Củng cố hệ thống chính trị vùng tái định cư: Hiệu quả đang... bỏ ngỏ?

30/01/2015 07:18

(Baonghean) - Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ và lồng ghép các nguồn kinh phí, dự án của tỉnh, người dân tái định cư  ở những vùng đất mới đã dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ở một số nơi vì chưa thành lập được xóm mới, chưa có bộ máy quản lý trực tiếp, nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn…

(Baonghean) - Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ và lồng ghép các nguồn kinh phí, dự án của tỉnh, người dân tái định cư ở những vùng đất mới đã dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ở một số nơi vì chưa thành lập được xóm mới, chưa có bộ máy quản lý trực tiếp, nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn…

Đã được lên bờ tái định cư ổn định từ năm 2007 - 2008 theo dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh, nhưng đến nay xóm làng chài Tả Lam ở Nam Lộc (Nam Đàn) gồm 54 hộ dân vẫn “bơ vơ” vì chưa được thành lập xóm mới. Đồng nghĩa với việc đến nay hệ thống chính trị của xóm vẫn là con số không: không chi bộ, không ban cán sự xóm, không chi hội, đoàn thể. Mọi chủ trương, chính sách từ trên xuống và tình hình của xóm được xâu nối thông qua ông Nguyễn Văn Ninh - năm nay xấp xỉ 60 tuổi, một người uy tín trong xóm do chính quyền xã Nam Lộc “hợp đồng” làm việc như một xóm trưởng và được “tự phát” trả lương mỗi tháng từ 500 - 600 nghìn đồng. Đồng thời, phân công một đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy xã phụ trách chỉ đạo điểm để hỗ trợ. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Phạm Quốc Tuấn - Phó bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc cho biết: Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên trên xin thành lập xóm mới, nhưng cái khó là vướng Thông tư 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ quy định điều kiện thành lập xóm mới vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 100 hộ gia đình trở lên, mà số hộ dân ở làng chài (thuộc diện tái định cư 50 hộ, cộng với khoảng 20 hộ phát sinh thêm do tách hộ) chưa đủ điều kiện để thành lập xóm. Mặt khác, địa điểm tái định cư của các hộ dân làng chài này nằm giữa xóm 4 và xóm 5, muốn cắt một phần của các xóm này ghép vào cho đủ một xóm, nhưng người dân sở tại không đồng ý. Tiếng là lên bờ nhưng người dân vạn chài không có đất sản xuất và cũng không quen làm nông nghiệp nên nghề nghiệp chính vẫn bám sông nước, họ thường đi từ sáng sớm đến tối mới về, có khi ở lại trên thuyền mấy ngày mới về nhà, còn người dân các xóm khác lại chủ yếu bám ruộng vườn làm nông nghiệp. Sự khác biệt về tập quán, trình độ sản xuất, lối sống giữa dân nông nghiệp và dân vạn chài khiến cả hai bên đều không muốn sáp nhập.

Đường vào xóm làng chài xã Đặng Sơn (Đô Lương).
Đường vào xóm làng chài xã Đặng Sơn (Đô Lương).

Việc chưa thành lập được xóm, chưa có thể chế chính trị khiến công tác quản lý hành chính của chính quyền xã gặp không ít khó khăn, việc triển khai các chủ trương, chính sách và công tác vận động quần chúng thiếu đồng bộ. Chẳng nói đâu xa, ngay như bình xét hộ nghèo cũng phải có người của xã xuống khảo sát từng nhà vì tâm lý ai cũng muốn được vào hộ nghèo. Nói như lãnh đạo xã Nam Lộc, thì “song song với việc đảm bảo quyền lợi, người dân còn phải hoàn thành các nghĩa vụ như các nội dung đóng góp xây dựng nông thôn mới, các loại quỹ phúc lợi… nhưng vì chưa có đầu mối là chi bộ, ban cán sự xóm và các chi hội, đoàn thể đốc thúc nên việc hoàn thành các chỉ tiêu này là rất khó”. Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân và tạo thuận lợi giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, UBND xã Nam Lộc đã lập tờ trình đề nghị huyện Nam Đàn xem xét yếu tố đặc thù và trình các cấp thẩm quyền ra quyết định thành lập địa bàn hành chính xóm 11, xã Nam Lộc. Còn hiện tại ở đây vẫn được gọi là khu tái định cư làng chài.

Phóng viên trao đổi với hộ nghèo tại xóm chài vùng di dân theo dự án sạt lở bờ sông  tại xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).
Phóng viên trao đổi với hộ nghèo tại xóm chài vùng di dân theo dự án sạt lở bờ sông tại xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).

Cũng giống như khu tái định cư làng chài Nam Lộc (Nam Đàn), khu tái định cư làng chài Đặng Sơn (Đô Lương) gồm dân cư của 2 xóm 6 (39 hộ) và xóm 7 (29 hộ). Tuy đã tái định cư ở vùng đất mới thuộc xóm 4, xóm 5 từ năm 2012 - 2013, nhưng hiện tại dân cư ở đây ai thuộc xóm nào thì vẫn do xóm đó quản lý. Có nghĩa là 69 hộ ở một cụm mới nhưng vẫn sinh hoạt tại nơi ở cũ của mình vì chưa đủ điều kiện để thành lập xóm mới. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân và khiến cán bộ các xóm cũ cũng phải làm việc khá vất vả. Bởi họ phải tự phân chia xóm trưởng là người của xóm cũ, còn xóm phó là người ở nơi tái định cư để tiện cho công tác quản lý, nắm bắt tình hình. Mỗi lần triển khai họp xóm để phổ biến chủ trương, chính sách hay lấy ý kiến người dân, cán bộ xóm phải dự hai cuộc, một cuộc ở xóm cũ và một cuộc tại khu tái định cư nơi cách đó khoảng 3 - 4 cây số. Ngay đến việc tổ chức Tết Trung thu cho các cháu các xóm 6, 7 cũng phải tổ chức ở hai nơi. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Tiến Lan - Xóm trưởng xóm 7 cho hay “Xóm tôi có 129 hộ thì có 29 hộ thuộc diện tái định cư đến nơi ở mới, cứ phải chạy đi chạy lại hai nơi vất vả lắm, nhất là mỗi khi có chủ trương, chính sách gì mới liên quan đến quyền lợi của dân, hay việc tang gia hậu sự...”. Còn ông Ngô Văn Lợi - Xóm phó xóm 6 cũng là một hộ thuộc diện tái định cư cho biết: “Mấy đời lênh đênh trên sông nước, làm bạn với con thuyền, dòng sông những tưởng tấc đất cắm dùi chỉ có trong giấc mơ nay được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho lên bờ, người dân làng chài chúng tôi hạnh phúc và biết ơn vô cùng. Ấy vậy nhưng để tạo thuận lợi cho người an cư lạc nghiệp rất mong cấp ủy, chính quyền xem xét sớm có giải pháp ổn định xóm, củng cố hệ thống chính trị kết nối tình làng, nghĩa xóm; lãnh đạo, chỉ đạo bà con ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo”. Cũng theo ông Long, nếu cứ để tình trạng “người một nơi, sinh hoạt một nẻo” như hiện nay sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể. Bởi thực tế từ nhiều năm nay ở các xóm làng chài không kết nạp được đảng viên nào, chỉ có 1 chi bộ 5 đảng viên đều tăng cường cán bộ từ xã về...

Không chỉ chính quyền các địa phương có các khu tái định cư làng chài phải đau đầu về việc quản lý nhân khẩu, quản lý hành chính tại nơi ở cũ, nơi ở mới mà các khu tái định cư khác cũng vậy. Trong đó vấn đề trăn trở nhất vẫn là trình độ, năng lực của cán bộ. Ông Lương Quang Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) thẳng thắn cho biết: Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị còn bất cập về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác dân vận, chưa được đào tạo qua trường lớp nên chủ yếu “làm mò” theo kinh nghiệm là chính chứ chưa bài bản, năng lực thực tiễn còn hạn chế (hiện tại toàn xã chỉ có 6 công chức UBND tốt nghiệp đại học, 12 người hiện đang theo học đại học)... Mà “làm mò” thì sao có thể “trúng việc”?...

Tại xã Thanh Sơn (Thanh Chương) năng lực, trình độ của cán bộ không đều, cộng với tính thống nhất, đoàn kết, cộng sự chưa cao; một số đồng chí trong Ban Chấp hành chưa thật sự gương mẫu trong chấp hành nội quy, quy chế cán bộ là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền còn nhiều hạn chế: công tác chia, giao đất, giải tỏa lấn chiếm đất đai trên địa bàn thấp, việc giải quyết chế độ, chính sách thiếu kịp thời để xảy ra nhiều sai sót… Đó là chưa kể, thời gian qua ở xã này có những vụ việc lùm xùm liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; giải quyết nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT và giải quyết hồ sơ thủ tục từ huyện Tương Dương về huyện Thanh Chương cho 8 công chức xã của một số cán bộ chủ chốt gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, điều hành của chính quyền địa phương. Hệ quả là 1 đồng chí phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND và 1 đồng chí phó chủ tịch HĐND xã bị Huyện ủy Thanh Chương ra quyết định xử lý kỷ luật đảng, cách chức, miễn nhiệm chức vụ. Cũng trong năm 2014, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng bằng THPT giả, Đảng ủy xã Thanh Sơn đã thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với 1 đảng viên…

Đối với cấp thôn bản, khoan hãy nói đến chất lượng sinh hoạt chi bộ được thể hiện qua sổ biên bản ghi chép sơ sài, nghèo nàn về nội dung mà ngay cả việc duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ cũng có những băn khoăn. Tại chi bộ bản Hạnh Tiến (Thanh Sơn) được đánh giá là một trong những chi bộ mạnh, bởi trong 10 đảng viên có một số người đang giữ vị trí chủ chốt tại xã. Ấy thế nhưng khi chúng tôi hỏi lý do tại sao không duy trì đều đặn sinh hoạt chi bộ theo định kỳ hàng tháng mà tháng họp, tháng ko? Đồng chí Lê Thị Hà - Bí thư Chi bộ bản Hạnh Tiến cho hay: Bởi trong chi bộ có tới 6 đồng chí là cán bộ xã nên nếu các đồng chí này bận thì chi bộ không tiến hành họp được. Điều này thể hiện khá rõ trong sổ ghi biên bản của chi bộ này trong năm 2014. Còn tại bản Hòa Sơn khi được hỏi tại sao trong sổ ghi chép riêng của bí thư chi bộ lẫn sổ biên bản sinh hoạt chi bộ đều không thấy ghi nội dung họp mấy tháng đầu năm 2014 thì đồng chí bí thư chi bộ Hùng Sỹ Dũng thanh minh: “Mới thay sổ mới còn sổ cũ cấp ủy xã thu hết rồi??? Hỏi: “Cấp ủy xã có thu thì chỉ thu sổ biên bản sinh hoạt chi bộ để kiểm tra thôi còn sổ ghi chép riêng của bí thư thì thu làm gì?” Trả lời: “Không biết, cứ thu là thu thôi” và mặc dù bây giờ đã sang tháng 1 nhưng bí thư chi bộ bản vẫn rất thật thà “tháng 12 thì chi bộ ta chưa kịp họp???.

Tại 9 điểm tái định Thủy điện Hủa Na (thuộc 3 xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong), dù được củng cố, kiện toàn và đang dần thích ứng, hòa nhập, tuy nhiên, hệ thống chính trị cơ sở vùng tái định cư vẫn còn non yếu. Qua tìm hiểu thấy rằng, trong sinh hoạt chi bộ ở thôn bản hầu như chỉ mới dừng lại ở việc triển khai các chủ trương, chính sách từ trên xuống chứ chi bộ chưa tự đề ra và thực hiện được những nghị quyết, những nội dung liên quan đến những vấn đề diễn ra ngay tại địa bàn. Nói một cách khác, chi bộ vẫn chưa thể hiện được rõ nét vai trò “hạt nhân” lãnh đạo ở cơ sở. Ông Lang Văn Hùng - Bí thư Chi bộ bản Na Câng (xã Đồng Văn) cho hay: Bản chúng tôi có 33 hộ, đến nơi ở mới được 3 năm, nhưng đất sản xuất vẫn chưa được chia, chủ yếu sống bằng gạo hỗ trợ, nhiều hộ tranh thủ tận dụng hốc chọ làm sắn, xuống khe bắt cá, vào rừng tìm cái ăn… nên chi bộ tập trung an dân, ổn định tư tưởng cho dân cũng đủ mệt rồi. Trước đây, chi bộ có 4 đảng viên, nhưng sau một thời gian có 3 đồng chí, trong đó có bí thư chi bộ chuyển về xã cũ nên đảng ủy xã phải tăng cường 2 đảng viên về sinh hoạt... Một số bí thư chi bộ, trưởng bản khi được hỏi về vai trò trong công tác tư tưởng, vận động nhân dân chỉ cười trừ.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho hay: Đối với đặc thù cán bộ ở vùng tái định cư, chúng tôi không đặt nặng vấn đề bằng cấp, mà chú trọng đào tạo bồi dưỡng năng lực thực tiễn, tính chủ động sáng tạo trong cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các cấp ngay ở địa phương. Ngoài chủ trương thu hút lực lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên địa bàn, huyện cũng tạo mọi điều kiện và tăng cường các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhất là cán bộ xã. Hơn 1 năm qua, Thanh Chương đã thành lập 12 tổ công tác cấp huyện do các đồng chí thường vụ, chấp hành Huyện ủy làm tổ trưởng định kỳ 1 đến 3 tháng/lần xuống sinh hoạt chi bộ tại các thôn bản vùng tái định cư, vừa nắm tình hình, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, vừa “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ thôn bản...

Từ thực tế trên, thấy rằng các cấp, các ngành cần tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng để có giải pháp tích cực và kịp thời hơn, đảm bảo hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị vùng tái định cư. Điều này không chỉ nằm ở việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy từ xã đến thôn bản, mà đó còn là yêu cầu đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chính quyền và nhân dân; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể. Từ đó tạo niềm tin trong nhân dân, để người dân thấy rằng nơi ở mới thật sự tốt hơn nơi ở cũ và yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

TIN LIÊN QUAN

Bài, ảnh: Khánh Ly - Thanh Nga

Củng cố hệ thống chính trị vùng tái định cư: Hiệu quả đang... bỏ ngỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO