Bài cuối: Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn đẩy mạnh chuyển đổi số
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, đặc biệt trong khâu chế biến là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng cũng như giá trị, thương hiệu và tăng tính cạnh tranh cho nông sản. Đây cũng chính là một nội dung mà Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ.
Thu Huyền - Hoài Thu
31/07/2024
Nghệ An là tỉnh có khá nhiều tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng, rừng, biển... rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp; tỉnh cũng đã có đề án phát triển các cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến.
2 năm qua, Nghệ An liên tiếp đứng trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc có nhiều dự án đầu tư quan trọng đang triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thị trường thế giới tiếp tục tăng, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến nông sản. Và với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, doanh nghiệp, người dân quan tâm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến, bảo quản và thông tin thị trường, nâng cao giá trị nông sản...
Ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An cũng đã tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu thông qua sàn thương mại điện tử, với các hình thức: Kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong sản xuất, tổ chức và tham gia các hội chợ trong tỉnh, trong nước, các cơ quan chuyên ngành (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch...) tổ chức tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế; làm việc với các tập đoàn Big C, VinCom, Masan, Aon, CoopMart... nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Dự án cạnh tranh ngành nông nghiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ giúp ngành Nông nghiệp Nghệ An về kỹ thuật phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. Đến nay, sản phẩm nông nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu sang 36 nước và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Nghệ An có “kho” nông sản dồi dào, hoàn toàn có thể sánh ngang với nông sản nhiều nước trên thế giới theo nhiều “kênh” uy tín như chỉ dẫn địa lý, gắn mã số vùng trồng, được các tổ chức trên thế giới xếp hạng như nhiều địa phương khác trong cùng khu vực có điều kiện tương đồng đã và đang thực hiện. Ví như ở tỉnh Hà Tĩnh, năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch”, “Cam bù Hương Sơn” được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Hai thương hiệu này cũng đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2022, sản phẩm nhút mít Hương Sơn và mực nháy Vũng Áng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam; rượu nếp Can Lộc và ram dẻo được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Đó cũng là hướng mà các sản phẩm nông sản của Nghệ An đã, đang hướng tới.
Hiện nay, đã có nhiều nông sản Nghệ An được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý như cam Vinh, gừng Kỳ Sơn. Cháo lươn Nghệ An đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam. Các địa phương ở Nghệ An cũng đang triển khai thủ tục đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý đối với một số nông sản khác như gạo khẩu cẩm xằng của huyện Con Cuông, chè Tuyết Shan của huyện Kỳ Sơn…
Riêng đối với cây lúa, trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều mô hình tốt trong hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như các mô hình sản xuất lúa chất lượng của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa, liên kết sản xuất giống lúa của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Giống cây trồng Trung ương...
Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, theo bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì cần tiếp tục có giải pháp tổ chức các hình thức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất HTX, tổ hợp tác… Đầu tư cơ giới hóa, công nghệ, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục cải thiện nhiều hơn bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng lúa gạo.
Đặc biệt, cần tăng cường hình thành chuỗi liên kết 4 nhà của ngành hàng. Về lâu dài, nông dân sẽ tham gia sản xuất theo “cánh đồng lớn”, “đại điền” theo hướng hữu cơ và nông dân được tổ chức vào các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, song hành với nâng cao chất lượng lúa gạo, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển vị thế gạo Nghệ An trên thị trường.
Tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nhiệm vụ giải pháp được đưa ra là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan trong sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Phát huy hiệu quả và lan tỏa các dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung Bộ; phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ cacbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu…
Đây là giải pháp mà lâu nay Nghệ An đã đẩy mạnh nghiên cứu, từ đó ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 23.816 ha, chiếm 8,14% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có một số doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH Mía đường NASU… Đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An, đã tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị trong sản xuất các cây, con chủ lực.
Đến nay, tỉnh Nghệ An có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Công ty Nafood Group là doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; các doanh nghiệp còn lại, gồm Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin, Công ty Mía đường NASU do UBND tỉnh công nhận.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm nghiên cứu khoa học vào phát triển sản phẩm. Chẳng hạn, đối với cây dược liệu có Công ty cổ phần Dược liệu TH trồng thử nghiệm 3 loài dược liệu quý hiếm là sâm ngọc linh, lan thạch hộc tía và tam thất bắc; Tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn), Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đang sản xuất thử nghiệm cây dược liệu với diện tích 136 ha nằm trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Trong đó, có các giống chủ lực như sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ...
Đáng chú ý, loài sâm Puxailaileng trên đất Kỳ Sơn được phát hiện trên núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700m. Giống sâm này được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng ngang bằng sâm ngọc linh ở Quảng Nam. Hơn thế, lần đầu tiên tại Nghệ An giống sâm này được nhân giống từ mô tế bào với tỷ lệ thành công khoảng 30%. Ngoài ra, Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống cũng đã và đang xây dựng nhiều mô hình nhân giống và trồng một số cây dược liệu, trong đó đã có một số cây đã được các công ty chế biến thành một số sản phẩm đang được tiêu thụ trên thị trường như hà thủ ô đỏ, cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam.
Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì xây dựng, rà soát trình bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng loại sản phẩm, từng địa phương, từng đối tượng thụ hưởng.
Việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã giảm bớt khó khăn cho nông dân, góp phần tăng giá trị thu nhập/đơn vị diện tích, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh,... Tuy nhiên, các chính sách nhìn chung đang còn dàn trải, chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,...
Xung quanh vấn đề chế biến, nâng giá trị nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết: Thực tế, yêu cầu nâng cao chất lượng và mức sống đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người đón nhận. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách định hướng trong tương lai. Vì thế, cùng với đầu tư khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, thì việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp mang tính bền vững. Đặc biệt, ngày 23/6/2020, tại Quyết định số 885/QĐ-TTg, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030”.
Thực hiện Quyết định 885, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng nội dung, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030; gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương. Đây được xem là một trong những khâu đột phá trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, có 7 sản phẩm chủ lực triển khai thực hiện gồm: Lúa (gạo); trái cây (cam, bưởi, dứa); nguyên liệu phục vụ chế biến (chè, mía); thịt (lợn, gia cầm); sữa bò tươi; gỗ và sản phẩm từ gỗ; tôm, cá.
“Đây cũng là một trong những bước cụ thể hóa những chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Nghệ An được nêu tại Nghị quyết 39/NQ-TW về: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Ngày 20/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.