Kinh tế

Bài 3: Xác định rõ khó khăn, hạn chế về công nghiệp chế biến

Thu Huyền - Hoài Thu 31/07/2024 16:30

Mặc dù Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhưng kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa tương xứng. Doanh nghiệp hoạt động chế biến nông sản hầu hết manh mún, quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, nên khó nâng tầm giá trị nông sản.

chebiennongsan-b3-cover.png

Thu Huyền - Hoài Thu
31/07/2024

chebiennongsan-b3-tit1.png

Những năm qua, từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể.

Với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, Tập đoàn TH là doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng nhà máy chế biến quy mô, đóng vai trò “đầu tàu” phát triển nền nông nghiệp hiện đại trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua.

Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh Thu Huyền
Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - bà Võ Thị Nhung chia sẻ: Từ những nỗ lực của tỉnh, những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được triển khai, đem lại diện mạo mới, tư duy sản xuất mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao. Ngoài các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Vinamilk, Tập đoàn TH sản xuất sữa, chế biến nước tinh khiết, nước hoa quả, trồng rau sạch, đã có thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chè, dứa, trồng cam, dược liệu, chăn nuôi...

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã có những khởi sắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng hạn, tại huyện lúa Yên Thành, địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp như: Tập đoàn TH, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An liên kết với nông dân xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo, giống lúa chất lượng cao.

Mô hình nhà lưới của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền
Mô hình nhà lưới của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, thực tế có không nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ trước đến nay có 114 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 1.828 dự án đã được cấp chủ trương/chứng nhận đầu tư (chỉ chiếm 6,2%); tổng vốn 21.991,2 tỷ đồng/492.959,51 tỷ đồng (4,46%). Từ năm 2021 đến nay có 24 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 373 dự án đã được cấp chủ trương, chứng nhận đầu tư (cũng chỉ chiếm 6,43%); tổng vốn 3.591,399 tỷ đồng/123.179,585 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 3%.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Đồ họa: H.Q

Nguyên nhân đầu tiên khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là do trong sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn. Trong khi đó, với khí hậu khắc nghiệt đặc trưng của Nghệ An, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì nông nghiệp luôn đối mặt với sự bấp bênh. Không chỉ rau, quả, mà doanh nghiệp trồng các loại cây trồng khác như cao su, chè cũng không ít lần lao đao vì nắng hạn, gió bão.

Chia sẻ về những hạn chế hiện nay trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn vì nguyên liệu cho chế biến chưa đảm bảo, vướng thủ tục đất đai. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững; vai trò của HTX trong liên kết, khâu nối giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được phát huy, nhiều HTX năng lực kém. Nghệ An là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều bất cập cũng khiến cho doanh nghiệp e dè đầu tư...

bna_mua-bao-nam-2022-khien-khu-san-xuat-bi-hu-hong.jpeg
Thời tiết mưa bão khiến sản xuất nông nghiệp chịu rủi ro cao. Trong ảnh: Khu sản xuất nhà lưới ở Hưng Nguyên bị hư hỏng do mưa bão. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều bất cập cũng khiến cho doanh nghiệp e dè đầu tư...

chebiennongsan-b3-tit2.png

Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất trong 31 tỉnh, thành phía Bắc, sản xuất lúa gạo được tỉnh chú trọng chỉ đạo, thu hút đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo với quy mô công nghiệp, tổng công suất đạt khoảng 250.000 - 300.000 tấn thóc/năm. Chẳng hạn, Công ty CP Vật tư lương thực Nghệ An có dây chuyền chế biến công suất 10 tấn/giờ, tổ chức liên kết với nông dân sản xuất và thu mua sản phẩm với quy mô 3.000 - 4.000 ha lúa/năm, với thương hiệu gạo vật tư - NA 06. Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa có dây chuyền chế biến công suất chế biến 4 tấn/giờ; với thương hiệu gạo AC5 và gạo thảo dược. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở chế biến lúa gạo nhỏ lẻ hộ gia đình. Sản lượng lúa phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết chiếm khoảng 25 - 30% sản lượng lúa toàn tỉnh.

Mặc dù vậy, Nghệ An chưa thực sự có những bước đột phá, tạo được giá trị hàng hóa lớn, tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng. Việc doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là nguyên nhân khiến công nghiệp chế biến nông sản yếu và thiếu. Sản xuất lúa gạo ở Nghệ An vẫn đang chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dân, hầu như ít được tiêu thụ ở các siêu thị, hệ thống phân phối lớn và đặc biệt là xuất khẩu. Thực trạng đó làm cho sản xuất lúa gạo ở Nghệ An chưa đem lại giá trị cao.

Sản phẩm gạo hữu cơ đặc sản Yên Thành chủ yếu bán ở thị trường nội huyện. Ảnh: Văn Trường
Sản xuất lúa gạo ở Nghệ An vẫn đang chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dân. Trong ảnh: Gạo đặc sản Yên Thành giống J02 được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu “gạo Yên Thành”. Ảnh: Văn Trường

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù ngày càng hướng đến sản xuất lúa gạo chất lượng, nhưng sản phẩm lúa gạo của Nghệ An được tiêu thụ ở những kênh phân phối giá trị cao như các siêu thị, hệ thống phân phối lớn còn rất ít, đặc biệt, gạo xuất khẩu hầu như chưa có, giá trị sản xuất lúa gạo chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng. Nông dân sản xuất với mục đích là tự cung, tự cấp lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi là chính.

Phần lớn diện tích lúa của tỉnh vẫn đang được sản xuất theo các phương thức sản xuất thông thường, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ rất ít. Việc liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng diện tích lúa hàng năm; do đó, người dân thường gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán cho thương lái thu mua. Ngoài ra, sản xuất còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, công tác bảo quản sau thu hoạch vẫn còn khó khăn, chủ yếu bằng thủ công, phơi nắng và bằng các dụng cụ sẵn có tại hộ gia đình; tỷ lệ lúa gạo được sấy tại các hệ thống sấy còn rất thấp, chỉ mới một số ít HTX xây dựng được hệ thống sấy lúa sau thu hoạch.

Thu hoạch lúa hè thu ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương
Thu hoạch lúa ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Những ngày đầu tháng 6, nông dân Nghệ An hối hả bước vào thu hoạch lúa vụ xuân. Tuy nhiên, người dân lo lắng khâu bảo quản trong điều kiện thời tiết ít nắng, nhiều mưa. Vào vụ xuân, có những hộ thu hoạch lúa xong về phơi, gặp lúc thời tiết ít nắng, sau khi đóng bì hoặc bỏ vào thùng phuy thì một số bị hư thối, nảy mầm... Đó cũng là một bài toán khó giải cho nhiều địa phương khác trong tỉnh. Nghệ An là địa phương nằm trong vùng trọng điểm bão lũ, lại là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Thực tế khó khăn trong việc bảo quản đang làm cho nông sản giảm sút về chất lượng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Hay đối với sản phẩm lạc sen, dù Nghệ An có thương hiệu khá nổi tiếng, nhưng lâu nay sản phẩm này vắng bóng trong bảng vàng xuất khẩu nông sản của tỉnh. Trên địa bàn hiện có 2 nhà máy chế biến dầu ăn: Nhà máy dầu Vinh sản xuất và tiêu thụ bình quân đạt 25.000 - 26.000 tấn/năm và Nhà máy ép dầu của Công ty cổ phần Dầu thực vật Nghĩa Đàn với công suất ép 1.000 tấn/năm. Sản lượng bình quân hàng năm chỉ đạt từ 150 - 200 tấn. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp thu mua và chế biến, xuất khẩu lạc. Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng ở huyện Diễn Châu được xem là đơn vị đầu tàu trong chế biến tiêu thụ lạc với công suất khoảng 7.000 tấn/năm. Thế nhưng, sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế lạc nhân xuất khẩu và các cơ sở, hộ gia đình thu mua chế biến tiêu thụ lạc trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Diễn Tân Diễn Châu thu hoạch lạc nhập cho doanh nghiệp đóng tại địa bàn ảnh HT
Nông dân xã Diễn Tân (Diễn Châu) thu hoạch lạc nhập cho doanh nghiệp đóng tại địa bàn. Ảnh: Hoài Thu

Đối với cây chè, Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng chè khô hằng năm vào loại lớn của cả nước. Từ bao đời nay, cây chè đã gắn bó với người dân Xứ Nghệ, tất cả 21 huyện, thành, thị trong tỉnh đều trồng chè, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất chè nguyên liệu rộng lớn phục vụ chế biến như vùng chè Thanh Chương, Anh Sơn,... Thế nhưng hiện nay, tình hình sản xuất, chế biến chè bất cập; nhiều nhà máy chè một thời hoàng kim nay phủ bạt; một số cơ sở tư nhân sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ. Thực trạng đó đang ảnh hưởng tới sinh kế của hàng ngàn hộ dân trồng, kinh doanh, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.

Từ bao đời nay, cây chè đã gắn bó với người dân Xứ Nghệ, tất cả 21 huyện, thành, thị trong tỉnh đều trồng chè, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất chè nguyên liệu rộng lớn phục vụ chế biến...

Chế biến chè ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: P.V
Chế biến chè ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: P.V

Gần đây, rau, củ, quả cũng được phát triển khá tốt tại một số địa phương. Công nghiệp chế biến nước hoa quả trọng tâm là Nhà máy Nafoods - Công ty CP thực phẩm Nghệ An sản xuất nước chanh leo, gấc, dứa có công suất 35.000 tấn quả/năm gắn với vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong, dứa tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu; Nhà máy Chế biến nước hoa quả Núi Tiên - Nghĩa Đàn với công suất 40 tấn hoa quả/giờ. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các nhà vẫn có lúc, có nơi chưa tốt, dẫn tới xảy ra phá vỡ hợp đồng…

Hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng cả về số lượng và giá trị so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, sức cạnh tranh của nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn chưa cao, hàng hóa chủ yếu vẫn là sơ chế, nguồn nguyên liệu phân tán, một số nguyên liệu còn phải nhập từ tỉnh khác về, độ đồng nhất của nguyên liệu thấp...

Cũng chính vì công nghiệp chế biến chưa được đầu tư dẫn tới tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Nghệ An rất khiêm tốn, giai đoạn 2015-2020 chỉ tăng trưởng 2,9%/năm.

Nhà máy Mía đường Sông Lam. Ảnh: thu Huyền
Nhà máy Mía đường Sông Lam. Ảnh: Thu Huyền

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, phấn đấu công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên, trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng. Đặc biệt, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Việc đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được xem là một trong những giải pháp trọng tâm...

(Còn nữa)

Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Ảnh: T.H
Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Ảnh: Hoài Thu

>> Trang chủ
>> Bài 1: Khép kín chuỗi sản xuất xanh
>> Bài 2: Kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy chế biến tăng giá trị nông sản
>> Bài cuối: Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn đẩy mạnh chuyển đổi số

Mới nhất
x
x
Bài 3: Xác định rõ khó khăn, hạn chế về công nghiệp chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO