Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con làm tốt việc phòng trừ sâu bệnh
(Baonghean.vn) - Hiện nay, các vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Sông Con đang vào giai đoạn vươn lóng. Đây cũng là giai đoạn mà rệp xơ bông trắng xuất hiện, gây hại cho cây mía. Để ngăn chặn bệnh lây lan, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp, triệt tiêu bệnh khi mới xuất hiện, giữ an toàn cho vùng nguyên liệu…
Mía vươn lóng, người dân bám đồng chăm sóc
Gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xóm Vĩnh Thanh, xã Tân Xuân (Tân Kỳ) trồng 1,5ha mía nguyên liệu. Thời tiết năm nay lắm nắng, mưa nhiều nên cây mía phát triển tốt. Hiện cây mía đang vào thời kỳ phân lóng, xác định đây là giai đoạn quan trọng nên hai vợ chồng ông bám đồng chăm sóc mía. Ngoài dọn lá gốc để tạo cho mía thông thoáng đón ánh sáng thì việc cung cấp độ ẩm và phân bón cũng được gia đình quan tâm.
Ông Sự cho biết: “Thời kỳ vươn lóng, mía đòi hỏi nhiệt độ cao, cần nhiều ánh sáng để mía có chiều dài, đường kính lóng đạt chuẩn. Do đó, chúng tôi tập trung dọn lá gốc, tỉa bớt cây kém phát triển để mía đón được nhiều ánh sáng nhất. Giai đoạn này, mía bắt đầu tích lũy đường nên bổ sung dinh dưỡng kịp thời và đầy đủ. Ngoài bón đạm, lân thì bổ sung thêm phân chuồng, kali để cây mía cứng, ít đổ gãy khi mùa mưa bão sắp đến”.
Cán bộ Công ty CP Mía đường Sông Con bám đồng kiểm tra dịch bệnh trên mía. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện trên khắp các cánh đồng mía nguyên liệu của nhà máy đường từ Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Yên Thành người dân đang tập trung bám đồng chăm sóc cây mía. Bởi với họ, cây mía là nguồn thu chính của gia đình, chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, năng suất cao, độ đường đạt chuẩn thì bán được giá, thu được lợi nhuận cao hơn.
Chị Trần Thị Hà, một hộ dân trồng mía ở Thanh Xuân (Thanh Chương) cho biết: “Năm nay, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến năng suất cao. Nếu mỗi ha đạt khoảng 90-100 tấn thì cho thu nhập khoảng 90-100 triệu đồng, trừ mọi chi phí, còn lãi khoảng 50 triệu đồng”.
Nông dân xã Tân Xuân (Tân Kỳ) bám đồng chăm sóc mía. Ảnh: Thanh Phúc |
Đồng bộ giải pháp ngăn chặn rệp xơ bông trắng
Giai đoạn mía vươn lóng cũng là lúc xuất hiện bệnh rệp xơ bông trắng gây hại. Đây là loại dịch hại khá phổ biến ở khắp các vùng chuyên canh cây mía, nhất là vào thời kỳ cây mía đang vươn lóng (khoảng tháng 8 - tháng 10). Chúng gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con rệp non đều tập trung ở mặt dưới của lá mía để chích hút dịch lá. Nếu nặng sẽ làm cây mía còi cọc, chậm lớn, không những làm giảm năng suất mà còn làm giảm hàm lượng đường. Hiện tại, tại các cánh đồng mía nguyên liệu đã rải rác xuất hiện rệp xơ bông trắng trên cây mía.
Để ngăn chặn dịch hại lây lan, Công ty CP Mía đường Sông Con đã phân công nhân viên nguyên liệu bám đồng, cùng bà con tích cực phát hiện dịch bệnh.
Khi phát hiện có rệp xơ bông trắng, ngay lập tức được cập nhật vào phần mềm quản lý nguyên liệu, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn về tình hình dịch bệnh đến các hộ trồng mía để bà con kịp thời xử lý. Chị Nguyễn Thị Vinh, một hộ trồng mía ở xóm Vĩnh Thanh (Tân Xuân), cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về ruộng mía của gia đình xuất hiện rệp xơ bông trắng, chúng tôi đã ra đồng kiểm tra, đập lá thu dọn những lá bị rệp bám lên bờ đốt và tiêu hủy”.
Cán bộ Công ty CP Mía đường Sông Con sử dụng công nghệ theo dõi dịch bệnh trên cây mía điển hình là bệnh rệp xơ bông trắng. Ảnh: Thanh Phúc |
Do đang ở mức độ nhẹ, mới chỉ xuất hiện rải rác nên cán bộ nguyên liệu phối hợp cùng bà con xử lý, ngăn chặn không để lây lan. “Cách đây 2 năm, rệp xơ bông trắng gây hại trên nhiều diện tích mía, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng đường và việc tái sinh cây mía. Do đó, năm nay, chúng tôi đã lên kịch bản cụ thể ứng phó với dịch bệnh gây hại này, triệt tiêu ngay khi bệnh mới xuất hiện, không để lây lan trên diện rộng - ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết.
Theo đó, khi đang ở mức độ nhẹ, người dân phối hợp với nhân viên nguyên liệu xử lý thủ công bằng cách đập lá, thu dọn lá mía và phun thuốc khi cần. Nếu xuất hiện nhiều trên cùng diện tích, chúng tôi sẽ thuê máy bay phun thuốc cho diện tích mía bị bệnh. Theo đó, 1ha mía sẽ tốn 700.000 đồng tiền thuê máy và 600.000 đồng tiền thuốc. Số kinh phí này, Công ty cho người dân vay không tính lãi, sẽ thu hồi khi dân thu hoạch mía, trừ vào tiền bán mía”.
Hiện nay, việc quản lý dịch bệnh đã được cập nhật trên hệ thống phần mềm của công ty, ngay khi phát hiện dịch bệnh, chúng tôi sẽ bật máy tính bảng để xác định ruộng mía của gia đình nào, sau đó gửi tin nhắn về theo số điện thoại của chủ hộ đã đăng ký. Chỉ sau vài giây, chủ hộ sẽ biết được tình hình, cùng phối hợp và trừ sâu bệnh kịp thời, không để bị nặng, không để lây lan”, anh Nguyễn Khắc Hùng, nhân viên nguyên liệu của Công ty cho biết.
Mọi thông tin về dịch bệnh trên các cánh đồng mía được công ty kết nối với các chủ hộ để cùng phối hợp và trừ bệnh kịp thời. Ảnh: Thanh Phúc |
Để hạn chế tác hại của rệp, phải áp dụng một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:
- Sau khi thu hoạch, thu gom sạch sẽ tàn dư thân lá của cây mía đem tiêu hủy, đồng thời dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ để hạn chế nguồn rệp lây lan sang vụ sau.
- Không dùng hom mía ở ruộng bị rệp hại nặng làm giống.
- Không trồng quá dày, thường xuyên làm sạch cỏ dại, bóc tỉa bỏ lá già kịp thời, để ruộng luôn thông thoáng.
- Bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá thừa đạm làm cây mía mềm yếu.
- Từ khi mía vươn lóng, phải kiểm tra ruộng thường xuyên, nếu thấy rệp nhiều sử dụng thuốc đặc trị để phun trừ.