Công tác dân vận không phải của riêng cán bộ chuyên trách!

01/10/2013 23:55

(Baonghean) - Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận trong tình hình mới” (số 25-NQ/TƯ). Nghị quyết này khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Có thể xem đây là bước kế tiếp quan trọng về công tác xây dựng Đảng, sau NQTƯ4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về công tác đảng để củng cố niềm tin, tăng cường năng lực, sức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Nếu NQTƯ 4 tập trung xây dựng, củng cố sức mạnh trong nội bộ Đảng với các giải pháp cấp bách nhằm chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, người nắm khối lượng tài sản lớn, thì NQTƯ7 về tăng cường công tác dân vận lại hướng đến việc củng cố và tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mục tiêu của nghị quyết lần này được xác định rõ là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân…

Để thực hiện được những mục tiêu quan trọng nói trên, một trong những điều quan trọng là cần nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân. Cần coi đây là quan điểm cốt lõi, xuyên suốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận hiện nay để tránh được một số quan điểm, nhận thức chưa đúng, chưa ngang tầm, thậm chí còn lệch lạc, hời hợt, dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trên thực tế khá nhiều nơi có hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn cho rằng công tác dân vận là công việc của cán bộ ban dân vận, là nhiệm vụ của riêng cán bộ chuyên trách công tác dân vận (tạm gọi là cán bộ ban dân vận). Do đó, không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể ít chú trọng, coi trọng thực hiện công tác dân vận. Vì thế, một số cán bộ, đảng viên khi làm việc, tiếp xúc hoặc giải quyết sự vụ trực tiếp liên quan đến quyền lợi nhân dân còn thiếu ý thức gìn giữ hình ảnh, dẫn tới xa dân; thậm chí đôi khi có thái độ quan liêu, hách dịch, gây khó dễ cho nhân dân… Đây là thực trạng gây nhức nhối, bức xúc, xuất hiện nhiều nơi, trong đó dư luận cho thấy chủ yếu ở khối chính quyền cơ sở, khối các cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến đời sống dân sinh hàng ngày.

Sẽ rất khó có sự thành công trong công tác dân vận dù cho cán bộ ban dân vận nỗ lực hết sức để tạo cầu nối giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân, nỗ lực tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, pháp luật, nghĩa vụ và trách nhiệm… nhưng trong khi đó, một số cán bộ, đảng viên trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức (không chuyên trách công tác dân vận) lại luôn tìm cách để “hành dân”, tìm cách “phát huy” vị trí của mình không phải để giúp dân mà để trục lợi cá nhân. Có những cán bộ, công chức có những vụ việc thuộc về trách nhiệm, quyền hạn, là việc đã “ăn lương” thì phải làm, thế nhưng vẫn cứ chờ đợi phải “có chỉ tiêu”, có “cơ chế”, có “hoa hồng”, có “phong bì” bôi trơn thì mới làm…

Thậm chí, ngay cả một số cấp ủy đảng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận; chưa thấy hết trách nhiệm và chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Trước đây có những lúc, những nơi trưởng ban dân vận chưa phải là thường vụ cấp ủy, chỉ là ủy viên ban chấp hành. Hiện nay, vẫn chưa hết tình trạng khi phân công công tác trong ban thường vụ cấp ủy, ít người hào hứng, vui vẻ khi được phân công phụ trách công tác dân vận. Tất yếu đằng sau đó có nhiều nguyên do, và nguyên do mang tính tổng hợp thường được nói đến là bởi công tác dân vận là công tác “3 k” (khô, khó, khổ).

Chính những hạn chế, lệch lạc về nhận thức như đã nói trên là một trong những khó khăn, tồn tại gây nên những yếu kém trong công tác dân vận. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ7 về tăng cường công tác dân vận, thiết nghĩ trước hết cần đảm bảo sự thông suốt về nhận thức, quan điểm đúng về công tác dân vận, đó là: dân vận không chỉ là công việc của riêng cán bộ ban dân vận, mà là công tác của toàn hệ thống chính trị.

Ngô Kiên

Công tác dân vận không phải của riêng cán bộ chuyên trách!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO