Bài 1: Khép kín chuỗi sản xuất xanh
Xác định đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế, trên mảnh đất xứ Nghệ đã xuất hiện những cánh đồng tự chủ từ sản xuất đến thành phẩm, cung cấp nguyên liệu cho chuỗi nhà máy, cửa hàng. Không những vậy, những mô hình này còn cung cấp trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng, vừa tiết kiệm tối đa chi phí, vừa nâng cao giá trị nông sản, tối đa lợi nhuận trong sản xuất.
Thu Huyền - Hoài Thu
31/07/2024
Thực tế cho thấy, trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, để tạo được sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, vùng nguyên liệu được xem là khâu quan trọng quyết định. Hiện tại ở Nghệ An, xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu sạch, đặc biệt là đối với các trang trại, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP đang được áp dụng ngày càng rộng rãi. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện đã có doanh nghiệp thực hiện sản xuất hữu cơ organic và đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn.
Một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt chuẩn sản xuất hữu cơ đồng nghĩa với việc đạt chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính trên thế giới. Điểm chung của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ, nông nghiệp sạch đó là ưu tiên xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất sạch. Một trong số các doanh nghiệp như vậy ở Nghệ An là trang trại Sunmart của Công ty TNHH Hùng Cường, đóng tại thị xã Thái Hòa.
Chúng tôi có dịp tìm hiểu thực tế, trao đổi cùng ông Phạm Văn Hồng, một kỹ sư nông nghiệp được Công ty TNHH Hùng Cường mời làm chuyên gia phụ trách kỹ thuật sản xuất của trang trại Sunmart đã hơn 3 năm. Chia sẻ về quá trình biến vùng “đất khó” ở xã Nghĩa Thuận, TX. Thái Hòa thành trang trại hữu cơ, ông Hồng cho biết, đó là cả một quá trình dài của sự kiên trì của doanh nghiệp cũng như mỗi công nhân. Ông Hồng là thạc sĩ chuyên ngành sản xuất nông nghiệp, từng dạy học tại Học viện Nông nghiệp, đã nhiều năm làm chuyên gia phụ trách kỹ thuật cho nhiều trang trại sản xuất rau sạch của các tập đoàn lớn trong nước.
“Cơ duyên đến với Nghệ An khi gặp, thấy được tâm huyết và sự quyết tâm của chủ trang trại Sunmart, tôi đã nhận lời về TX Thái Hòa. Ban đầu rất khó khăn, khi đây là vùng đất bạc màu do trồng mía lâu năm, kèm với chất đất cát pha thịt, mưa thì nhão, nắng thì khô cứng cằn cỗi. Toàn bộ trang trại đã đầu tư gần 800 xe đất để nâng nền và bón thêm phân hữu cơ, xơ dừa để giảm độ keo dính, tạo thêm độ tơi xốp cho đất. Vừa làm vừa cải tạo từng vùng theo kiểu cuốn chiếu, qua hơn 3 năm vùng đất của trang trại mới tạm ổn định về mặt bằng đất để sản xuất đại trà trên tổng 10ha” - kỹ sư Phạm Văn Hồng cho biết.
Để giữ an toàn cho sản phẩm và kiên trì hướng sản xuất hữu cơ, Trang trại Sunmart vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt để tạo vòng tuần hoàn về nguyên liệu đầu vào làm thức ăn cho cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, phụ phẩm chất thải của chăn nuôi được ủ hoai mục làm phân bón cho cây trồng. Còn cây trồng phụ phẩm lại được dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, trang trại cũng nuôi thêm giun quế, mua thêm phân chuồng từ các trang trại lớn về ủ, mua thêm xơ dừa để phục vụ sản xuất theo mùa nào thức nấy… Để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới sản xuất hữu cơ, trang trại này thực hiện quản lý dịch hại từ khâu làm đất và xử lý đất, xử lý giống và không độc canh một loại cây trên một vùng đất và chỉ mua giống cây trồng ở cơ sở có nguồn gốc đảm bảo.
Đặc biệt, theo ông Hồng, khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp đó là phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện kịp thời các hiện tượng dịch bệnh, có biện pháp xử lý triệt để. Muốn vậy, người kiểm tra đồng ruộng cũng cần có kiến thức về các nguồn dịch bệnh trên từng cây trồng để phát hiện kịp thời. Để xua đuổi, hạn chế, diệt côn trùng gây hại cây trồng, nông dân có thể sử dụng các sản phẩm sinh học diệt sâu bọ; làm bẫy sinh học. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng, đúng liều lượng và ngày cách ly.
Thực tế cho thấy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất nông nghiệp đều ưu tiên xây dựng vùng nguyên liệu sạch. Và xây dựng được vùng nguyên liệu sạch đã khó, kiên trì giữ được chất lượng còn khó hơn. Song làm được điều này, thì các khâu tiếp theo như chăm sóc, chế biến và kể cả tiếp thị sản phẩm cũng sẽ dễ dàng hơn”.
Ông Phạm Văn Hồng
Trên địa bàn Nghệ An, ngoài Công ty TNHH Hùng Cường, đã có khá nhiều doanh nghiệp khác lựa chọn hướng sản xuất hữu cơ và đã từng bước chiếm được chỗ đứng trên thị trường, thậm chí vươn ra thế giới, như trang trại bò sữa hữu cơ của Tập đoàn sữa Vinamilk, các trang trại của Tập đoàn TH, Công ty TNHH Hải An (Đô Lương)…
Định hướng sản xuất hữu cơ đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai thông qua Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đang hoàn thiện để ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Dự thảo đề án đã gửi xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, 21 huyện, thành phố, thị xã. Trên cơ sở góp ý của các sở ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu để hoàn thiện.
Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 có 7 sản phẩm chủ lực triển khai thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, gồm: Lúa gạo, trái cây (cam, bưởi, dứa); nguyên liệu phục vụ chế biến (chè, mía); thịt (lợn, gia cầm); sữa bò tươi, gỗ và sản phẩm từ gỗ; tôm, cá. Cơ sở lựa chọn: Ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương; đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Ưu tiên các sản phẩm truyền thống, bản địa có giá trị đặc sản, các sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, OCOP…
Khi đã xây dựng được vùng nguyên liệu sạch, việc cho ra đời những sản phẩm sạch, chất lượng cao thuận tiện hơn nhiều. Tại xã Lam Sơn (Đô Lương), có chị Nguyễn Thị Hằng khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm thảo dược khá thành công nhờ việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch và khép kín chuỗi sản xuất xanh. “Lam Sơn có đồng ruộng khá trù phú khi nằm bên bờ sông Lam, nhiều loài cây thảo dược quý được người dân trồng trong vườn nhà, song chưa được khai thác hết giá trị dược liệu cũng như giá trị kinh tế như tía tô, sả, quả nhàu, quả bưởi...” - chị Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Tôi muốn nâng tầm những sản phẩm này, cùng bà con phát huy giá trị nông sản quê hương khi quyết định thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon. Hiện nay, trong số 15 sản phẩm của công ty, đã có 7 sản phẩm được địa phương công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao”.
Chị Nguyễn Thị Hằng
Các nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon đều được hợp đồng với người dân địa phương ở các huyện Đô Lương và Quỳnh Lưu để trồng và chăm sóc theo hướng xanh, sạch. Để minh chứng về điều này, chị Nguyễn Thị Hằng dẫn chúng tôi thăm vùng đất bãi bồi hơn 1ha ven sông Lam, nơi các công nhân là người địa phương đang thu hái lá tía tô. Các công nhân cho biết, cây tía tô rất dễ trồng, hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, hầu như không bị sâu bệnh, nên cây được chăm sóc hoàn toàn xanh, sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng tôi vừa làm công nhật thu hoạch nguyên liệu với tiền công 250 ngàn đồng/ngày, vừa trồng thêm trong vườn nhà để nhập cho công ty. Chúng tôi cũng chứng kiến cây, lá nguyên liệu sau khi thu hái được doanh nghiệp chế biến thành sản phẩm trà tía tô, các mỹ phẩm chiết xuất tía tô như sữa tắm, xà phòng ngay tại xưởng sản xuất của chị Hằng” - bà Nguyễn Thị Lam, người dân xã Lam Sơn cho biết.
“Ngoài duy trì hơn 1ha trồng cây tía tô và sả tại xã Lam Sơn, công ty chúng tôi còn ký hợp đồng liên kết cung cấp nguyên liệu với Hợp tác xã ở huyện Quỳnh Lưu. Theo hợp đồng, bên cung cấp chịu trách nhiệm trồng thảo dược đảm bảo quy trình và chất lượng sạch, sơ chế sản phẩm cung cấp cho công ty đưa vào dây chuyền chế biến trà tía tô, tinh dầu sả và một số sản phẩm khác” - chị Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm.
Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu, sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon làm ra đạt các tiêu chí kiểm định khắt khe về các tiêu chuẩn xanh, sạch. Gần đây nhất, các sản phẩm của công ty được chứng nhận sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên nên lượng hàng làm ra được thị trường đón nhận. Nhờ lượng tiêu thụ ổn định, công ty có nguồn vốn xoay vòng để thu mua nguyên liệu cho nông dân cũng cao hơn giá thị trường.
Bình thường lá tía tô chúng tôi trồng trong vườn và mang bán ở các chợ lẻ trên địa bàn xã chỉ khoảng 5 nghìn đồng/kg. Song trồng theo đơn đặt hàng của công ty thảo dược thì giá cao gấp 3 lần và rất ổn định, trồng bao nhiêu cũng được thu mua hết”.
Bà Nguyễn Thị Lam, xã Lam Sơn (Đô Lương)
Khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đang được huyện Đô Lương triển khai với nhiều cơ chế khuyến khích, đặc biệt là đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại Trang trại Đồi Chồi - Bud Hill Farm ở xóm 12, xã Thịnh Sơn và xóm 2, xã Văn Sơn, với diện tích 15 ha được đầu tư đồng bộ hệ thống nhà kính, công nghệ tưới nước theo dõi độ ẩm và nhiệt độ được áp dụng công nghệ của Israel hiện đại và tuân thủ các công đoạn sản xuất nông sản rất nghiêm ngặt, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm. Cũng nhờ đầu tư công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm nên nông sản của Trang trại Đồi Chồi khi tung ra thị trường cũng đạt doanh thu cao hơn, được các siêu thị ở các thành phố lớn đặt hàng.
Đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU ngày 22/8/2023 về kế hoạch tập trung tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện Đô Lương, giai đoạn 2023-2025. Từ đó, Đô Lương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất mô hình trồng rau sạch rộng 11,6 ha ở xã Trung Sơn; mô hình Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi rộng 8,4 ha ở xã Văn Sơn; mô hình trồng rau rộng 0,3 ha ở xã Lam Sơn; mô hình trồng chuối ở xã Đại Sơn rộng 30 ha; các mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao vụ xuân (với quy mô 131,06 ha) tại các xã Văn Sơn, Thịnh Sơn, Tân Sơn, Thuận Sơn, Lưu Sơn, Đông Sơn, Đại Sơn, Trung Sơn và Lạc Sơn.
Vụ hè thu (với quy mô 105 ha) tại các xã Đại Sơn, Trù Sơn, Thái Sơn, Đông Sơn, Trung Sơn và Ngọc Sơn, kết quả thực hiện mô hình giúp giảm chi phí đầu tư, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, vụ xuân hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng từ 4 - 6,9 triệu đồng/ha và vụ hè thu hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng từ 2,5 - 5 triệu đồng/ha.
Không chỉ ở những công ty, doanh nghiệp thực hiện “quy trình xanh” từ khâu trồng nguyên liệu đến chế biến sản phẩm đầu ra, hiện nay nhiều gia trại, trạng và các hộ gia đình ở Nghệ An cũng nhận thấy sự cần thiết, lợi ích kinh tế của mô hình sản xuất - chế biến này, như các mô hình nuôi trồng, chế biến nông sản chè, gừng, lợn đen, chè hoa vàng và các loại dược liệu ở các huyện miền Tây Nghệ An. Người nông dân và doanh nghiệp đang dần hình thành các xu hướng sản xuất - chế biến khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, hoàn thiện sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Từ đó, giá trị nông sản được nâng cao, lợi nhuận từ sản xuất, chế biến nông sản cũng theo đó gia tăng.
(Còn nữa)