Kinh tế

Công nghiệp Nghệ An tăng trưởng, tạo đà cho xuất khẩu bứt phá

Thu Huyền 31/08/2024 07:06

Nghệ An đang vươn lên, thuộc tốp 10 cả nước trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Khi các dự án đầu tư xây dựng nhà máy hoàn thành và đi vào sản xuất đã bổ sung thêm các mặt hàng mới cho lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu bứt phá, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá

Theo Báo cáo kinh tế-xã hội do Cục Thống kê Nghệ An công bố, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Nghệ An đạt 6,76% (quý I tăng 6,22%; quý II tăng 7,22%), là mức tăng trưởng đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 của cả nước; cao hơn mức tăng 6,15% của cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh. Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 23.759 tỷ đồng chảy vào Nghệ An trong 7 tháng đầu năm. Sau thu hút đầu tư, nhiều dây chuyền nhà máy được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp không ngừng tăng trưởng tốt.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT tại VSIP Nghệ An). Ảnh: Thành Duy
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT tại VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tháng 7/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nghệ An tăng 11,04% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, một số nhà máy mới sau thời gian chạy thử đã có sản phẩm thương mại ổn định, nhiều dự án mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh như: Hạt phụ gia Taical của các Nhà máy Mega, linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, modul pin năng lượng mặt trời; giày da.

Một số sản phẩm sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Micro ước đạt 7,2 triệu cái, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước; Đá chế biến ước đạt 118,8 nghìn m3, tăng 67,91%; Sợi ước đạt 1 nghìn tấn, tăng 63,93%; Nước mắm ước đạt 29,6 triệu lít, tăng 62,78%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 4,6 triệu cái, tăng 59,07%; Điện sản xuất trong tháng ước đạt 298 triệu KWh, tăng 52,13%; Bê tông tươi ước đạt 0,1 nghìn m3, tăng 50,89%; Dịch vụ sản xuất dây cáp điện ước đạt 594,6 tỷ đồng, tăng 49,59%...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,16% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm. Đồ họa: Hữu Quân
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm. Đồ họa: Hữu Quân

Năm 2024, các dự án FDI quy mô lớn dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek, Dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng, Dự án sản xuất và gia công giày, dép xuất khẩu Huali, Dự án sản xuất hợp kim nhôm của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam, Dự án Nhà máy khoa học, kỹ thuật kim loại Tân Việt sản xuất thép tấm, thép không gỉ công suất 260.000 tấn/năm... Những dự án mới này đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm mặt hàng, sản lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Nghệ An.

Thời gian qua, các dự án sản xuất linh kiện điện tử như Luxshare - ICT, Merry&Luxshare có doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn ổn định sản xuất, các dự án mới đi vào hoạt động bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường. Các dự án sản xuất, tiêu dùng trong nước như: Thực phẩm Masan, bia Hà Nội, tôn Hoa Sen, xi măng, vật liệu xây dựng… vẫn duy trì ổn định.

Ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam

Tạo đà cho xuất khẩu bứt phá

Sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng cộng với sản xuất công nghiệp phát triển tạo tiền đề cho xuất, nhập khẩu tăng trưởng. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Theo Ban quản lý KKT Đông Nam, tình hình sản xuất thời gian qua tiến triển tích cực; Một số dự án đầu tư FDI đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, xây dựng, nhu cầu nhập máy móc, thiết bị tăng lên, kéo theo giá trị nhập khẩu trong KKT, các KCN tăng mạnh. Các dự án sản xuất linh kiện điện tử, may mặc xuất khẩu… trong KKT, các KCN đã có thêm nhiều đơn hàng, do vậy giá trị xuất khẩu tiếp tục gia tăng.

Vận chuyển hàng hóa tại nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu, Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền
Vận chuyển hàng hóa tại nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu, Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Theo tổng hợp từ Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của tỉnh đạt 1,677 tỷ USD, tăng 26%; kim ngạch nhập khẩu 7 tháng ước đạt 1,172 tỷ USD, tăng 57,17% so với cùng kỳ năm 2023. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Hàng dệt may tôn thép các loại, giày dép, bột đá, tinh bột sắn, dăm gỗ, dây điện và cáp điện tăng...

Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, tiêu biểu như: Trung Quốc tăng 29,12%; Hồng Kông tăng 61%; Đài Loan tăng 37%; Đức tăng 101,5%.

Đặc biệt, thiết bị, linh kiện điện tử tăng 72% so với cùng kỳ; Sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử đang là ngành hàng vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu của Nghệ An trong những năm gần đây.

Năm 2024, Nghệ An đặt mục tiêu trên địa bàn sản xuất được 580 triệu sản phẩm linh kiện điện tử. Với định hướng ưu tiên dòng vốn FDI chất lượng cao, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Nghệ An đang vươn lên thành “thủ phủ” mới về sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam khi thu hút được nhiều “ông lớn” công nghệ rót vốn đầu tư. Hiện Nghệ An là địa phương quy tụ đủ 5 đại gia công nghệ gồm: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thiết bị, linh kiện điện tử của Nghệ An sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới khi các dự án đi vào hoạt động đầy đủ.

Tàu ăn hàngtại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Tàu ăn hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, công nghiệp, xuất khẩu của Nghệ An giữ vững tốc độ tăng trưởng cao; quý 2 tăng cao hơn quý 1. Nhờ kết quả thu hút đầu tư từ các năm trước, nhiều sản phẩm mới của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, ngành Công Thương cũng chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Đó là, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (ví như sản phẩm công nghiệp điện, điện tử) thị trường xuất khẩu rộng hơn, nhất là sản phẩm Nghệ An bắt đầu vươn tới những thị trường lớn, quan trọng.

Xuất khẩu là một trong những chỉ tiêu mà tỉnh thực hiện vượt từ năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD. Song từ năm 2021, Nghệ An đã thực hiện vượt mục tiêu, đạt hơn 2,4 tỷ USD; năm 2022 đạt 2,54 tỷ USD; Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hy vọng sẽ tạo đà cho sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục có những kết quả bứt phá trong thời gian tới.

Mới nhất
x
Công nghiệp Nghệ An tăng trưởng, tạo đà cho xuất khẩu bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO