Công ty nhà nước loay hoay bài toán thoái vốn.
Để tập trung mọi nguồn lực vào ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi, hàng loạt tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái vốn hoàn toàn khỏi những lĩnh vực trái ngành từng là “mốt” đầu tư một thời như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm. Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ khó thành hiện thực nếu như những “nút thắt” vẫn chưa được hóa giải!
“Nút thắt” chờ gỡ
“Vào thời điểm thị trường như hiện nay, muốn thoái vốn phải chấp nhận lỗ nhưng ai cũng sợ trách nhiệm bán lỗ tài sản Nhà nước”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Tiến Dũng đã bộc bạch như vậy tại Hội thảo tái cấu trúc doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Dũng, là tập đoàn tiên phong trong thực hiện tái cấu trúc, Đề án tổng thể tái cấu trúc PVN đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và được nhiều bộ, ngành chức năng đánh giá là phương án quyết liệt, nhất quán bởi từ nay đến 2015, PVN sẽ thoái vốn hoàn toàn ở doanh nghiệp trái ngành và giảm vốn theo tỷ lệ tại hầu hết các đơn vị thành viên để tập trung nguồn lực cho 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Mặc dù quyết tâm cao như vậy nhưng khi đi vào từng vấn đề cụ thể, PVN lại gặp nhiều thách thức lớn mà nan giải nhất vẫn là chưa tìm được giải pháp hỗ trợ tài chính trong quá trình thoái vốn khỏi các đơn vị đầu tư ra ngoài ngành.
Một giàn khai thác của Tổng công ty PTSC. |
Tương tự như vậy, với quy định hiện hành của Chính phủ không cho phép tập đoàn hỗ trợ tài chính cho các đơn vị thành viên, PVN “không có cách nào xử lý bình ổn tài chính để các đơn vị thành viên thực hiện tái cấu trúc”, ngay cả khi thoái vốn nội bộ và chuyển giao theo giá 1:1. “Đây là những vấn đề mấu chốt phải tháo gỡ, nếu không sẽ không thể thoái vốn được”, ông Dũng khẳng định.
“Liệu cơm gắp mắm”
Gợi mở những giải pháp cho tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong thời điểm hiện nay, Phó Vụ trưởng vụ đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Tuấn Anh, nhấn mạnh: Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tiến hành theo các ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất. Đối với tái cơ cấu nội bộ, các doanh nghiệp tiến hành theo tiêu chí chỉ kinh doanh mặt hàng chính, những ngành có liên quan phục vụ trực tiếp cho phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn thoái vốn ngoài ngành trước năm 2015 sẽ theo ba hướng: Tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán phần vốn nhà nước cho các đơn vị bên ngoài; Bán, chuyển phần vốn nhà nước về tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp; chuyển nhượng toàn bộ hoặc chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp đang nắm giữ sang tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác có cùng ngành nghề.
Tuy nhiên, ngay cả thực hiện thoái vốn theo cách này, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng rất khó thực hiện và nếu thực hiện cũng không thể thu hồi toàn bộ vốn ban đầu bởi tiến trình này diễn ra đồng loạt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, ông Tuấn Anh thừa nhận.
Đồng quan điểm này, ông Lại Văn Xuân đến từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Tính toán trên phương diện hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thời điểm này sẽ lỗ và khả năng chỉ thu về được khoảng 50% vốn ban đầu. Tuy nhiên, chủ trương tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế đã được thông qua nên dù trong hoàn cảnh nào thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn phải thoái vốn đầu tư trái ngành xong trước năm 2015.
Trong khi vấn đề thoái vốn đầu tư vẫn chưa tìm được lời giải hữu hiệu cuối cùng để vừa đảm bảo tiến độ thoái vốn, vừa hạn chế thiệt hại cho nhà nước đến mức thấp nhất, một số tư vấn quốc tế lại cho rằng: Thoái vốn không nên hiểu cứng nhắc là phải giảm vốn ngay. Trước khi thoái vốn đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kiểu như PVN nên chăm lo, hỗ trợ thay đổi cách quản trị ở các đơn vị thành viên bị thoái vốn thì các đơn vị này mới đủ “khỏe” để bán thành công. Vì vậy, giải pháp chính là các cơ quan quản lý cần cân nhắc mọi khía cạnh để có hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cấu trúc trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
Theo Tin tức - H