COP21: Trái ngọt sau nhiều chông gai

14/12/2015 10:10

(Baonghean) - Sau gần 2 tuần làm việc căng thẳng với những ngày đàm phán marathon căng nhất từ trước đến nay, cuối cùng Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc (COP21) tại Paris, Pháp cũng đã thông qua thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Con đường đi tới đích của thỏa thuận được đánh giá là “lịch sử” này vô cùng chông gai. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đàm phán hiểu rằng họ buộc phải vượt qua mọi bất đồng bởi đây là cơ hội cuối cùng để nhân loại cùng chung tay “cứu” Trái Đất.

“Mừng rơi nước mắt”

Bản thỏa thuận cuối cùng của COP21 được 195 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua đêm 12/12 (theo giờ Việt Nam), lùi hơn một ngày so với dự kiến ban đầu. Khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius - Chủ tịch COP21 tuyên bố kết thúc đàm phán, tiếng vỗ tay chúc mừng trong phòng hội nghị kéo dài tới vài phút, nhiều người hò reo vui sướng và rơi nước mắt bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ sau suốt nhiều ngày đàm phán căng thẳng đã mang lại “trái ngọt”.

: Ngoại trưởng Pháp, Chủ tịch COP21 Laurent Fabius trình dự thảo thỏa thuận cuối cùng tại Le Bourget. Ảnh: Reuters.
: Ngoại trưởng Pháp, Chủ tịch COP21 Laurent Fabius trình dự thảo thỏa thuận cuối cùng tại Le Bourget. Ảnh: Reuters.

Với 31 trang, 29 điều khoản, bản thỏa thuận Paris đã đặt ra mức trần nhiệt độ của Trái Đất đến năm 2100 là không quá 2oC, kèm theo khuyến nghị “quyết tâm đạt mức 1,5oC”. Để hoàn thành mục tiêu này, thỏa thuận kêu gọi đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải do con người tạo ra và khả năng hấp thụ của Trái Đất, do đó, các quốc gia phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng Mặt Trời, gió và nâng cao hiệu suất năng lượng.

Một số nước cũng đẩy mạnh việc theo đuổi năng lượng hạt nhân, không tạo ra khí thải nhà kính. Các quốc gia được yêu cầu xem xét lại các cam kết cắt giảm khí thải sau mỗi 5 năm với cam kết lần sau cao hơn cam kết lần trước. Lần xét lại đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2025.

Một điểm quan trọng nữa trong Bản thỏa thuận Paris là các nước phát triển phải hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu cho các nước phát triển. Cụ thể, các nước phát triển có nghĩa vụ huy động 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển từ nay đến năm 2020 và mức hỗ trợ này được duy trì đến năm 2025.

Tiếp đó, một mục tiêu mới sẽ được ấn định với mức hỗ trợ sàn là 100 tỷ USD. Ngoài khoản hỗ trợ tài chính, các nước phát triển cũng phải đi đầu trong nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Liên quan đến tương quan trách nhiệm giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, vấn đề “mất mát và thiệt hại” đã lần đầu tiên được đưa vào thỏa thuận. Theo đó, các nước giàu sẽ phải bồi thường cho các nước nghèo do hậu quả của biến đổi khí hậu trên tinh thần “các bên tăng cường trao đổi, hành động và trợ giúp lẫn nhau”.

Gạt bất đồng vì mục tiêu chung

Đoàn đàm phán nào đến Paris cũng mang theo những tính toán sao cho vừa đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chung, nhưng cũng đảm bảo những lợi ích sát sườn cho quốc gia mình. Và đó là căn nguyên của 3 chủ đề gây bất đồng lớn nhất trong suốt gần 2 tuần đàm phán: mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ, việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển và đóng góp tài chính.

Về mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ, khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biển dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia và Nga phản đối quyết liệt. Cuối cùng, con số 1,5oC chỉ dừng lại ở mức khuyến nghị, còn mục tiêu chính thức là 2oC.

Về việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải, các nước đang phát triển khẳng định các nước giàu phải gánh vác phần lớn trách nhiệm bởi họ phát thải hầu hết khí nhà kính kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Mỹ và các nước giàu lại cho rằng, các nền kinh tế mới nổi cũng phải gánh trách nhiệm bởi các quốc gia này cũng phát thải nhiều khí nhà kính.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thống Pháp Francois Hollande vui mừng với kết quả đạt được của COP21. Ảnh: Reuters.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thống Pháp Francois Hollande vui mừng với kết quả đạt được của COP21. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là 2 quốc gia có thể xem dẫn đầu 2 khối phát triển và đang phát triển là Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra cam kết khá mạnh mẽ ở hội nghị này. Cụ thể, Trung Quốc cam kết cắt giảm từ 60 - 65% phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP trước năm 2030, trong khi Mỹ hứa hẹn sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống 26 - 28% tính tới năm 2030 so với mức phát thải năm 2005. Đây có thể xem là một “cú hích” cho các nước ở cả 2 phe đưa ra cam kết cuối cùng của mình.

Về tài chính, các nước nghèo cho rằng, Trái Đất nóng lên là do các nước có ngành công nghiệp phát triển. Vì thế, các nước đó phải hỗ trợ cho các nước nghèo biến đổi khí hậu. Nhưng Mỹ và các nước Tây Âu chống lại quan điểm này. Theo họ, nước đang gây ô nhiễm nhất hiện nay là Trung Quốc, không phải các nước có ngành công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên cuối cùng, các nước giàu cũng nhượng bộ và chấp nhận cam kết đã được đưa ra từ năm 2009 với mức hỗ trợ là 100 tỷ USD/năm. Đáng chú ý là để đảm bảo huy động đủ 100 tỷ USD, các nước phát triển không còn muốn là những nước duy nhất đóng góp tài chính mà phải có thêm các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, các nước sản xuất dầu,…

Cơ hội “cứu” Trái Đất

Nếu Hội nghị COP21 không đạt được thỏa thuận, điều gì sẽ xảy đến với Trái Đất? Đó là viễn cảnh những sa mạc ngày càng mở rộng, nơi hạn hán, nơi lũ lụt, cháy rừng rình rập, các cuộc chiến về nguồn nước sạch, mùa màng thất bát, nhiều hòn đảo và các bờ biển đông dân cư sẽ biến mất dưới làn nước biển. Bởi vậy, cuộc họp ở Paris về biến đổi khí hậu được coi là cơ hội cuối cùng để thay đổi viễn cảnh tồi tệ trên. Và thật may mắn, các nhà đàm phán đã nắm bắt thành công cơ hội này.

COP21 cam kết giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2oC. Ảnh: Reuters.
COP21 cam kết giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2oC. Ảnh: Reuters.

COP21 đã thông qua bản thỏa thuận mới để thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, và điều khiến người ta hy vọng nhiều vào thỏa thuận mới này là tính ràng buộc về pháp lý, đưa tất cả các nước vào cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. So với bản dự thảo ban đầu dày 54 trang, thỏa thuận cuối cùng tại COP21 chỉ còn lại 31 trang với nhiều điều khoản đã được lược bớt. Tổng thống Mỹ Barack Obama - đại diện cho quốc gia phát thải khí nhà kính thuộc hàng cao nhất thế giới cũng thừa nhận rằng “không thỏa thuận nào hoàn hảo, bao gồm cả thỏa thuận khí hậu lần này”.

Dù vậy, việc đạt được thỏa thuận này vẫn xem là “chiến thắng cho toàn bộ hành tinh và cho các thế hệ tương lai” - như lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon thì không ngần ngại dùng những lời “có cánh” để ca ngợi bản thỏa thuận này: "Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu rằng, chúng ta đã chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau". Thế hệ mai sau rồi đây sẽ nhìn lại ngày 12/12/2015 như mốc son cho ra đời một hiệp ước lịch sử từ quyết tâm “cứu” Trái Đất của thế hệ hôm nay.

Thúy Ngọc

Mới nhất

x
COP21: Trái ngọt sau nhiều chông gai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO