Công ty Mía đường Sông Con: Đột phá với chủ trương tích tụ ruộng đất
(Baonghean) - Công ty mía đường Sông Con hiện có gần 6.000 ha mía. Đơn vị còn có chủ trương thuê đất của nông dân hoặc nông dân góp vốn, góp đất cùng sản xuất với nhà máy.
Diện tích mía tập trung ở Tân Xuân, Tân Kỳ. Ảnh: Châu Lan |
Hiệu quả từ mía thâm canh
Với 1.200 ha, Giai Xuân là xã có diện tích mía lớn nhất nhì ở Tân Kỳ. Những năm qua, cây mía đã khẳng định chỗ đứng ở vùng đất này - nơi đất đai chủ yếu là đồi núi và chưa có cây trồng nào vượt được cây mía về thu nhập. Cây sắn ở đây chỉ 245 ha, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, trong khi đó mía cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha/năm.
Gia đình ông Lê Minh Quy ở xóm Vạn Long, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ trồng 2 ha mía tập trung quy mô lớn. Nhờ ứng dụng KHKT, tuân thủ quy trình thâm canh của nhà máy nên mía của gia đình ông phát triển tốt, vụ này ước đạt 80-90 tấn/ha.
Ông Lê Minh Quy phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia mô hình trồng mía tập trung quy mô này thấy hiệu quả thực sự về năng suất. Hàng mía rộng hơn, thoáng hơn nên dễ làm cỏ, dễ chăm bón, ít sâu bệnh, mía mọc bụi dày hơn sẽ cho năng suất cao hơn”.
Chủ tịch UBND xã Vũ Ngọc Sơn cho hay: Diện tích mía tập trung theo hình thức dồn điền đổi thửa mà xã đang làm cho thu nhập 117 triệu đồng/ha, năng suất đạt trên 90 tấn/ha. Trong khi đó mía thường chỉ đạt năng suất 50 tấn/ha. Hiệu quả từ mô hình sản xuất mía tập trung trên địa bàn xã 2 năm qua đã thu hút các xã khác đến học tập và xã đang triển khai nhân rộng hình thức này.
Theo đó năm 2018 này, xã Giai Xuân sẽ nhân rộng mía thâm canh ở 2 xóm Long Thọ, Kẻ Mui với diện tích 50 ha, nâng diện tích mía sản xuất tập trung ở xã lên 117 ha.
Còn nhớ năm 2016, xóm Thanh Trà - xã Tân Xuân (Tân Kỳ) là xã đầu tiên thực hiện dồn điền đổi thửa ứng dụng KHCN để sản xuất mía công nghiệp. Xóm đã chuyển đổi 100% đất lúa năng suất thấp sang trồng mía Thái Lan tại xóm với 45 ha và sau 7 tháng mía phát triển tốt. Mía vươn lóng đều, mật độ cây dày và năng suất cao. Theo đánh giá của Công ty Mía đường Sông Con, năng suất đạt khoảng 100 tấn/ ha, là vùng sẽ có năng suất cao nhất của Tân Kỳ.
Từ hiệu quả của xóm Thanh Trà, Tân Xuân, đến nay trên địa bàn Tân Kỳ, nhiều xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa, thâm canh mía ở Nghĩa Đồng, Giai Xuân, Tân Xuân...nâng diện tích mía thâm canh cao ở Tân Kỳ lên khoảng 300 ha.
Giống mía Thái Lan đạt năng suất 100 tấn/ha ở Tân Kỳ. Ảnh Châu Lan |
Chủ trương góp vốn, góp đất với nông dân
Ông Lê Đình Hoan - Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: Năm 2017 và 2018 sẽ là năm Công ty đột phá với chủ trương tích tụ đất đai với các hình thức thuê đất, góp đất, góp vốn của nông dân cùng với nhà máy sản xuất mía và chung hưởng lợi ích.
Quy mô của việc tích tụ là những vùng đất liền khoảnh, có diện tích từ 5 ha trở lên, nông dân đang tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Theo đó, Công ty CP Mía đường Sông Con thực hiện 2 hình thức tích tụ đất: một là thuê quyền sử dụng đất và hai là góp đất.
Với hình thức thuê quyền sử dụng đất, Công ty đứng ra để thuê toàn bộ diện tích đất trên vùng đất đủ điều kiện để áp dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ trong đầu tư sản xuất mía. Chủ yếu áp dụng trên các vùng đất 5% của xã, tiền thuê đất Công ty sẽ trả trực tiếp cho bên sử dụng đất.
Còn đối với hình thức góp đất, nông dân góp nhiều thửa đất nhỏ trên cùng một cánh đồng thành thửa đất lớn để cùng nhau sản xuất mía. Đây là mô hình liên kết có hiệu quả cao trong sản xuất mía.
Chủ thể tham gia sản xuất bao gồm công ty, nông dân hoặc các tổ chức xã hội do nông dân thành lập. Chính quyền đóng vai trò là người giám sát quá trình liên kết giữa Công ty và người dân.
Cách thực hiện việc góp đất, UBND xã hoặc HTX nông nghiệp đứng ra vận động nông dân góp đất để liên kết sản xuất. Sau khi hoàn thành việc góp đất, Công ty cổ phần Mía đường Sông con tổ chức sản xuất, nông dân là người tham gia làm công hưởng lương theo đơn giá nhân công trên thị trường.
Máy trồng mía ở Nhà máy đường Sông Con. Ảnh: Phương Thảo |
Về vấn đề này, ông Võ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND Giai Xuân cho biết: Chúng tôi đã triển khai chủ trương của Công ty xuống người dân, theo đó, nông dân vẫn được giữ nguyên diện tích đất của mình, UBND xã có văn bản cam kết khi kết thúc thời hạn liên kết sản xuất mía, sẽ trả lại toàn bộ diện tích đất của các hộ đã góp trong quá trình liên kết sản xuất.
Trước khi vào vụ sản xuất mía, nông dân được hưởng trước một khoản lợi nhuận cố định (khoản lợi nhuận này tương đương với giá thuê đất tại thời điểm). Hàng năm khi kết thúc vụ sản xuất mía, nông dân sẽ được chia một khoản lợi nhuận theo thỏa thuận ban đầu và được hưởng các chi phí nhân công khi thực hiện các công đoạn trong quá trình tổ chức sản xuất mía.
Sau khi hoàn trả mặt bằng, nông dân còn có sẵn nguồn cơ sở hạ tầng do Công ty đầu tư ban đầu để sản xuất mía. Và hơn thế nữa, trong quá trình đầu tư sản xuất mía, độ phì nhiêu của đất được cải tạo nhiều.
Với chủ trương này, ngay từ vụ thu, Nhà máy đường Sông Con bắt đầu triển khai và hứa hẹn cho một vụ mía hiệu quả cao với tính gắn kết cao hơn và sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Châu Lan