Cục Mỹ thuật giới thiệu các mẫu biểu tượng, linh vật thuần Việt

20/08/2014 18:10

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Thanh tra văn hóa.

Tượng linh vật của Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)
Tượng linh vật của Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)

TIN LIÊN QUAN

Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng. Theo đó, con sấu, sư tử đá, con nghê là các linh vật phổ biến trong văn hoá truyền thống Việt Nam.

Việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật này nhằm hạn chế việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã thu thập tư liệu ảnh từ các nguồn khác nhau; bước đầu tập hợp thành một bộ mẫu tượng tượng linh vật của Việt Nam hiện đang sử dụng tại các tỉnh/thành trong cả nước.

Những hình ảnh tư liệu linh vật được nhiều nhà nghiên cứu, người quan tâm chia sẻ thông tin gửi về cục. Trong thời gian tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ cập nhật và đăng tải trên website của cục (tại địa chỉ: ape.gov.vn) để mọi người có thể truy cập và tham khảo nguồn tư liệu này.

Trước đó, ngày 8/8, Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Công văn này được đưa ra khi nhiều địa phương tiến hành trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá) không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, cơ quan gây phản cảm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, ở Trung Quốc, sư tử đá là linh vật để canh mộ có hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa.

"Khi du nhập theo kiểu 'sao y bản chính' vào Việt Nam, những con sư tử đá này ngang nhiên 'chễm chệ' ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân với ý nghĩa giúp phát tài phát lộc. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do sự thiếu hiểu biết của những người sử dụng,” ông Tín nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, ở Việt Nam, sư tử đá là những con sư tử dạng cách điệu. Chúng được chạm hết sức công phu, trau chuốt với những đường nét mềm mại, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân; biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi, bao dung.

Có cùng quan điểm trên, tiến sỹ Đinh Hồng Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) bày tỏ, sự thiếu hiểu biết của người Việt Nam đã khiến cho biểu tượng con Nghê (một linh vật tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa Việt hàng nghìn năm qua) đang bị “thất thế” trước một biểu tượng ngoại nhập, lai căng - sư tử đá được tạo hình theo kiểu sư tử đá Trung Quốc.

“Hình tượng con Nghê hiện hữu trên các kiến trúc cung đình thời Lý-Trần, đình chùa thời Lê và trên ban thờ của nhiều gia đình Việt Nam... Đó là một hiện vật ‘sống’ trong đời sống tinh thần của người Việt,” tiến sỹ Hải cho biết.

Một số hình ảnh tượng linh vật của Việt Nam hiện đang được sử dụng tại các địa phương (Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm):

Theo Vietnam+

Mới nhất
x
Cục Mỹ thuật giới thiệu các mẫu biểu tượng, linh vật thuần Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO