Cùng bị trừng phạt, Nga "bắt tay" Iran
(Baonghean.vn) - Giữa lúc bị Mỹ và các nước phương Tây gia tăng sức ép cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga quay sang “bắt tay” với những quốc gia đang là đối thủ, thậm chí đối địch với Mỹ như Trung Quốc, Triều Tiên và giờ là quốc gia Hồi giáo Iran. Liên tiếp trong thời gian gần đây, Nga và Iran đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Điều này mang lại lợi ích cho cả hai nước, đặc biệt với Nga và tất nhiên cũng khiến phương Tây không khỏi lo ngại.
Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin và Phó Tổng thống Al Gore (Ảnh Internet) |
“Làn gió ấm” giữa Nga và Iran
Trong một động thái góp phần thắt chặt mối quan hệ kinh tế Iran và Nga, hai bên đang có kế hoạch xem xét thành lập một ngân hàng chung hoặc một tài khoản chung để giúp hai bên giao dịch trực tiếp bằng đồng nội tệ rial của Iran và đồng rupble của Nga mà không cần đến các loại tiền tệ của phương Tây. Lợi ích của kế hoạch này là giúp nhà đầu tư hai bên an tâm hợp tác bất chấp các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây. Trước đó, phía Nga cũng linh hoạt giảm áp lực hàng hóa tồn đọng do Mỹ, châu Âu cấm vận bằng cách xây dựng thỏa thuận “đổi dầu lấy hàng” với Iran.
Không chỉ “bắt tay” nhau trong chuyện làm ăn, cả Nga và Iran đều hướng đến sự hợp tác quốc phòng và quân sự chặt chẽ hơn. Bằng chứng là, hai bên vừa ký thỏa thuận hợp tác hồi tuần trước nhân chuyến thăm Iran của Bộ trưởng quốc phòng Nga. Đây được xem là một sự kiện “đáng chú ý” và là bước tiến quan trọng trong mối quan hệ đối tác giữa lực lượng vũ trang hai nước. Đặc biệt, 2 bên đã xem xét lại vấn đề chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga cho Iran. Hợp đồng bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran trị giá 800 triệu USD đã bị huỷ vào năm 2010, sau khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev quyết định phối hợp với Mỹ trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Để đáp trả, Tehran cũng đã kiện Nga ra toà án Geneva và đòi bồi thường 4 tỉ USD. S-300, còn được gọi là SA-20, được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới. Nếu thương vụ mua bán S-300 suôn sẻ, quan hệ Nga – Iran sẽ không còn rào cản lớn nào.
Việc Nga tăng cường hợp tác với nước cộng hoà Hồi giáo Iran thực ra không có gì lạ. Nga và Iran vốn có một mối quan hệ khá tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân và quân sự. Nga cùng cộng đồng quốc tế phản đối việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng Moscow vẫn giúp đỡ Tehran trong việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho mục đích dân sự như cung cấp điện năng hay nghiên cứu khoa học. Iran cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn của Nga. Hai nước còn có lập trường chung trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Đông Âu, cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề chống khủng bố ở Trung Đông. Thế nên, sự thân thiết trong mối quan hệ Nga – Iran cũng không quá khó hiểu. Nhưng, chất “xúc tác” khiến Moscow và Tehran ngày càng gần gũi lại chính từ các nước phương Tây. Cả hai nước hiện tại đều đang phải đối mặt với những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây, với Nga là do cuộc khủng hoảng Ukraine, còn với Iran là do chương trình hạt nhân đang gây nhiều tranh cãi. Trong bối cảnh như vậy, cả Nga và Iran đang hướng tới việc mở rộng sự hợp tác với phần còn lại của thế giới và tất nhiên cả hai đều nhận thấy những lợi ích từ đối phương khi cùng “kề vai sát cánh”.
Phương Tây dè chừng
Dĩ nhiên, mối quan hệ Nga , Iran được thắt chặt hơn nữa chắc chắn sẽ khiến phương Tây không khỏi lo ngại. Iran từng là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí còn đóng vai trò là người bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, nhưng cuộc “Cách mạng Hồi giáo” năm 1979 đã phá vỡ tất cả. Chỉ sau một đêm Tehran đã trở thành kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của Mỹ ở Trung Đông. Hơn 30 năm nay, mối quan hệ đối địch này vẫn dai dẳng và trở thành căn nguyên của những vấn đề phát sinh giữa hai bên. Cho đến nay, vấn đề nổi cộm nhất là về hồ sơ hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức còn gọi là P5+1 vẫn luôn bế tắc.
Hơn 1 năm trở lại đây, trong khi Mỹ không ngừng gia tăng áp lực toàn diện đối với Iran thì Nga luôn dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an nhằm ngăn chặn các Nghị quyết gây bất lợi cho quốc gia này, đồng thời mở rộng các chương trình hợp tác quân sự với Iran. Các nước phương Tây thừa hiểu rằng, thiếu Nga, họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gây sức ép với Iran để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Thêm vào đó, việc Nga – Iran “bắt tay” nhau hợp tác quân sự với các thỏa thuận kiểu như mua bán S-300 cũng là điều phương Tây không hề mong muốn. Một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân như S-300 nếu được đặt tại Iran sẽ là điều cả Mỹ và các đồng minh của Wasinhton lo sợ. Mỹ cho rằng nó sẽ là mối đe dọa trong việc đảm bảo các lợi ích an ninh của Mỹ ở Trung Đông.
Nói tóm lại, cũng giống như việc Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc, xích lại gần hơn với Triều Tiên, những động thái trong mối quan hệ Nga – Iran sẽ là điều Mỹ và phương Tây theo dõi sát sao bởi ít nhiều những cặp quan hệ này luôn ẩn chứa những toan tính, kiểu “một mũi tên trúng nhiều đích”. Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo về việc nếu phương Tây tìm cách cô lập Nga, đẩy Nga ra xa thì đương nhiên Moscow sẽ phải tìm cách phản kháng lại. Cách được cho là hiệu quả là Nga sẽ kết hợp với những nước đối thủ, thậm chí là đối địch của phương Tây vừa để mở rộng mối quan hệ quốc tế, vừa tìm cách mặc cả và tạo sức ép ngược lại với phương Tây.
Thanh Huyền