Mới đây, đứa cháu họ ở huyện Thanh Chương trở về từ Nhật Bản sau 3 năm hết hạn hợp đồng lao động làm việc ở bên đó. Đây là lần thứ hai, nó được sang Nhật Bản theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Khả năng lớn, cháu nó sẽ được trở lại làm việc bên đó thêm “nhiệm kỳ” nữa, bởi phía bạn rất ưu tiên những lao động đã từng làm việc bên đó và có kỷ luật lao động tốt. Điều đáng mừng là sau 2 lần xuất khẩu lao động, cháu họ đã tích góp mua được hơn 100m2 đất ở ngoại ô thành phố Vinh. Cả họ, ai cũng “công nhận” là nếu cháu không đi xuất khẩu lao động, chỉ ở nhà làm việc thì khó mua được đất ở phố…
Câu chuyện cháu họ nêu trên cũng là điều đáng mừng của hàng chục nghìn lao động ở Nghệ An được ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 10, Nghệ An giải quyết việc làm cho 43.554 lao động, đạt 101,45% kế hoạch, tăng 43,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong số đó, có 20.105 là lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm 46,1%, tăng mạnh so với năm 2021 và giai đoạn trước đó. Số còn lại gồm 11.000 lao động giải quyết việc làm trong tỉnh và đi lao động ngoại tỉnh là 12.534 người.
Tỷ lệ 46,1% lao động ở Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài đã minh chứng cho chủ trương được xác định trước đó của nhiều địa phương “xem xuất khẩu lao động là một mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Qua khảo sát, đa số những người đi xuất khẩu lao động đều tích trữ được khoản kinh phí lớn để mua đất, làm nhà, mua sắm, trang trải cho gia đình. Nhiều người còn có điều kiện, đóng góp thêm cho quê hương xây dựng nông thôn mới.
Để có được kết quả như vậy và có cơ hội trở lại các nước lao động thêm những “nhiệm kỳ” như trường hợp cháu họ nêu trên, điều cần thiết là mỗi lao động cần phải học nghề, học ngoại ngữ, vay vốn để xuất ngoại. Quan trọng hơn, khi “xuất khẩu” đến các nước, lao động phải chăm chỉ, tuân thủ tốt kỷ luật lao động, không vi phạm chính sách, pháp luật của nước bạn.
Hiện nay, các thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu ngày càng công khai, minh bạch và chi phí đã giảm. Và khi được “xuất khẩu”, mỗi lao động có thu nhập thấp nhất từ 10 – 40 triệu đồng/ tháng (tùy từng thị trường và ngành nghề), trong khi, nếu đi ngoại tỉnh hoặc ở trong tỉnh thì mức thu nhập đó chỉ trong khoảng 7 – 12 triệu đồng/tháng. Rõ ràng “mũi nhọn” xuất khẩu lao động đem lại những giá trị lớn.
Vấn đề đặt ra là làm sao để “mũi nhọn” đó nhọn hơn? Bên cạnh tay nghề, điều quan trọng là ở bất kỳ đâu, mỗi người đều phải xây dựng niềm tin cho các cấp, ngành, doanh nghiệp và quốc gia sở tại bằng chính khả năng lao động và chấp hành kỷ cương, pháp luật. Có như vậy mới tạo điều kiện cho chính bản thân mình có thể xuất khẩu thêm “nhiệm kỳ” và tạo cơ hội cho những lao động khác tìm kiếm cơ hội. Điều quan trọng nữa là sau khi về nước, mỗi lao động cần xây dựng kế hoạch học thêm ngành nghề phù hợp, bắt tay vào sản xuất, kinh doanh để phát huy đồng vốn tích góp được từ những năm tháng xuất khẩu lao động.
Một số người cho rằng, sẽ “quý như vàng” nếu lao động nước ta bây giờ không phải xuất khẩu ra nước ngoài, mà làm việc ở trong nước có thể mua được đất, sắm phương tiện vật dụng… Có chứ! Rất nhiều con em các vùng quê ra đô thị kiếm sống đã thành công và trong số đó, một số người trở về quê hương đầu tư. Nhưng con số đó còn ít. Bởi, nước ta đang trên đà phát triển, cơ hội việc làm có nhiều nhưng không dành cho tất cả, đó là chưa nói thu nhập còn thấp như nêu trên. Vì vậy, nếu không có “mũi nhọn” xuất khẩu lao động thì làm gì có những làng quê khang trang được xây dựng từ tiền con em đi xuất khẩu lao động mà dân đặt cho là xóm Đức, Anh, Hàn, Nhật… Giống như trường hợp cụ thể đứa cháu họ nêu ở đầu bài viết.
Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu