Cõng gạo, vượt rừng làm chứng minh thư cho dân

12/08/2013 16:54

(Baonghean) - Bà con dân tộc thiểu số ở Con Cuông đã có thẻ chứng minh nhân dân. Các chiến sĩ Công an không quản ngày đêm, mưa nắng, âm thầm trèo đèo lội suối đến từng bản làng vận động và trực tiếp làm chứng minh nhân dân cho từng người.

Cố hết sức, đạp mạnh vào cần số của chiếc Honda DD K7, nhưng chiếc xe cứ ì ra. Xe bị ướt bugi, chết máy khi vượt qua con khe ngập nước. Trung tá Lô Văn May, Trung tá Vương Đình Phương, Đội Quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông phải lội bộ. Vất vả, trầy trật rồi 2 chiến sỹ công an cũng qua được con khe để tiến vào bản Quẻ, xã Bình Chuẩn. Theo lịch thông báo từ trước, đợt này, các anh trực tiếp có mặt tại bản Quẻ để làm chứng minh thư cho những người dân đến tuổi thực hiện quyền công dân. Bản Quẻ là điểm xa nhất, khó khăn nhất của xã nghèo Bình Chuẩn với 80 hộ dân tộc Thái sinh sống, quần tụ bên con khe chảy quanh bản, không có đường ô tô vào, điện thoại không thể sử dụng.

Vừa đặt chân đến bản Quẻ, không quan tâm đến "sức khỏe" của chiếc xe máy cà tàng. Trung tá May, trung tá Phương cùng cán bộ Công an xã Bình Chuẩn vội vã treo tấm phông xanh lên để chụp ảnh chân dung cho bà con. Dưới sự hướng dẫn, điều hành của trưởng bản, bà con tập trung tại nhà văn hóa khá đông. Mọi người đều mặc đẹp, nhiều chị em xúng xính áo váy rực rỡ như đi hội. Trong hơn 3 giờ đồng hồ, đội làm chứng minh hoàn tất các thủ tục như cấp phát đơn, lăn tay, điểm chỉ, chụp ảnh cho bà con.

Nhiều cụ ông, cụ bà đã ngoài 70 tuổi, lần đầu được chụp ảnh, làm chứng minh nhân dân, xúc động: "Cả đời ta chưa ra khỏi cái bản này, nói gì chuyện lên huyện để làm chứng minh nhân dân. May có cán bộ công an về trực tiếp làm cho. Những người già như ta cũng được lăn dấu vân tay, có thẻ chứng minh thư. Cán bộ nói, đó là chứng minh quyền công dân đấy. Già rồi, không biết có lúc nào được sử dụng cái chứng minh nhân dân. Nhưng thấy vui lắm. Con cháu làm theo hết à?". Trước khi chia tay những người dân bản Quẻ, các cán bộ công an hứa khoảng 3 tuần sau, công an xã sẽ lại về bản để phát tận tay chứng minh thư cho mọi người. Buổi làm việc ở bản Quẻ được đánh giá thành công ngoài mong đợi. Người dân phấn khởi, tin tưởng ra về. Người trở lên rẫy, người về lại vườn nhà trồng nốt luống rau. Lúc này, trung tá May và đồng đội mới vội vàng mở bugi xe máy, lau chùi khô ráo, tiếp tục hành trình sang bản khác.

Không phải lần nào xuống bản cũng thuận lợi. Một tuần trước, các anh cũng đã vượt đèo dốc để đến bản Quẻ theo kế hoạch. Đến nơi, cả bản im lìm, chỉ có trẻ nhỏ ở nhà, trưởng bản đi vắng, điện thoại không có sóng để liên lạc. Chờ đến chiều, trưởng bản về mới biết, thông báo lịch làm việc của Công an không đến được với bà con, vì đường từ xã vào bản bị chia cắt. Không ít lần, tổ công tác phải nằm lại 3 ngày ở bản, vì trời mưa, nước khe dâng cao, nhiều bản bị cô lập hoàn toàn. Chuyện trung tá May cõng gạo, mang ba lô, theo đò dọc vượt sông Giăng làm chứng minh nhân dân cho bà con dân tộc Đan Lai bị lật đò, bà con dân bản có ai không biết. Lần đó, may là mùa nước cạn, nhưng toàn bộ gạo bị ướt sũng, chỉ chiếc cặp đựng mực in, dụng cụ và giấy tờ không bị ướt nước...

53 năm tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, trung tá Lô Văn May đã có mặt ở khắp các bản làng của các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông. Tốt nghiệp THPT, Lô Văn May xung phong đi nghĩa vụ công an, rồi phấn đấu học Trung cấp và được phân về công tác ở Công an huyện Kỳ Sơn. Công việc chính của May từ khi vào ngành đến nay là cấp mới, đổi, sửa chữa chứng minh nhân dân cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Ngày đó, Kỳ Sơn là thủ phủ của cây anh túc, từ trung tâm huyện Mường Xén đến các xã giáp biên phải đi mấy ngày trời. May kiên trì cõng theo gạo, muối, nước mắm ngược ngàn, đến những bản xa nhất của các xã Keng Đu, Đoọc Mạy, Nậm Càn,... để vận động người dân làm chứng minh thư. Khi đó, rất ít bà con hưởng ứng. Từ xưa đến giờ không có chứng minh thư, vẫn bình thường mà. Số nữa lại sợ có chứng minh rồi sẽ bị quản lý, không được di cư tự do sang Lào, sang huyện khác. Một số người sợ bị lăn tay, chụp ảnh...



Cán bộ công an làm chứng minh thư, kiêm việc chụp ảnh cho người dân.

Năm 1990, theo nguyện vọng cá nhân, Lô Văn May được chuyển về Công an huyện Con Cuông. Về đây, Lô Văn May và các đồng đội tiếp tục công việc âm thầm, lặng lẽ của mình, xuống bản làm chứng minh nhân dân cho bà con. Thời gian này, một số thanh niên trong vùng biết vào miền Nam làm thuê ở các khu công nghiệp. Nhiều hộ biết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ xin việc làm, thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất... cần dùng đến chứng minh nhân dân.

Bên cạnh đó, nhờ sự tuyên truyền của các cán bộ công an nên bà con nhận thức được sự cần thiết phải có chứng minh nhân dân. Từ chỗ phải xuống bản để vận động từng gia đình, từng người một nhưng vẫn không mấy kết quả, sau này, người dân đều chờ đón đoàn cán bộ Công an huyện xuống bản để được làm chứng minh thư.

Trong "kho" kỷ niệm của anh May, có dấu ấn của lần đầu tiên tổ công tác cơm đùm, cơm nắm đi đò dọc vượt sông Giăng, vào vùng lõi rừng Pù Mát, nơi bà con dân tộc Đan Lai sinh sống. Hầu hết bà con Đan Lai đều không biết chữ, chưa có chứng minh nhân dân. Lần đầu được chụp ảnh, lăn tay điểm chỉ, tất cả đều sợ hãi, rụt rè. Nhiều cô gái mới lớn, bẽn lẽn đưa tay cho cán bộ mặt đỏ nhừ... Các cô gái Thái, Mông, Khơ mú thẹn thùng trong trang phục dân tộc sặc sỡ, lần đầu tiên ngồi trước tấm phông màu xanh để được chụp ảnh. "Ở thành phố, vùng miền xuôi, người dân làm chứng minh nhân dân phải chụp ảnh mang đến. Còn ở các bản làng, cán bộ Công an phải kiêm luôn việc chụp ảnh và in cho dân", vừa kể chuyện, anh Phương vừa dùng chiếc khăn mỏng tỉ mỉ lau chùi chiếc máy ảnh cũ hiệu Nikon dùng phim. Anh Phương tự hào, chiếc máy này trước đây là một khối tài sản lớn đấy nhưng hiện nay, sử dụng máy ảnh phim để chụp ảnh chứng minh thư cho bà con là quá "lỗi thời" rồi. Mỗi khi chụp, không thể kiểm tra lại đã ổn hay chưa như máy kỹ thuật số.

Đã có nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Có đợt làm chứng minh nhân dân ở các bản xa như Cò Phạt, Văng Môn, bản Quăn, tổ công tác hoàn thành mọi thủ tục và chụp ảnh cho dân rồi đi về trụ sở công an huyện. Khi gửi phim xuống Thành phố Vinh rửa ảnh, mới biết phim bị cháy. Có lần thì người chụp nhắm tít mắt như đang ngủ. Vậy là, phải ngược hành trình quay vào bản chụp lại ảnh cho bà con. Vậy nhưng, với tổ cấp phát chứng minh nhân dân, đây vẫn là một báu vật. Trong các chuyến ngược rừng, dù quần áo, tư trang có thể bị ướt, bị rơi, thậm chí là lũ cuốn mất, nhưng chiếc máy ảnh thì phải giữ gìn tuyệt đối. "Chúng tôi đã mấy lần đề xuất mua máy ảnh kỹ thuật số để phục vụ công việc tốt hơn, nhưng vì kinh phí khó khăn, đến nay vẫn chưa được duyệt", anh Phương tâm sự và mân mê chiếc máy ảnh cũ kỹ.

Tổ cấp phát chứng minh nhân dân của Công an huyện Con Cuông chỉ có anh May và anh Phương là lớn tuổi, còn lại đều là những chiến sĩ trẻ 8X, 9X. Nhưng họ đều có chung một nhận thức, quan điểm: Việc cấp, phát chứng minh nhân dân không đơn thuần là việc giúp bà con đồng bào các dân tộc thực hiện quyền công dân; giúp người dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn ngân hàng, khám chữa bệnh, xin hồ sơ làm việc, học hành, mà ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác này là, nhằm quản lý hộ tịch, hộ khẩu, di dịch cư tự do sang nước bạn, huyện bạn, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị lừa phỉnh bán ra nước ngoài,... góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng miền Tây xứ Nghệ. "Với chúng tôi, việc xuống bản cùng bà con đã trở thành lẽ tự nhiên. Đi nhiều thành "say việc". Khó khăn, vất vả nhưng thấy bà con vui mừng, phấn khởi đón nhận tấm thẻ chứng minh nhân dân, hay háo hức chờ đợi đến lượt lăn tay, điểm chỉ, ký tên, mọi mệt nhọc tan biến hết", anh Lô Văn May tâm sự.

Nghe kể chuyện, hiện nay, trên Trung ương, ngoài bộ, các cơ quan chức năng đang xây dựng đề án mã số định danh, số hóa các loại giấy tờ hay chứng minh nhân dân điện tử cho công dân. Trung tá Phương nhìn xa xăm về ngôi nhà sàn, nơi có mấy đứa trẻ vui đùa bên bậc cầu thang. “Hy vọng, người dân vùng núi xa xôi như bản Quẻ cũng sẽ có cơ hội được sử dụng tấm thẻ từ có mã chứng minh nhân dân điện tử. Khi đó, miền Tây sẽ trù phú, đường ô tô, điện lưới quốc gia, các dịch vụ công ích hiện đại về đến mọi bản làng. Cán bộ công an không còn cảnh trèo đèo, lội suối cõng gạo, muối đi làm chứng minh thư cho bà con nữa”, tổ trưởng Vương Đình Phương nói với ánh mắt tin tưởng.


Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Cõng gạo, vượt rừng làm chứng minh thư cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO