Cột mốc lung lay

25/01/2015 10:25

(Baonghean) - Để xã hội luôn phát triển một cách hài hoà, con người luôn tự mặc định ra những giá trị, quy chuẩn, coi đó là cái “ngưỡng”, là “cột mốc”. Nếu ai đó cố tình vượt qua có nghĩa là đã làm tổn thương đến những giá trị bất biến đó. Bài viết “Không được vượt ngưỡng” của tác giả Bụt Sơn trên số báo ngày 15/1 chính là một lời cảnh báo trước tình trạng “cột mốc” văn hoá đang bị lung lay.

TIN LIÊN QUAN

Như tác giả đã viết “Nói một cách biện chứng và cũng để bảo đảm an toàn cho phát ngôn thì sự suy thoái văn hóa ở ta đã có những biểu hiện chạm ngưỡng và một số biểu hiện vượt ngưỡng”. Vấn đề vượt qua bức tường “ngưỡng văn hóa” vẫn là một câu hỏi luôn được đặt ra. Việc tồn tại một lối sống “tiểu nông” do ảnh hưởng từ việc xuất phát là một nước nông nghiệp lúa nước đã khiến cho một bộ phận không nhỏ mang tư tưởng tự do tùy tiện. Một bộ phận người dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên đang ngập mình, đắm chìm trong các loại văn hóa phẩm thứ cấp mà quên mất đi những chi tiết giáo dục ý nghĩa.

Vấn đề được đặt ra ở đây là “các gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, đầy rẫy cảnh dung tục...Với cách làm như thế này , sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và sẽ đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường”.

Cụm từ suy văn hóa dần xuất hiện và trở thành một cảnh báo có cơ sở đối với việc duy trì trật tự xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với những day dứt, xót đau của giới nghiên cứu văn hóa, lại là một thái độ điềm tĩnh đến bất bình thường trong hành động ở cả công quyền lẫn cộng đồng. Những thói hư tật xấu của người Việt có lẽ chẳng cần phải chứng minh hay phô bày lại. Bởi hơn ai hết, trong suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc. Mỗi con người trong cộng đồng này đều ý thức được điều đó. Nhưng ý thức là một chuyện, còn thay đổi sao cho tốt đẹp hơn lại là một câu chuyện khác. Nên dù nói cứ nói, hô hào cứ hô hào thì làm vẫn làm, thờ ơ vẫn thờ ơ. Nó là minh chứng rõ rệt nhất cho việc khẳng định: Nhân cách, văn hóa người Việt đang trên đà suy thoái. Trong đó, các kênh truyền thông thời kinh tế thị trường đóng một vai trò không hề nhỏ.

Đó là chuyện của chạm ngưỡng trong việc suy đồi về văn hoá. Tuy nhiên, đáng báo động đỏ hơn là việc vượt ngưỡng văn hoá. Ví dụ cho việc này, tác giả nêu câu chuyện Công ty vàng Cửu Long Jewelry tặng nhẫn cưới bằng vàng giả cho người khiếm thị. Quả thực đây là một chuyện đau lòng, hết sức đau lòng. “Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí”. Ê-dốp – nhà văn nổi tiếng của Hy Lạp, “người nô lệ kể chuyện” nổi tiếng là tác giả của câu danh ngôn này. Ngược lại, sự lừa dối khoác áo từ bi lại nhân lên nhiều lần cái xấu, sự bỉ ổi. Rất căm phẫn, tác giả đã phải thốt lên “Còn có gì tồi tệ, xấu xa, bỉ ổi nào bằng thế nữa?”. Đây chính là điểm rơi của việc “vượt ngưỡng văn hoá”, bởi sự xấu xa đã gần như không có điểm dừng. Mà điều đáng lo ngại là, nếu như đã có tiền lệ, thì việc kéo theo những chuyện xấu tương tự không có lý gì để không tiếp tục. Nếu như ngăn lại trước khi quá muộn.

Việc vượt qua bức tường “ngưỡng văn hóa” ở đây không phải đặt vào thế phải lựa chọn cái nào văn minh, loại bỏ cái nào mang tính truyền thống. Vấn đề ở đây chính là sự trưởng thành về ý thức của cả một cộng đồng để lựa chọn cách thức tổ chức cuộc sống của mình cho phù hợp với những đổi thay của thời đại. Khi đó, bất cứ một vấn đề nào cũng sẽ được đánh giá một cách đúng đắn và công bằng nhất. Và dĩ nhiên xã hội cũng sẽ nhờ đó mà phát triển đi lên cách tích cực nhất.

Những biểu hiện nêu trên, đã báo trước về một hiểm họa. Bởi vậy, tác giả đã thẳng thắn “…Nên nhìn thẳng vào thực tế và thừa nhận là sự suy thoái văn hóa ở ta đã có biểu hiện chạm ngưỡng và vượt ngưỡng. Đó là hiểm họa của dân tộc”.

Người xây dựng

Mới nhất
x
Cột mốc lung lay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO