Chuyển đổi số

Công việc văn phòng hay lao động chân tay: Ai sẽ 'sống sót' sau cuộc cách mạng AI?

Phan Văn Hòa 19/02/2025 07:06

Trong tương lai không xa, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người trong nhiều công việc, từ viết báo cáo, phân tích dữ liệu đến lái xe, bốc vác. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn, liệu công việc văn phòng hay lao động chân tay sẽ 'an toàn' hơn trước sự xâm nhập của AI?

Trong nhiều năm qua, hàng triệu công nhân vẫn tiếp tục làm việc trong các nhà máy, trong khi AI lại nhanh chóng thay thế các lập trình viên mới vào nghề nhờ những bước tiến vượt bậc trong công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

CEO của Meta, Mark Zuckerberg, gần đây tuyên bố rằng công ty sẽ bắt đầu cắt giảm các kỹ sư phần mềm cấp trung ngay trong năm nay.

Tương tự, CEO của Replit – một nền tảng cung cấp công cụ xây dựng trang web khẳng định rằng, họ không còn cần đến lập trình viên chuyên nghiệp nhờ vào sản phẩm AI, có khả năng viết ứng dụng phần mềm chỉ từ lời nhắc của người dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hàng loạt công ty khác cũng đang phát triển các giải pháp tương tự, giúp người dùng tạo website và ứng dụng mà không cần kiến thức lập trình.

Trong khi đó, những công việc lao động chân tay như sản xuất và xây dựng lại đang bị tự động hóa với tốc độ chậm hơn đáng kể.

Vậy, liệu sự bùng nổ của LLM có kéo dài "tuổi thọ" của các công việc lao động chân tay, hay robot sẽ sớm bắt kịp? Liệu lập trình viên và các nhân viên văn phòng có thực sự đứng trước nguy cơ biến mất?

AI sẽ không thể thay thế các kỹ sư phần mềm

Devansh Agarwal, một kỹ sư học máy cao cấp tại tập đoàn công nghệ Amazon (Mỹ) và tác giả của nhiều nghiên cứu về AI, tin rằng AI sẽ không thể thay thế các kỹ sư phần mềm. Thay vì thay thế, AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ, giúp họ giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại và nhàm chán.

Theo ông, các kỹ sư phần mềm vẫn sẽ được săn đón nhờ vào tính chất phức tạp của công việc, bao gồm nhiều nhiệm vụ như bảo trì và đánh giá mã, thiết kế tài liệu kỹ thuật, xây dựng thuật toán và khắc phục sự cố trong môi trường sản xuất.

Agarwal chỉ ra rằng, ngay cả những mô hình ngôn ngữ lớn nhất, với hơn 600 tỷ tham số, vẫn chưa thể thực hiện chính xác một nhiệm vụ cụ thể. Ông hoài nghi rằng ngay cả khi các mô hình tăng gấp 10 lần số tham số, chúng cũng khó có thể thay thế hoàn toàn các kỹ sư phần mềm, do giới hạn về dữ liệu để đào tạo.

"Vấn đề còn phức tạp hơn nhiều. Để có được kết quả tốt từ LLM, chúng ta phải thử nghiệm nhiều lần với các lời nhắc khác nhau, làm tăng đáng kể chi phí. Hơn nữa, rất khó để truyền tải đầy đủ yêu cầu sản phẩm cho LLM và mong đợi nó tạo ra giải pháp hoàn chỉnh, vì những yêu cầu này luôn thay đổi", Agarwal giải thích.

Ông dự đoán rằng, tác động của LLM đối với lập trình sẽ giống như sự thay đổi mà kỹ sư phần mềm đã mang lại trước đây. Tuy nhiên, xu hướng thị trường hiện tại cho thấy nhu cầu đối với những công việc chỉ đơn thuần liên quan đến viết mã đang giảm dần, báo hiệu rằng các lập trình viên cần mở rộng kỹ năng của mình để thích nghi với tương lai.

