Công nhân xoay xở tìm nơi gửi con

04/12/2013 17:15

(Baonghean) - Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 148.000 công nhân lao động, trong đó 60% là nữ (số nữ công nhân lao động có con nhỏ chiếm tỷ lệ khá lớn). Thế nhưng, phần lớn các khu công nghiệp hiện chưa có điểm trông giữ trẻ cho con em công nhân lao động, nhiều gia đình có con vào lớp 1 cũng không thể xin vào học vì nhiều lý do… Điều này gây khó khăn cho các gia đình công nhân và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống vốn rất eo hẹp của họ.

Chị Trịnh Thị Thành – công nhân Công ty TNHH Mattrix phải gửi con ở trường tư để có điều kiện tăng ca.
Chị Trịnh Thị Thành – công nhân Công ty TNHH Mattrix phải gửi con ở trường tư để có điều kiện tăng ca.

TIN LIÊN QUAN

Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nam Cấm với trên 7.000 lao động đang làm việc, trong đó công nhân nữ chiếm khoảng 70% (phần lớn trong số đó là trong độ tuổi sinh đẻ). Thế nhưng, tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn chưa có nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con em công nhân. Bởi vậy, các gia đình công nhân lao động có con nhỏ tại các khu công nghiệp phải xoay xở đủ đường.

Đã gần 19h tối, anh Nguyễn Văn An, công nhân Công ty cổ phần Mỹ nghệ mới đi làm về sau giờ tăng ca. Căn phòng trọ chỉ chừng 15m2 (tại xã Hưng Đông – Thành phố Vinh) là nơi hai vợ chồng anh và hai con nhỏ tạm trú gần 5 năm nay. Quê ở tận Diễn Xuân (Diễn Châu) lên thành phố làm ăn nhưng cái khó nhất hiện nay là tìm chỗ gửi con. “Từ tháng 8 tôi đến Trường Mầm non Hưng Đông xin cho cháu lớn 5 tuổi học nhưng nhà trường hết chỉ tiêu. Chúng tôi đành phải nhờ người quen xin cho cháu học ở Trường Mầm non Nghi Kim, cách nhà hơn 2 km. Còn cháu nhỏ hơn 1 tuổi phải gửi nhờ tại điểm trông trẻ tại nhà, chi phí gửi trẻ là 1 triệu đồng/tháng, không biết có đảm bảo an toàn hay không nhưng cũng phải chấp nhận gửi để hai vợ chồng đi làm”, anh An cho biết.

Cái khó của công nhân lao động còn là việc đảm bảo giờ giấc đón con theo quy định của các trường công. Thường xuyên phải tăng ca nên chị Trịnh Thị Thành - Công ty TNHH Matrix (KCN Bắc Vinh), chọn giải pháp gửi con tại Trường Mầm non tư thục Hồng Lê. Chị Thành chia sẻ: “Ông bà nội, ngoại đều ở xa, nhà lại neo người nên vợ chồng tôi đành phải để cháu ở cùng bố mẹ ở đây chứ cũng bí lắm. Từ lúc cháu được trên 1 tuổi, tôi phải tăng ca đều, trung bình ngày 2 tiếng nên không thể đón con sớm, đành cho cháu học trường tư. Gửi trường tư thì học phí cao (850 ngàn đồng/tháng) hơn 1/3 lương công nhân chúng tôi nhưng đành phải tiêu pha dè xẻn để vừa đảm bảo việc học cho con, vừa để bố mẹ còn có thời gian làm việc”.

Xã Hưng Đông – Thành phố Vinh, nơi có Khu công nghiệp Bắc Vinh đóng trên địa bàn, thế nhưng, hàng năm trường mầm non xã chỉ có khoảng 10 – 15 cháu là con em công nhân lao động đăng ký học. Một phần vì chỉ tiêu để tuyển sinh của nhà trường chỉ đáp ứng được nhu cầu của con em trong xã, mặt khác người lao động cũng không muốn gửi con tại đây vì phải đón đúng giờ quy định. Năm học 2013 – 2014, toàn trường có 500 cháu nhưng con em công nhân lao động chỉ có 20 cháu”, cô Hoàng Thị Thu Hà -Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Đông cho biết.

Không chỉ là nỗi lo tìm chỗ gửi con, gánh nặng của những công nhân có con nhỏ còn là các khoản chi phí để đảm bảo cuộc sống khi mức lương trung bình của họ hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Không có điều kiện gửi con ở thành phố với mức chi phí cao, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân (công nhân Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên– Khu CN Bắc Vinh), quê Thanh Chương, đã phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp để hai vợ chồng yên tâm làm việc. “Với mức lương công nhân ít ỏi chỉ khoảng gần 3 triệu đồng/ tháng, trong đó phải chi các khoản: thuê nhà trọ chừng 800 nghìn đồng/tháng, tiền gửi trẻ tư gần 1 triệu đồng và các khoản sinh hoạt phí khác nên sống rất chật vật đành chọn giải pháp gửi con về quê cho ông bà, vừa đỡ chi phí trông trẻ, vừa yên tâm để làm việc”.

Luật Lao động nêu rõ trách nhiệm của những người sử dụng lao động ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện chưa có doanh nghiệp nào có điều kiện xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân lao động với lý do không có quỹ đất và chế độ cho giáo viên. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên (KCN Bắc Vinh) cho biết, công ty có hơn 1000 lao động, 90% trong số đó là lao động nữ. 1/3 lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ thế nhưng công ty chỉ mới thực hiện hỗ trợ 160 nghìn đồng/ tháng chi phí nhà ở cho công nhân, chưa có điều kiện để hỗ trợ cho công nhân lao động có con nhỏ. Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp đã quan tâm đến đối tượng công nhân có con nhỏ và hỗ trợ một phần nhỏ chi phí như Công ty TNHH bật lửa gas Trung Lai (KCN Nam Cấm) hỗ trợ cho công nhân lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ mẫu giáo và công nhân phải thuê trọ là 100 nghìn đồng/ tháng/người.

Bà Hồ Thị Đông - Trưởng Ban Nữ công - Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện cho người lao động có con nhỏ yên tâm làm việc, trong chương trình phối hợp hàng năm với Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có kiến nghị đề xuất về quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhưng đến nay mới có 1/3 KCN có quy hoạch này. Thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực thi Luật Lao động tại các doanh nghiệp; đặc biệt chú trọng vận động các doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho lao động nữ có con nhỏ.

Dự báo, số lượng lao động nữ có xu hướng gia tăng hàng năm, đồng nghĩa với số công nhân có con nhỏ ngày càng tăng. Trong khi đó, các KCN thiếu nơi gửi trẻ, buộc công nhân phải gửi con ở các điểm giữ trẻ gia đình - vốn chưa đạt "chuẩn", lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một số công nhân gửi con về quê, phải sống xa bố mẹ từ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Mặt khác, thiếu các chính sách hỗ trợ sẽ gây ra những áp lực cho người lao động có nhỏ. Bởi vậy, rất cần sự chia sẻ từ các doanh nghiệp để góp phần làm vơi bớt gánh nặng cho người lao động, tạo động lực giúp họ gắn bó và phát huy sức lực thúc đẩy sự phát triển cho chính các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Công nhân xoay xở tìm nơi gửi con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO