Kinh tế

Bài 2: Kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy chế biến tăng giá trị nông sản

Thu Huyền - Hoài Thu 31/07/2024 16:29

Từ thấy rõ được vai trò quan trọng có tính quyết định của liên kết sản xuất trong nông nghiệp nói riêng, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, tại các địa phương của Nghệ An đang ngày càng sôi động những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng yêu cầu cao của nền nông nghiệp hiện đại, hướng bền vững; là cơ sở để thúc đẩy phát triển ngành chế biến, nâng cao giá trị nông sản.

chebiennongsan-b2-cover.png

Thu Huyền - Hoài Thu
31/07/2024

chebiennongsan-b2-tit1.png

Huyện miền núi Con Cuông là một trong những địa phương có tiềm năng về nguồn dược liệu quý của miền Tây Nghệ An. Việc phát huy giá trị kinh tế của dược liệu, mang lại thu nhập ổn định, khấm khá cho người nông dân, đồng thời nâng tầm sản phẩm địa phương tuy hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, song đã hình thành những cách làm, hướng đi mang tính bền vững cho cả người nông dân cũng như doanh nghiệp bao tiêu nông sản.

Đã gần 5 năm nay, cứ đến tầm tháng 4 trở đi, đúng những ngày nắng nóng đỉnh điểm, người dân thôn 2/9 của xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) lại tấp nập ra đồng thu hoạch cà gai leo. Cây cà gai leo là một loại cây thảo dược, có nhiều tính năng dược liệu tốt cho sức khoẻ. Khi chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cây cà gai leo với tính thích nghi cao, mọc hoang nhiều nên khá ít hộ trồng. Người dân chỉ trồng diện tích ít, hoặc hái cây mọc hoang phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ khi Công ty CP Dược liệu Pù Mát cùng với chính sách khuyến khích sản xuất chế biến dược liệu của nhà nước, bà con dưới sự hướng dẫn kết nối của chính quyền địa phương đã thỏa thuận ký kết trồng, chăm sóc và cung cấp cây cà gai leo tươi cho Công ty. Cũng từ hợp đồng này, đời sống của hàng chục hộ dân thôn 2/9 bắt đầu khấm khá...

Nông dân Châu Khê trồng dược liệu theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Nông dân Châu Khê trồng dược liệu theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Trước đây, ở thôn 2/9 mía là cây trồng chủ lực, với hơn 130 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng mía. Song so với cây mía thì cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Mỗi ha cà gai leo, người dân đầu tư ban đầu khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón, 600 nghìn đồng tiền vật liệu bao ni lông phủ chống cỏ và giữ ẩm, khoảng 1 triệu đồng tiền giống cho năm đầu tiên và lưu gốc 3-5 năm không cần đầu tư giống; sau 6-8 tháng chăm sóc sẽ cho sản lượng khoảng 3 - 4 tấn cây tươi. Với giá thu mua hiện nay khoảng 4.500 đồng/kg cà gai leo, người dân thu về 12 - 15 triệu đồng/ha/vụ; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu về trung bình 25 - 30 triệu đồng/ha. Ở thôn 2/9, hộ trồng ít cũng khoảng 2 sào, hộ trồng nhiều từ 4 - 7 sào như ông Nguyễn Thế Dũng 6 sào, anh Nguyễn Văn Hà trồng 5 sào…

Cũng nhờ đó, “từ 3 ha thử nghiệm ban đầu, nay người dân thôn 2/9 đã phát triển vùng dược liệu cà gai leo lên 10 ha, mang lại thu nhập cao hơn hẳn các loại nông sản khác đã trồng trước đây”, anh Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng thôn 2/9 cho biết. Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, trong hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua có những điều khoản về đảm bảo chất lượng xanh, sạch, không được phép có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm bệnh, sinh vật có hại cho sức khỏe con người. Phía Công ty CP Dược liệu Pù Mát bao tiêu sản phẩm thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, mẫu sản phẩm của hộ nào vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng bao tiêu. Khi nông sản không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu nhập của hộ vi phạm, mà cả cộng đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng uy tín; vì thế, ngay từ đầu triển khai trồng loại cây mới này ở thôn 2/9, các hộ tham gia đã đặt ra quy định “giám sát chéo” lẫn nhau về việc tuân thủ quy trình trồng theo hướng hữu cơ, xanh, sạch.

bna_Thuê đất mở rộng diện tích cây dược liệu đã được Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát (Con Cuông) thực hiện từ nhiều năm nay. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Sản xuất vùng nguyên liệu dược liệu trong vùng Pù Mát. Ảnh: Xuân Hoàng

Vụ mùa cà gai leo năm 2023, giá thu mua nguyên liệu giữa Công ty CP Dược liệu Pù Mát và bà con thôn 2/9 giảm từ 7.300 đồng/kg tươi theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xuống còn 4.300 đồng/kg tươi. Điều đáng nói, giá thu mua biến động mạnh, song giữa người nông dân nơi đây và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vẫn giữ được mối liên kết, “chung thủy” như hợp đồng cam kết ban đầu. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng thôn 2/9 cho biết, ông tham gia trồng cây cà gai leo mới được 2 năm nay với hơn 5 sào; vừa là người trực tiếp trồng trọt, vừa cùng Ban cán sự thôn kết nối người dân cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Khi Công ty giảm giá thu mua, tuy có thông báo nguyên nhân do khâu tiêu thụ chậm, song nhiều người dân vẫn rất bức xúc, Ban quản lý thôn đã đến gặp Công ty để hỏi nguyên nhân và cũng đã chứng kiến sản phẩm chiết xuất từ cà gai leo đang tồn kho rất nhiều...”.

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông)

Ông Nguyễn Thế Dũng (bên trái) trồng 6 sào cà gai leo cho thu nhập ổn định
Ông Nguyễn Thế Dũng (bên trái) trồng 6 sào cà gai leo cho thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Thế Dũng, ở thôn 2/9, trồng 6 sào cà gai leo, cho hay, cây cà gai leo trung bình cho mỗi hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm khi giá thu mua công ty đang duy trì 7.300 đồng/kg. Khi giá giảm xuống còn 4.500 đồng/kg, có nhiều hộ bức xúc. Song người dân không vì thế mà phản ứng thái quá đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã chủ động thông báo, xuống tận thôn bản để gặp gỡ người dân, giải thích rõ nguyên nhân vì sao phải giảm giá thu mua, nên bà con cũng chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hà bày tỏ: “Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát tại cuộc họp với người dân trồng cà gai leo thôn 2/9 đã giải thích rằng do ảnh hưởng dịch Covid-19 hơn 2 năm lượng hàng bán ra nhỏ giọt, tồn đọng lớn khiến công ty thua lỗ. Có những tháng thua lỗ 700 - 800 triệu đồng. Tuy nhiên Công ty vẫn cố gắng thu mua nguyên liệu cho bà con như hợp đồng, song công ty cũng mong bà con chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp... Hiểu được vấn đề, người dân chúng tôi cũng đã tìm hiểu thực tế và chia sẻ cùng doanh nghiệp, chấp nhận giá thu mua”. Nhờ sự chia sẻ ấy mà mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp ở Châu Khê (Con Cuông) đã vượt qua được giai đoạn “sóng gió”, giữ được lợi ích của cả hai bên, giúp vùng nguyên liệu phát triển bền vững. Về phía doanh nghiệp, ông Phan Xuân Diện cũng khẳng định, nhờ sự minh bạch, chia sẻ lợi ích đó đã giúp doanh nghiệp cũng ổn định sản xuất, dần vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Quy trình đóng gói trong túi giấy (túi lọc) của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Xuân Hoàng

Bài học về giữ mối liên kết chặt chẽ và có sự chia sẻ lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm luôn hữu ích, liên quan đến sự sống còn của cả hai bên.

chebiennongsan-b2-tit2.png

Để ngành chế biến nông sản thực sự phát huy giá trị kinh tế, nâng tầm giá trị nông sản, ngoài tăng cường liên kết giữa người nông dân (vùng nguyên liệu) và doanh nghiệp chế biến (bao tiêu sản phẩm), thì liên kết thị trường tiêu thụ đóng vai trò quyết định cuối cùng. Nói cách khác, cần làm chính là kết hợp các khâu, chế biến và tiêu thụ nông sản lại với nhau. Chủ cơ sở sản xuất cần liên kết hóa thành một hệ thống chặt chẽ, dù có bị vấn đề nào xảy ra cũng có thể xử lý ngay tức thời. Nếu thực hiện tốt phương án này sẽ giúp hình thành nên nhiều doanh nghiệp đầu tàu, quá trình xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ cũng diễn suôn sẻ hơn và tiết kiệm được một phần chi phí.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát . Ảnh: Thu Huyền
Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát . Ảnh: Thu Huyền

Tại Công ty CP Dược liệu Pù Mát, ngoài duy trì được vùng nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp này còn đầu tư xây dựng hệ thống xưởng chế biến và thực hiện liên kết thị trường thông qua nhiều “kênh” bán hàng đa dạng, cập nhật xu hướng của thời đại số. Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát cho biết, ngoài liên hệ ký kết hợp đồng bán sản phẩm với các siêu thị, công ty cũng mở các đại lý bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, kênh bán hàng qua các trang thương mại điện tử cũng phát huy tác dụng trong thời đại số.

Theo chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số của Nhà nước, Công ty chúng tôi nằm trong diện được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để bán hàng, hiện chúng tôi đã hoàn thiện thủ tục, chờ được cấp phép và vận hành, giúp đẩy nhanh hơn hiệu quả tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm dược liệu”.

Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát

Nho hữu cơ trồng tại trang trại sunmart
Nho hữu cơ trồng tại Trang trại Sunmart.

Như đã đề cập ở phần trước (bài 1), với cách làm tương tự như trên, nhiều công ty, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An cũng đang lựa chọn khép kín chuỗi giá trị sản xuất từ khâu trồng trọt đến đưa sản phẩm tận tay người tiêu dùng, như các dự án đầu tư của Tập đoàn TH; Trang trại hữu cơ Sunmart, Mô hình Trang trại Đồi Chồi - Bud Hill Farm; Công ty Thiên Sơn…

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thiên Sơn sản xuất, kinh doanh nông sản với thương hiệu cam Thiên Sơn, là doanh nghiệp đầu tiên của Nghệ An đạt được Chứng chỉ GlobalGAP, là điều kiện giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu cam đến tất cả các thị trường trên thế giới.

Thu hoạch cam Thiên Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch cam Thiên Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Trịnh Xuân Giáo - Giám đốc Hợp tác xã Thiên Sơn cho biết, để có thể xuất khẩu cam đến các thị trường “khó tính” với những yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản là cả một quá trình dài của doanh nghiệp. Và đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, kiên trì tuân thủ các quy trình, quy định trong trồng trọt, kiểm soát chất lượng nông sản. Và việc doanh nghiệp đầu tư chủ động từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, kết nối thị trường tiêu thụ sẽ giúp tối ưu hoá chi phí đầu tư.

An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng mà người tiêu dùng rất quan ngại và là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của họ. Vì vậy, ngoài thực hiện các khâu sản xuất xanh, việc truy xuất nguồn gốc cho cả chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp là yếu tố quan trọng để gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Công ty Phúc An Farm phát triển chế biến nông sản thành sản phẩm quà tặng cao cấp được thị trường ưa chuộng-Ảnh CSCC
Công ty Phúc An Farm phát triển chế biến nông sản thành sản phẩm quà tặng cao cấp được thị trường ưa chuộng. Ảnh: CSCC

chebiennongsan-b2-tit3.png

Ở Nghệ An cũng như nhiều địa phương trong cả nước, xu hướng kết hợp sản xuất - chế biến - tiêu thụ đang được các doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh cá nhân hướng đến thông qua “cú hích” là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Việc xây dựng sản phẩm OCOP đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về nông sản phong phú của địa phương và thúc đẩy ngành chế biến sâu, dần hình thành những doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến nông sản.

lãnh đạo tỉnh và Liên minh HTX tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh Xuân Hoàng
Lãnh đạo tỉnh và Liên minh HTX tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP nhờ phát huy hiệu quả chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, mà còn nâng tầm nông sản bản địa, tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương. Tại các địa phương vùng cao Nghệ An, khi chưa triển khai chương trình OCOP, người dân địa phương chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ ở địa phương. Nhưng nhờ “cú hích” OCOP đã giúp cho người nông dân vùng cao của tỉnh vừa tiêu thụ được nông sản, vừa phát triển được thêm các nghề, các lĩnh vực kinh tế mới, đó là chế biến nông sản, dịch vụ du lịch, tiếp thị sản phẩm do chính mình sản xuất ra.

Ở Kỳ Sơn - huyện biên giới xa xôi nhất tỉnh, tiềm năng về nông sản địa phương rất lớn, trong đó có nhiều cây, con có giá trị kinh tế cao như gà đen, lợn đen bản địa, gừng, chè shan tuyết, sâm và hàng nghìn loại dược liệu khác… Hiện nay ở Kỳ Sơn đã có 14 sản phẩm OCOP 3 sao.

sp OCOP.
Huyện Kỳ Sơn đã xây dựng được 14 sản phẩm chế biến từ nông sản được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Hoài Thu

“Trước đây trồng chè chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, chưa bao giờ nghĩ đến việc sản xuất kinh doanh. Nay có hợp tác xã sản xuất chè làm sản phẩm OCOP, được đặt hàng trồng chè nên vợ chồng không đi làm ăn xa nữa, mà chăm sóc gần 1ha chè cũng có thu nhập cao hơn đi công ty” - chị Lầu Y Xì ở bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cho biết.

Nhìn chung hiện nay ở các huyện miền Tây Nghệ An, nhờ vượt qua thế “tự cung tự cấp”, đẩy mạnh phát triển sản vật địa phương như gà đen, lợn đen, cơm lam, bò giàng, lạp xưởng… thành sản phẩm thương mại nổi tiếng cả nước. Từ đó, nông sản người dân địa phương làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Nhiều hộ thoát nghèo, khấm khá nhờ kết hợp sản xuất, chế biến và tiếp thị phân phối nông sản, ví như cơ sở sản xuất bò giàng Quế Hậu, Hợp tác xã nông nghiệp Hương Sơn ở Kỳ Sơn; cơ sở sản xuất thịt chua Cường Hoài , các cơ sở chế biến chè hoa vàng ở Quế Phong…

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Tại hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024” diễn ra ngày 27/6/2024 tại TP Vinh, nói về phát huy ưu thế các sản phẩm OCOP gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Phải phát huy lợi thế, điều kiện cụ thể từng vùng, xác định vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp và hiệu quả để có giải pháp phát triển phù hợp và hiệu quả. Đồng thời làm tốt vấn đề liên kết, trong đó phải có liên kết từ từng lĩnh vực, từ đó sẽ tạo liên kết theo chuỗi giá trị, có giải pháp phát triển phù hợp, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông thôn”.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Bài 1: Khép kín chuỗi sản xuất xanh
>> Bài 3: Xác định rõ khó khăn, hạn chế về công nghiệp chế biến

Bài 2: Kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy chế biến tăng giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO