứa đã thi đỗ vào trường an ninh chuẩn bị nhập trường, đứa út học cấp 3 ngoài Thị trấn Hòa Bình. Tôi bảo vậy là anh chẳng khác gì một ông vua mường ở đây rồi. Nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng và cái cơ ngơi của anh thì những lãnh chúa phong kiến miền sơn cước ngày xưa cũng được đến vậy là cùng.
Sau bữa trưa tôi mới có thời gian thảnh thơi quan sát khung cảnh quanh căn nhà gỗ. Bốn bề đều là rừng núi xanh um. Con sông Nậm Nơn mùa này nước đục ngầu như trong cơn tức tưởi. Tưởng như dòng sông bắt nguồn từ ngọn núi phía xa lại chìm khuất vào màu xanh của rừng. Chiều buông xuống khá nhanh và chúng tôi chỉ kịp ghé qua UBND xã Mai Sơn ở bản Huồi Xá. Chủ tịch xã Lô Đại Duyên khái quát tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn, nói rằng ở đây cũng khó triển khai các mô hình kinh tế. Trồng xoan, nuôi cá đều khó bán vì không có đường giao thông. Bà con nơi đây từ lâu đã biết làm lúa nước. Riêng bản Na Kha chỉ có 27 hộ dân mà có đến 21 ha ruộng nước. Điều này quả là hiếm thấy ở các xã vùng biên Tương Dương. Phải đi tham quan một chuyến. Thế nhưng mặt trời đã gần xuống núi, chúng tôi đành chờ đến sáng mai.
Vừa trở về đến ngôi nhà gỗ của anh Hoành cũng là lúc màn đêm ập xuống. Suốt bữa tối, chiếc đèn compac cứ sáng lên rồi tắt. Anh Hoành bảo điện đóm kiểu này chắc không xem được ti vi, mất tong trận bóng hay. Rồi anh đứng phắt dậy cầm đèn pin chạy xuống mé sông. Thoáng chốc đã nghe tiếng máy nổ giòn giã rồi chiếc thuyền với vệt đèn le lói lướt đi trong đêm tối. Chị vợ anh Hoành cho biết hai cha con đang đi sửa máy phát điện. Nửa giờ sau chiếc đèn compac sáng trưng trở lại. Chuông điện thoại reo, chị vợ cầm máy trả lời: “Sáng rồi anh ơi”. Hồi lâu đã thấy anh Hoành bước vào nhà cười bảo: Vậy là đã có thể xem được bóng đá rồi. Với nơi đây, để có nguồn điện thắp sáng, chạy cái ti vi cũng gian nan vất vả thật. Nhưng bù lại chúng tôi đã có một đêm với một trận bóng hay mỹ mãn.
Buổi sáng hôm sau như đã định, chúng tôi ghé thăm bản Piêng Coọc, giữa trưa trở về bản Na Kha. Đây là bản trồng nhiều lúa nước nhất xã Mai Sơn, cũng là thôn bản hiếm thấy ở vùng biên viễn này khi bình quân mỗi hộ có gần 1 ha ruộng nước. Ở đây tất cả những nơi có thể đều được bà con tận dụng để khai hoang ruộng nước. Đang vào vụ cấy nên các chân ruộng bậc thang đều tấp nập nhộn nhịp cảnh lao động sản xuất. Mặt trời gần đứng bóng, Trưởng bản Vi Văn Long mới từ ngoài ruộng trở về.
Sau phút nghỉ ngơi cho lại sức, ông chia sẻ: Bà con nơi đây ai cũng nhiều ruộng nhưng năng suất chưa cao, mỗi ha chỉ được 17 tạ. Vậy là quá thấp rồi. “Nguyên nhân là bởi bà con chưa dùng giống mới”. Vậy có bón phân không? “Gần như không mấy ai bón phân. Có mùa lúa chín thì chim rừng về phá nên vẫn mất mùa”. Như vậy lối tư duy lúa rẫy không cần bón phân vẫn được bà con bản Na Kha áp dụng trong trồng lúa nước. Vậy thì mặc dù nhiều ruộng nước nhưng với lối canh tác lạc hậu như thế may ra cũng chỉ đủ gạo ăn. Tiềm năng đất đai thành ra bị bỏ phí. Tôi chợt nhớ đến ước muốn làm cán bộ nông nghiệp của cô bé Hoài Thương. Hay cô bé đã sớm nhìn ra tiềm năng của vùng đất này và cả lối canh tác truyền thống không còn phù hợp và có ý muốn đánh thức miền đất này bằng một lối nghĩ, lối canh tác mới?.
Hữu Vi