AI có tác động lớn đến các lập trình viên cấp thấp

Mantas Lukauskas, người đứng đầu công nghệ AI tại công ty lưu trữ web Hostinger, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Kaunas (Lithuania) cho biết, AI có tác động lớn nhất đến các vị trí cấp thấp trong các lĩnh vực kỹ thuật như mã hóa và phân tích dữ liệu.

"Trước đây, bạn cần phải hiểu những gì cần tính toán, nhưng giờ đây bạn chỉ cần tải bảng dữ liệu lên ChatGPT và nó sẽ cung cấp mọi thông tin, bạn không còn cần một nhà phân tích dữ liệu trình độ mới vào nghề nữa", Lukauskas lưu ý.

Một công việc lập trình đơn giản như tạo trang web có thể được thực hiện bởi các công ty như Vercel, cho phép người ta viết mã mà không cần kỹ năng chuyên môn.

Sự phát triển của các công cụ lập trình và trợ lý AI như Github Copilot sẽ đòi hỏi các lập trình viên tương lai phải học các kỹ năng mới.

Ông Lukauskas cho rằng:"Có sự sáng tạo, sau đó là kiến thức chung về máy tính, tiếp theo là các kỹ năng liên quan đến AI. Tư duy phản biện cũng rất cần thiết, nhiều người quá tin tưởng vào LLM. Họ tạo mã và chỉ sao chép mà không cần kiểm tra xem nó có tối ưu hay không".

Ngoài mã hóa, AI đang tác động đến nhiều vị trí khác. Theo Lukauskas, các chatbot của Hostinger đã xử lý khoảng 50% khối lượng công việc, trong khi các công cụ dựa trên AI nâng cao năng suất bằng cách loại bỏ các tác vụ lặp đi lặp lại và cho phép con người tập trung vào công việc mang tính chiến lược hơn.

AI sẽ không khiến công việc lập trình trở nên lỗi thời

Công ty công nghệ Anthropic (Mỹ) vừa ra mắt báo cáo Anthropic Economic Index, cung cấp cái nhìn thoáng qua về cách AI đang thay đổi thị trường lao động. Báo cáo ban đầu dựa trên hàng triệu cuộc trò chuyện ẩn danh trên Claude.ai, một trợ lý AI do Anthropic xây dựng.

Không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực máy tính và toán học, nơi AI có tỷ lệ ứng dụng cao nhất (37%) mà các ngành như nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao và truyền thông cũng đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, với tỷ lệ sử dụng AI lên đến 10,3%. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng xu hướng này phản ánh sự bùng nổ của tiếp thị, sáng tạo nội dung và các hình thức truyền thông khác.

Natalie Lambert, nhà sáng lập kiêm Đối tác quản lý tại công ty tư vấn GenEdge Consulting chỉ ra rằng, AI hiện đang đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong tiếp thị, từ sáng tạo nội dung, thiết kế cơ bản đến phân tích dữ liệu và nghiên cứu đối thủ cạnh tranh.

Ảnh minh họa1
Sự phát triển của AI sẽ không khiến công việc lập trình trở nên lỗi thời. Ảnh: Internet.

Bà dự đoán: “Trong tương lai gần, các đội ngũ tiếp thị có thể đạt hiệu suất tương tự nhưng với số lượng nhân sự ít hơn ít nhất 50%”.

Về tác động của AI lên lĩnh vực lập trình, Lambert lấy chính trải nghiệm của mình làm ví dụ. Bà cho rằng, hiện nay một doanh nghiệp có thể xây dựng trang web bằng các công cụ AI với chi phí chỉ bằng một khoản phí đăng ký hàng tháng, trong khi trước đây, họ phải bỏ ra hàng nghìn USD để làm điều tương tự.

Dẫu vậy, bà khẳng định AI không khiến lập trình trở nên lỗi thời. Ngược lại, những công cụ mới sẽ giúp các nhà phát triển tập trung vào những công việc phức tạp và có giá trị cao hơn, như bảo mật hoặc tùy chỉnh chức năng.

“Thách thức đặt ra là khi nhu cầu với các lập trình viên cao cấp gia tăng, thì các lập trình viên ở cấp cơ bản và trung cấp có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội. Câu hỏi quan trọng là làm thế nào để trở thành một lập trình viên cấp cao mà không cần bắt đầu từ con số 0?” bà chia sẻ.

Kỹ năng lập trình sẽ trở nên quan trọng và cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác nhau

Severine Zaslavski, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu tại tập đoàn đa quốc gia ManpowerGroup (Mỹ) khẳng định rằng, lập trình vẫn là một lựa chọn nghề nghiệp đầy triển vọng cho những người mới bước chân vào lĩnh vực công nghệ.

Bà khuyến nghị: “Những ai muốn bắt đầu nên khám phá các lĩnh vực mới nổi như phát triển đám mây, điện toán biên, điện toán lượng tử và các kỹ năng chuyên sâu như thực hành AI có đạo đức”.

Bên cạnh đó, những kỹ năng cốt lõi như tư duy phân tích, thành thạo toán học, khả năng thích ứng và tinh thần ham học hỏi sẽ là chìa khóa để thành công trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.

ManpowerGroup dự báo rằng, trong 2 thập kỷ tới, lập trình sẽ dần trở thành một lĩnh vực liên ngành, kết hợp chuyên môn từ các lĩnh vực như sinh học, khoa học thần kinh và nhiều ngành khác để giải quyết những bài toán phức tạp.

Đối với các công việc thiên về trí tuệ, Zaslavski cho rằng tự động hóa có thể làm giảm nhu cầu về hỗ trợ văn phòng và dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, thay vì thay thế hoàn toàn, AI sẽ có xu hướng thúc đẩy các ngành STEM, sáng tạo và kinh doanh bằng cách tăng cường năng suất.

Báo cáo của Anthropic cũng chỉ ra rằng, AI phần lớn đang được sử dụng để hỗ trợ và nâng cao năng lực con người (57%), thay vì hoàn toàn tự động hóa công việc (43%).

Liệu robot có thể bắt kịp khả năng của con người không?

Trong khi AI đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhiều công việc văn phòng, thì tác động của nó đối với lao động chân tay hiện vẫn còn khá hạn chế.

Theo báo cáo của Anthropic, các ngành nghề sử dụng AI ít nhất thường liên quan đến lao động thủ công, bao gồm vận tải và di chuyển vật liệu, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, đánh bắt cá và lâm nghiệp.

Lukauskas chỉ ra rằng, từ nhiều năm trước, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai robot, khiến nhiều người lo ngại rằng làn sóng tự động hóa sẽ thay thế công việc của họ.

“Tuy nhiên, kể từ khi các mô hình ngôn ngữ lớn xuất hiện, cục diện đã thay đổi. Dù có thể tác động đến quá trình ra quyết định trong robot hóa, nhưng AI vẫn chưa thể trực tiếp can thiệp vào thế giới vật lý”, ông Lukauskas nhận định.

Agarwal, một cố vấn tại công ty khởi nghiệp về robot, lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng, các công việc lao động chân tay có nguy cơ bị thay thế cao hơn so với công việc văn phòng, do khả năng lập trình robot bằng AI tạo sinh (GenAI) ngày càng trở nên dễ dàng.

Tuy nhiên, Zaslavski dự đoán rằng trong tương lai gần, những công việc đòi hỏi kỹ năng thực hành, sự hiện diện vật lý và tương tác con người, như công nhân xây dựng, tài xế giao hàng, trợ lý chăm sóc cá nhân và nhân viên y tế, sẽ ít có khả năng bị tự động hóa hơn.

“Những vai trò này phụ thuộc vào khả năng thích ứng và sự khéo léo trong môi trường làm việc linh hoạt, điều mà AI hay robot khó có thể thay thế hoàn toàn. Ngoài ra, những công việc ứng dụng công nghệ cao như kỹ sư năng lượng tái tạo hay chuyên gia về xe tự hành cũng có triển vọng lâu dài, vì chúng phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng tương lai”, bà Zaslavski nhận định.

Theo Cybernews
Copy Link

Mới nhất

x
Công việc văn phòng hay lao động chân tay: Ai sẽ 'sống sót' sau cuộc cách mạng AI?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO