Công nghiệp ôtô có thể làm chủ lực kinh tế miền Trung?

18/08/2014 11:07

Người đứng đầu Trường Hải mời gọi liên kết từ các doanh nghiệp khác để tạo chuỗi giá trị trong công nghiệp ôtô...

Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe du lịch KIA của Thaco Group.
Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe du lịch KIA của Thaco Group.

“Rất phù hợp” là quan điểm của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) khi đề xuất lựa chọn công nghiệp ôtô làm ngành chủ lực cho vùng kinh tế động lực miền Trung.

Phiên thảo luận sáng 15/8 của Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, Chủ tịch Thaco là doanh nhân duy nhất đăng đàn.

Đề xuất của vị doanh nhân thành đạt tại Quảng Nam bắt nguồn từ chính sự phát triển của Thaco, hiện chiếm hơn 31% thị phần trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Thaco cũng là công ty đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất đầy đủ 3 dòng xe: xe tải, xe bus và xe du lịch với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất: đạt 40 - 46% đối với xe bus, 30 - 35% đối với xe tải và 18 - 22% đối với xe du lịch.

6 tháng đầu năm 2014, Thaco đạt gần 40 ngàn xe và đứng đầu thị trường Việt Nam, ông Dương thông tin ngay tại diễn đàn.

Trở lại đề xuất chọn công nghiệp ôtô làm ngành chủ lực cho vùng kinh tế miền Trung, Chủ tịch Thaco dẫn dắt, ngành này tại tỉnh Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung đóng một vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển công nghiệp cơ khí của tỉnh, vùng và cả nước.

Đây cũng là ngành được Nhà nước chọn là ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của đất nước.

Công nghiệp ôtô là tổ hợp của rất nhiều ngành quan trọng khác như: cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, hóa chất… Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi ngành này phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác, ông Dương phân tích.

Ông Dương cũng cho rằng cần duy trì ngành sản xuất lắp ráp ôtô làm cơ sở để phát triển các ngành khác và tạo ra mối liên kết với các ngành khác làm động lực phát triển kinh tế vùng.

Mặt khác, để xây dựng thành công ngành công nghiệp ôtô trở thành ngành chủ lực cho vùng kinh tế động lực miền Trung, thì ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Với quan điểm này, Trường Hải mong muốn làm trung tâm cơ khí đa dụng tại miền Trung.

"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều máy móc, đã có đất sạch xây nhà xưởng, các doanh nghiệp khu vực miền Trung chỉ cần có mong muốn thì chúng tôi sẽ hỗ trợ về quản trị, liên kết với nước ngoài để chuyển giao công nghệ", ông Dương mời gọi liên kết từ các doanh nghiệp khác để tạo chuỗi giá trị trong công nghiệp ôtô.

Nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trần Bá Dương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ngay đầu phiên thảo luận buổi chiều đã nhấn mạnh: mọi chuỗi giá trị phải được bắt đầu từ doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, mô hình liên kết vùng duyên hải miền Trung còn thiếu một trụ cột cơ bản là doanh nghiệp.

"Liên kết vùng miền Trung cần cơ chế ba trụ cột, chính quyền, các nhà khoa học và doanh nghiệp. Hội đồng các doanh nghiệp vùng chính là đội hành động, là cốt lõi của liên kết vùng. Trái tim của liên kết vùng là doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhận xét 9 tỉnh duyên hải miền Trung đang phát triển dưới mức tiềm năng, Chủ tịch VCCI chỉ ra một trong các nguyên nhân xuất phát từ cộng đồng doanh nghiệp còn nhỏ bé.

Nhiều con số minh chứng được đưa ra, như nguồn vốn trung bình của trên 42 nghìn doanh nghiệp khu vực này chỉ bằng 39,1% nguồn vốn bình quân của cả nước. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn cũng chỉ đạt 0,96%, trong khi cả nước là 2,25%.

Với số lượng nhỏ, phân tán, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh rất thấp, doanh nghiệp miền trung, theo Chủ tịch VCCI thì cần có sự cộng hưởng lợi ích, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển thông qua thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo.VnEconomy

Mới nhất

x
Công nghiệp ôtô có thể làm chủ lực kinh tế miền Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO