Công ty CP Mía đường Sông Con: Sẵn sàng cho vụ ép mới

Bài: Thanh Phúc - KT: Lâm Tùng 07/11/2019 10:49

(Baonghean) - Theo kế hoạch vào tháng 12 tới, Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ vào vụ ép mới. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song theo dự kiến, vụ ép năm nay sẽ có nhiều thắng lợi.

Vượt khó cho một vụ ép thành công

Chúng tôi về xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) vào những ngày đầu tháng 11, cánh đồng mía bạt ngàn, xanh ngút ngát chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Người dân đang thu dọn lá khô -phần việc cuối cùng của chu kỳ sản xuất, để chuẩn bị đón thành quả sau một năm vất vả vun trồng để mùa mía ngọt...

Niên vụ năm nay, toàn xã Nghĩa Đồng có gần 190 ha mía, trong đó, có 17 ha do Công ty đứng ra thuê đất của người dân để trồng mía.

Ông Nguyễn Hữu Long - Xóm trưởng xóm 10, xã Nghĩa Đồng cho biết: “Hầu hết diện tích đất bãi bồi, bãi soi của xóm đều được bà con trồng mía. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào thâm canh mía nên chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng dự tính sẽ tăng so với sản xuất thủ công trước đây. Nếu giá mía ổn định như vụ ép trước, dự kiến bà con sẽ có thu nhập 100 - 110 triệu đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 40 - 50 triệu đồng/ha”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Nghĩa Đồng tỉa lá khô cho mái trước khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân trồng mía ở xã Nghĩa Đồng tỉa lá khô cho mía trước khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù năm nay, thời tiết khá bất lợi, hạn hán kéo dài khiến 150 ha mía bị chết khô, ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng và thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, với việc đưa giống mía K3 vào canh tác trong 2 năm nay đã chứng tỏ ưu điểm vượt trội: ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, cây cao, mập, độ đường cao, năng suất, sản lượng cao nên người trồng mía hết sức phấn khởi.

Bên cạnh đó, để giải bài toán thiếu nhân lực thu hoạch mía cho bà con, vụ ép này, Công ty sẽ đưa cơ giới hóa vào thu hoạch.

Ông Nguyễn Sỹ Hải - Cán bộ nông vụ, Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Công ty hợp đồng đưa 1 máy thu hoạch mía về thí điểm ở vùng nguyên liệu Tân Kỳ. Với công suất máy đạt 200 - 250 tấn/ngày, tính ra năng suất gấp hàng trăm công lao động phổ thông, giá thuê máy chỉ khoảng 170.000 đồng/tấn, rẻ hơn thuê nhân công”.

Để chuẩn bị cho vụ ép thành công, hiện nay, Công ty đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền nhằm đảm bảo công suất 3.300 tấn/ngày. Với công suất này, doanh nghiệp sẽ sử dụng hết nguồn mía nguyên liệu của nông dân, hạn chế tình trạng ứ đọng nguyên liệu vào thời điểm chính vụ, đồng thời nâng cao chất lượng đường thành phẩm.

Bà con huyện Tân Kỳ thu hoạch mía nguyên liệu nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà con huyện Tân Kỳ thu hoạch mía nguyên liệu nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện giá thu mua mía tại ruộng dự kiến 800.000 đồng/tấn mía sạch, bằng giá mía thu mua đầu vụ năm trước. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng chế độ thưởng đối với mía có chữ đường cao. Đây là biện pháp khuyến khích nông dân đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng cây mía.

Mặt khác, Công ty đã chuẩn bị phương tiện vận chuyển; thông báo giá thu mua, ký hợp đồng thu mua mía nguyên liệu đến tận các hộ dân. Đồng thời, phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu tu sửa, nâng cấp đường giao thông nội đồng để phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu mía dễ dàng, thuận lợi.

Niên vụ 2018 - 2019, diện tích mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Con là 7.000ha, tập trung ở Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn với 9.400 hộ trồng. Năng suất mía niên vụ 2018-2019 ước đạt 54 tấn/ha (giảm so với niên vụ trước); sản lượng mía ước đạt 350.000 tấn; sản lượng đường ước tính khoảng 5.000 tấn.


Nhiều chính sách ưu tiên vùng nguyên liệu

Bắt đầu từ năm 2018, gia đình chị Ngô Thị Tân, xóm 10, Nghĩa Đồng đã thuê 3ha đất của các hộ dân trong xóm để trồng mía. Hai năm qua, trung bình mỗi năm 3ha mía đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Chị Tân phấn khởi: “So với cây sắn, cây ngô thì cây mía hiệu quả hơn hẳn. Thứ nhất, cây mía không tốn công chăm sóc nên phù hợp với tình hình lao động nông thôn hiện nay. Thứ 2, vốn, chi phí đầu tư ban đầu được công ty cho ứng, cho vay đến khi thu hoạch mới hoàn trả. Thứ ba, sản phẩm là mía cây được công ty bao tiêu. Do đó, nông dân chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng mạnh dạn thuê đất trồng mía, mở rộng diện tích”.

Cán bộ Nông vụ của Công ty CP Mía đường sông Con trao đổi thời gian thu hoạch mía với bà con. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con trao đổi thời gian thu hoạch mía với bà con. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, một hộ dân ở Nghĩa Đồng cho biết, nhà còn 2 ông bà, con cái đều lập nghiệp ở xa, có 5 sào đất, ông bà chuyển từ trồng ngô sang trồng mía. “Trước đây còn lo chuyện thu hoạch, thuê mượn nhân công, nuôi cơm… chứ giờ có máy cả nên không còn phải lăn tăn vấn đề gì. Giờ chỉ lo trồng, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng, đạt chữ đường cao để bán giá cao”.

Vụ thu đông 2019-2020, dự kiến, Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ đưa trồng mới 2.700 ha và duy trì 7.000 ha mía lưu gốc. Theo đó, Công ty sẽ đưa vào trồng giống mới SJC 2; trồng sớm diện tích mới từ 15/9 -15/12/2019 nhằm tăng năng suất và chất lượng mía.

Chú thích?
Giống mới SJC 2 được Công ty đưa vào trồng trong vụ thu đông 2019 - 2020. Ảnh: TP - XH

Đồng hành cùng bà con trong việc mở rộng vùng nguyên liệu mía, Công ty hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha trồng mới giống mía SJC 2; 3 triệu đồng/ha trồng mới hoàn thành trong thời gian 15/9-15/12/2019. Cho vay 23 triệu đồng đối với 1 ha trồng mới để mua giống, trả chi phí làm đất, phân bón, thuốc BVTV, chăm sóc mía; cho vay 3 triệu đồng/ha để chăm sóc diện tích mía lưu gốc. Đồng thời hỗ trợ 10 tấn bùn mía đã qua xử lý đối với 1 ha trồng mới.

Hiện nay, Công ty đang tìm thuê đất, mở rộng diện tích canh tác mía theo quy hoạch của vùng nguyên liệu là 10.000 ha, trong đó ưu tiên diện tích tối thiểu 2ha/thửa đủ điều kiện để cày đất và trồng, chăm sóc, thu hoạch mía bằng máy.

Mới nhất

x
Công ty CP Mía đường Sông Con: Sẵn sàng cho vụ ép mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO