Công ty CP Mía đường Sông Con đưa máy 'khủng' vào sản xuất mía

Quang An 27/01/2020 07:47

(Baonghean.vn) - Vụ ép năm nay, Công ty CP Mía đường Sông Con đã trình diễn nhiều máy móc hiện đại, tân tiến trong sản xuất mía, tiến tới áp dụng vào thực tiễn để tăng năng suất mía.

Tháng 11/2019, Công ty CP Mía đường Sông Con đã phối hợp trình diễn các máy móc hiện đại trong sản xuất, thu hoạch mía bao gồm máy phun nông nghiệp và máy thu hoạch mía.

Đối với máy phun nông nghiệp, đây là máy phun hiện đại được trình diễn đầu tiên tại Việt Nam, có tầm phun lên đến 150 mét, mỗi giờ đồng hồ máy phun có thể phun được 18 - 20 ha. Máy có tác dụng dập sâu bệnh, dịch hại trên diện rộng, thời gian phun thuốc ngắn, tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo sức khỏe cho người dân, tránh tiếp xúc với thuốc BVTV.

Máy phun nông nghiệp công suất lớn được trình diễn tại cánh đồng mía huyện Tân Kỳ. Ảnh: Quang An

Vụ thu hoạch năm nay, Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ đưa máy thu hoạch mía công nghệ cao lần đầu tiên xuất hiện tại Tân Kỳ vào hoạt động. Trước thời điểm phát lệnh chính thức thu hoạch, Công ty đã tổ chức trình diễn loại máy hiện đại này tại cánh đồng xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, thu hút đông đảo người dân tham quan.

Máy phun được thiết kế tân tiến, hiện đại. Ảnh: Quang An

Bà con đã được chứng kiến quy trình vận hành máy thu hoạch mía do nước Ấn Độ sản xuất. Máy có động cơ 6 xilanh, công suất 174 mã lực, mỗi giờ đồng hồ máy thu hoạch được từ 15 - 20 tấn mía cây. Ưu điểm sử dụng máy là rút ngắn thời gian thu hoạch cũng như nhập nguyên liệu cho nhà máy đường một cách kịp thời chỉ trong thời gian từ 2 - 3h đồng hồ sau thu hoạch. Máy cắt sát gốc tránh rơi vãi, giảm được thất thoát từ 20% so với thu hoạch bằng thủ công.

Chị Nguyễn Thị Loan, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ cho biết: Cây mía có đặc thu là trọng lượng nặng, cần người có sức khỏe để khuân vác mía từ ruộng lên ô tô, do đó, vào mùa thu hoạch, chúng tôi đều phải đổ xô đi tìm, thuê lao động.

Những năm trở lại đây, lao động trẻ có xu hướng đi XKLĐ và làm ăn xa, do đó việc thuê nhân công thu hoạch mía rất khó, do đó, khi có thông tin nhà máy sẽ thu hoạch mía bằng máy thu hoạch mía hiện đại chúng tôi rất phấn khởi, chi phí thu hoạch mía là 170.000 đồng/tấn chúng tôi cảm thấy rất hợp lý, rẻ hơn nhiều so với thuê nhân công.

Máy thu hoạch mía thu hút đông đảo người dân tham quan, chiêm ngưỡng. Ảnh: Quang An
Bà Nguyễn Thị Khuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp chia sẻ: Là vùng trọng điểm mía trên địa bàn huyện nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch mía là điều tối quan trọng, nhất là trong điều kiện nhân lực khan hiếm như hiện nay. Hiện nay, địa phương đang tích cực phối hợp với cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con tuyên truyền cho bà con tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ tốt các phương thức canh tác tiến tới xây dựng các cánh đồng lớn thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất hiệu quả.
Khi hoạt động, các guồng quay sẽ cuốn cây mía vào trong, sau đó sẽ cắt ngắn thân cây thành từng khúc nhỏ và nhả lên thùng xe để vận chuyển. Ảnh: Quang An

Mặc dù việc áp dụng máy móc tân tiến vào sản xuất, thu hoạch mía là điều cần thiết, tuy nhiên, để thuận lợi trong khâu thu hoạch bằng máy, khi trồng bà con cần tuân thủ đúng kỹ thuật, hàng cách hàng 1,2 mét, cây cách cây 30cm. Bên cạnh đó, một số bà con còn băn khoăn, nếu ruộng bùn lầy sẽ không thu hoạch được máy, bởi ô tô không thể vào ruộng mía được vì trơn trượt, hơn nữa những người lái máy thu hoạch mía và xe ô tô cũng nên lưu lý, không nên cho bánh xe chạy trên gốc mía, vì ảnh hưởng đến mía lưu gốc sau này.

Trước mắt, công ty sẽ đưa 1 máy thu hoạch mía hiện đại vào niên vụ 2019 - 2020, nếu người dân có nhu cầu, Công ty sẵn sàng bổ sung thêm 1 máy nữa để phục vụ cho bà con. Mặc dù mang lại nhiều lợi thế, tuy nhiên, để có thể đưa các máy móc hiện đại vào sản xuất rộng rãi còn rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề quy hoạch diện tích mía là điều quan trọng nhất vì trên thực tế một số cánh đồng mía còn manh mún, nhỏ lẻ, đường nội đồng nhỏ hẹp, khiến máy móc không thể tiếp cận.

Ông Nguyễn Sỹ Hải – Cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp nâng cao chất lượng sản xuất, giảm thiểu sức lao động cho người dân. Ảnh: Quang An

Hiện nay, vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con có gần 7.000 ha, trong đó trên địa bàn huyện Tân Kỳ gần 5.000 ha. Trong bối cảnh nguồn lao động thu hoạch mía tại Tân Kỳ đang bị thiếu thì việc áp dụng cơ giới hóa đưa máy móc vào thu hoạch mía là lời giải cho bài toán về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thu hoạch bằng cơ giới chỉ áp dụng được đối với những ruộng mía khá phẳng, rộng, được trồng và chăm sóc bằng máy. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xây dựng được một số cánh đồng mía tập trung ở Giai Xuân, Tân Xuân, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng… mỗi cánh đồng có diện tích 50 ha trở lên.

Mới nhất
x
Công ty CP Mía đường Sông Con đưa máy 'khủng' vào sản xuất mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO