Công tác an ninh tư tưởng trước yêu cầu mới
(Baonghean) - Cùng với an ninh quân sự, an ninh chính trị mà tiền đề là tư tưởng chính trị là nội dung chính của an ninh quốc gia từ trước đến nay. Muốn đảm bảo an ninh tư tưởng thì công tác tư tưởng cần có sức thuyết phục, sức lan toả rộng rãi trong toàn xã hội.
Thực tiễn trong những năm qua, công tác tư tưởng của Đảng ta chưa thật sự sắc bén, việc sử dụng vũ khí đó còn rất nhiều yếu kém, làm cho tác dụng của nó rất thấp, chưa tạo được sức mạnh để đề kháng và tiến công trên mặt trận tư tưởng. Công tác giáo dục rèn luyện lập trường tư tưởng, chính trị để nâng cao trình độ chính trị làm chưa tốt, từ việc tổ chức chưa thường xuyên, mang tính hình thức, đối phó, đến nội dung, phương pháp truyền tải, lạc hậu, giáo điều, phương pháp thì áp đặt, nhồi nhét, rất xa lạ với bản chất của công tác tư tưởng vốn phải mang tính thuyết phục. Trước thực trạng đó, trong những năm qua, Đảng ta đã có hàng loạt chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến công tác giáo dục chính trị và tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, nhưng việc chấp hành ở mọi cấp nhìn chung là chưa nghiêm túc. Tình trạng lười học tập lý luận chính trị là khá phổ biến. Tệ hại hơn là học không đến nơi đến chốn “mà vẫn đạt tiêu chuẩn hoá”. Đây cũng là một sự suy thoái, làm yếu sức chiến đấu trên lĩnh vực an ninh tư tưởng.
Công an huyện Quỳ Châu phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy cho bà con dân bản. Ảnh: Lê Hoàn
Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, chịu tác động từ nhiều phía, có nhiều quan điểm, nhiều chuẩn mực giá trị cũng thay đổi, và đạo đức lối sống của một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên có sự suy thoái, xem trọng lợi ích cá nhân, coi thường lợi ích tập thể, nặng về vật chất kinh tế, coi nhẹ đạo lý tinh thần, lo trước mắt, không lo mục tiêu lâu dài. Cho nên, tính tiên phong, gương mẫu, sự xả thân vì sự nghiệp chung của cán bộ, đảng viên ngày càng giảm, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, đặc biệt là nạn quan liêu, tham nhũng “văn hoá chạy chọt” gây mất dân chủ trong bộ máy Đảng và Nhà nước vẫn còn tồn tại. Tất cả những điều đó đều trái với bản chất của chế độ chúng ta, đây là “Giặc nội xâm” làm xoá mờ bản chất, làm mục ruỗng bộ máy Đảng và Nhà nước, là mảnh đất màu mỡ, sinh sôi nảy nở những tư tưởng lệch lạc, tiêm nhiễm dễ dàng những tư tưởng thù địch với chế độ với mục tiêu lý tưởng của Đảng ta. Từ đó, không phát huy được sức mạnh của toàn dân vốn là lực lượng cơ bản nhất, thành trì vững chắc nhất trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, an ninh tư tưởng nói riêng.
Trong bối cảnh đó, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, nguy cơ hiểm hoạ về an ninh tư tưởng, về chính trị ngày càng tăng lên. Vấn đề “tự do tôn giáo”, bình đẳng dân tộc và nhân quyền được các thế lực thù địch sử dụng để tấn công chúng ta. Chúng tìm mọi cách để hỗ trợ hoặc phát triển các lực lượng tôn giáo và kích động tôn giáo chống đối Đảng, chính quyền gây mất ổn định xã hội, chính trị.
Vì vậy, muốn đảm bảo an ninh tư tưởng phải có sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên nền tảng tư tưởng và cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng. Mà muốn có sự thống nhất vững chắc thì phải có “chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo”. Kiên trì và sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tuân thủ nghiêm túc và xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết có tính cơ bản của công tác an ninh tư tưởng hiện nay.
Giáo dục tư tưởng phải sinh động, chống chủ nghĩa hình thức giáo điều, áp đặt, dạy dỗ, đơn giản, phải “mưa dầm thấm lâu”, nhẫn nại, tỉ mỉ, cụ thể để tư tưởng của Đảng thấm sâu rộng vào quảng đại quần chúng, nâng cao tố chất đạo đức tư tưởng của toàn dân, biến thành sức mạnh vật chất, tạo nên bức tường vững chắc nhất trên địa bàn an ninh tư tưởng. Công tác tư tưởng của Đảng có tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác xây dựng Đảng, bởi nhân dân xem lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên đi đôi với nhau hay không là thước đo để đánh giá công tác tuyên truyền giáo dục của Đảng có đúng hay không.
Do vậy, công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) là điều hết sức quan trọng đối với trận địa an ninh tư tưởng. Kết quả tốt sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn xã hội. Tránh được môi trường sinh sôi và du nhập của luồng tư tưởng thù địch, phản động. Bên cạnh các biện pháp tổng hợp để ngăn chặn, quan trọng nhất là tạo thế, tạo lực để đề kháng và chủ động tấn công. Các thế lực thù địch phá ta là “chuyện thường ngày”, quan trọng là sức của ta, quan trọng hơn là đừng tự làm yếu mình, ta đừng tự “diễn biến hoà bình”, ta đừng tự lật đổ. Đó là vấn đề cốt lõi của công tác an ninh tư tưởng của chúng ta trong tình hình hiện nay.
Thái Khắc Thư (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)