Cùng nhìn về một hướng…

Là muốn nói về kết quả đạt được giữa huyện Tương Dương với 5 nhà máy thủy điện trên địa bàn sau buổi làm việc ngày 14/6 vừa qua.

Nội dung của buổi làm việc này từng đã được báo chí đưa tin, nhưng qua Thông báo số 115/TB-UBND ngày 16/6/2022 của UBND huyện Tương Dương thì có thêm điểm mới đáng mừng. Điểm mới này là 5 nhà máy thủy điện đã thống nhất cụ thể số tiền sẽ đóng góp hàng năm để huyện Tương Dương thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhân dân vùng lòng hồ các nhà máy thủy điện.

Thông báo số 115/TB-UBND nêu rõ: “Hàng năm, Ủy ban MTTQ huyện chủ trì, phối hợp UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác an sinh xã hội (thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung lĩnh vực cần hỗ trợ, số lượng kinh phí của từng nhà máy thủy điện; tổ chức thực hiện). Trên cơ sở Kế hoạch của huyện, chủ đầu tư các nhà máy có trách nhiệm phê duyệt các nội dung thực hiện vào cuối năm: số lượng kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội hàng năm bằng số kinh phí đã thực hiện của năm 2021. Đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là 400 triệu đồng, Nhà máy Thủy điện Khe Bố là 135 triệu đồng; Nhà máy Thủy điện Xoóng Con và Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, Bản Ang là 5 triệu đồng/MW. Số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội chuyển về tài khoản của Ủy ban MTTQ huyện ngay từ đầu năm để huyện triển khai thực hiện. Nội dung thực hiện công tác an sinh xã hội là một trong những nội dung được cụ thể hóa trong Quy chế phối hợp giữa UBND huyện với Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện”.

Với cam kết 5 triệu đồng/MW, Nhà máy Thủy điện Xoóng Con có công suất 15MW sẽ đóng góp 75 triệu đồng/năm; Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn có công suất 20MW sẽ đóng góp 100 triệu đồng/năm; Nhà máy Thủy điện Bản Ang có công suất 17MW sẽ đóng góp 85 triệu đồng/năm. Cùng với đóng góp 400 triệu đồng của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (công suất 320MW), 135 triệu đồng của Nhà máy Thủy điện Khe Bố (100MW), tổng kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội cho người dân vùng lòng hồ thủy điện địa bàn huyện Tương Dương hàng năm sẽ là 795 triệu đồng.

Buổi làm việc giữa UBND huyện Tương Dương với 5 đơn vị thủy điện chiều ngày 14/6/2022.
Buổi làm việc giữa UBND huyện Tương Dương với 5 đơn vị thủy điện chiều ngày 14/6/2022.

Liên quan đến các nhà máy thủy điện ở Tương Dương, còn một số nội dung tồn tại, kéo dài nhiều năm cần phải giải quyết triệt để. Nhất là đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố. Cụ thể như: Công tác bàn giao diện tích mặt bằng công trường của Thủy điện Bản Vẽ; các nội dung hỗ trợ khắc phục lũ lụt năm 2018 theo Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4 2019 của Văn phòng Chính phủ về Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018; các tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ và Thông báo số 371/TB-EVN ngày 23/9/2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Thông báo kết luận cuộc họp của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tài Anh tại cuộc họp với UBND tỉnh về hỗ trợ ổn định cuộc sống người dân sau lũ năm 2018 và giải quyết các tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ; Việc thực hiện cắm mốc tăng dày và điều chỉnh đường viền lòng hồ, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu tái định phục vụ công tác giao đất, cấp Giấy CNQSD đất cho nhân dân 7 bản liên quan Thủy điện Khe Bố: Cung cấp hồ sơ địa chính phục vụ lập hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất đối với các hộ ảnh hưởng một phần diện tích do ngập lòng hồ Thủy điện Khe Bố; Phương án nạo vét lòng hồ Thủy điện Khe Bố…

Về đời sống của đại bộ phận của người dân lòng hồ các thủy điện ở Tương Dương, còn vô vàn những khó khăn, vất vả. Hàng năm, nhất là thời điểm mùa mưa lũ, luôn ẩn họa rủi ro về tài sản, thậm chí cả tính mạng. Bởi vậy, thẳng thắn nhìn nhận, số tiền 795 triệu đồng là không lớn. Thậm chí, là chưa tương xứng với những gì người dân Tương Dương đã dành cho các nhà máy thủy điện; chưa tương xứng với khả năng của các nhà máy thủy điện có nguồn thu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng/năm!

Nhưng điều tích cực đáng mừng ở cách làm mới này, là ngay từ đầu năm, huyện Tương Dương có được khoản kinh phí để chủ động thực hiện công tác an sinh xã hội theo kế hoạch được vạch ra; chủ động khi cần phải xử lý, giải quyết các tình huống rủi ro, thiên tai, bão lũ… Trên hết, là đã tạo ra được sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ cùng các tổ chức chính trị xã hội với các đơn vị thủy điện. Cùng nhìn về một hướng trên tinh thần chung tay giúp đỡ nhân dân vùng lòng hồ của các nhà máy thủy điện!