Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo thay đổi thị trường lao động tại Singapore như thế nào?
Singapore, với vị thế là trung tâm công nghệ và đổi mới khu vực, đang đón đầu làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuẩn bị cho những biến đổi sâu sắc trong thị trường lao động.
AI đang bùng nổ trên toàn cầu, mang theo tiềm năng to lớn để thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả cách thức chúng ta làm việc. Cuộc cách mạng AI cũng đang lan rộng khắp Singapore, tác động đến nhiều ngành công nghiệp và cách thức làm việc của mọi người khi quá trình chuyển đổi số và tiến bộ của AI tiếp tục diễn ra.
Theo công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Statista Research (Đức), lĩnh vực AI của Singapore sẽ đạt 1,05 tỷ USD trong năm 2024. Ngành công nghiệp này đang trên đà tăng trưởng hàng năm với tốc độ 28,10%, đạt giá trị thị trường 4,64 tỷ USD vào năm 2030.
Cách thức làm việc tại Singapore sẽ thay đổi đáng kể khi chính phủ chủ động thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho phát triển và áp dụng AI. Cam kết của đất nước này nhằm trở thành quốc gia thông minh hàng đầu được thể hiện rõ qua khả năng thu hút các khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 1,87 tỷ USD vào AI và các ngành liên quan như Internet vạn vật (IoT) và rô-bốt.
Các sáng kiến của chính phủ nhằm đạt được tầm nhìn quốc gia thông minh thông qua chương trình Trí tuệ nhân tạo quốc gia, được khởi động vào năm 2017 nhằm kết nối các viện nghiên cứu và các công ty khởi nghiệp. Ngoài ra, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) còn cung cấp các khoản trợ cấp và chương trình đồng tài trợ cho ngành dịch vụ tài chính nhằm áp dụng AI, thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các công ty khởi nghiệp hàng đầu của Singapore về AI như Carro, Trax Technology Solutions và Advance Technology đã phát triển mạnh mẽ nhờ các chính sách thân thiện với đầu tư, nguồn tài trợ và sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, việc tích hợp AI vào môi trường làm việc sẽ ảnh hưởng đến nhân viên theo cả hướng tích cực và tiêu cực.
Tích hợp công nghệ AI vào môi trường làm việc tại Singapore
Theo báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính Singapore (MOF), lực lượng lao động Singapore được đánh giá cao về trình độ kỹ thuật và kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành và tạo ra các công việc mới trong các ngành công nghiệp mới nổi. Hơn nữa, những đổi mới công nghệ cũng đặt ra thách thức cho giá trị của nguồn nhân lực, buộc người lao động phải cập nhật kỹ năng của mình.
Dưới đây là một số cách thức mà sự phát triển của AI tác động đến lực lượng lao động:
Thực hiện AI tại nơi làm việc: Việc tích hợp các công nghệ AI vào môi trường làm việc của Singapore trên khắp các ngành công nghiệp đang diễn ra. Ví dụ, trong ngành tài chính, AI cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7, phát hiện và ngăn chặn rủi ro và gian lận, đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định. Trong khi đó, AI tự động hóa các hoạt động, giảm thiểu lỗi của con người và cải thiện năng suất lao động. Trong ngành môi trường, AI hỗ trợ các nỗ lực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu về rủi ro bền vững.
Chuyển đổi vai trò công việc: Chính phủ Singapore cung cấp khoản tín dụng SkillsFuture trị giá 500 đô la Singapore cho mỗi người dân để nâng cao kỹ năng công nghệ, và chương trình SkillsFuture Level Up mới sẽ cung cấp khoản tín dụng 4.000 đô la Singapore cho công dân từ 40 tuổi trở lên để cải thiện khả năng tuyển dụng của họ. Trong ngành công nghiệp sáng tạo, AI đang chuyển đổi vai trò công việc bằng cách cung cấp kết quả nhanh chóng trong lĩnh vực thiết kế, vẽ, sáng tác và sáng tạo văn học. Thay vì lo lắng về việc mất việc, các nghệ sĩ có thể trau dồi các kỹ năng để tận dụng AI và sáng tạo nghệ thuật với ít nỗ lực hơn.
Cơ hội việc làm do AI tạo ra: Những tiến bộ trong phát triển AI tạo ra những cơ hội việc làm mới, chẳng hạn như nhà phân tích dữ liệu AI, nhà khoa học nghiên cứu, chuyên gia và kỹ sư. Các doanh nhân có thể tận dụng AI để tạo ra ý tưởng mở rộng quy mô kinh doanh và đảm bảo thành công bền vững.
Như vậy, bên cạnh những tác động đến một số ngành nghề hiện có, AI cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm mới đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và kỹ năng công nghệ tiên tiến.
Những thách thức tiềm ẩn và vấn đề đạo đức
Việc đưa AI vào môi trường làm việc chắc chắn sẽ mang đến những thách thức và vấn đề đạo đức. Điều quan trọng là phải thừa nhận những vấn đề tiềm ẩn này:
Lo ngại về mất việc: Nhân viên có thể lo lắng về việc bị thay thế bởi AI do công nghệ này có khả năng tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.
Vấn đề quyền riêng tư dữ liệu: Thu thập một lượng lớn dữ liệu để phân tích có thể gây ra các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu. Điều cần thiết là phải có các quy định và chính sách rõ ràng để đảm bảo dữ liệu của nhân viên được thu thập, sử dụng và lưu trữ một cách an toàn và hợp pháp.
Tính thiên vị trong AI: AI có thể thể hiện sự thiên vị phụ thuộc vào người lập trình các thuật toán. Điều này có thể dẫn đến những quyết định không công bằng đối với nhân viên, chẳng hạn như trong quá trình tuyển dụng hoặc thăng chức.
Các mối đe dọa an ninh mạng: Các mối đe dọa an ninh mạng như mã độc tống tiền (ransomware), lừa đảo giả mạo (phishing) và tấn công phi kỹ thuật (social engineering) có thể liên quan đến việc tội phạm mạng sử dụng AI để thiết kế các chương trình độc hại của chúng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu của họ và của nhân viên.
Bên cạnh những lợi ích, việc tích hợp AI vào môi trường làm việc cũng đi kèm với những thách thức và rủi ro. Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân cần phải hợp tác để phát triển các khuôn khổ pháp lý và đạo đức để đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Vai trò của chính phủ Singapore
Chính phủ Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và áp dụng AI. Ngân sách 2024 đã đưa ra Chiến lược AI quốc gia 2.0, một kế hoạch toàn diện cung cấp 1 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện nguồn nhân lực công nghệ và phát triển ngành. Nguồn tài trợ này sẽ cho phép các bên liên quan tiếp cận các chip tiên tiến để phục vụ cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ hợp tác với các công ty trong và ngoài nước để thành lập các Trung tâm Xuất sắc (Centres of Excellence), nhằm thúc đẩy lĩnh vực AI và gia tăng giá trị cho nền kinh tế số. Những sáng kiến này cho thấy cam kết của chính phủ Singapore trong việc hỗ trợ phát triển và áp dụng công nghệ AI trong nước.
Tác động lâu dài của AI lên lực lượng lao động và nền kinh tế Singapore
Theo báo cáo “Các ngành nghề đang lên ngôi” của nền tảng mạng xã hội chuyên cung cấp việc làm LinkedIn, những nhân viên được săn đón nhất sẽ là các chuyên gia giúp các công ty thực hiện quá trình số hóa. Là một trung tâm công nghệ toàn cầu, các công việc liên quan đến AI sẽ trở nên phổ biến và biến đổi lực lượng lao động ở Singapore. Sự chuyển dịch sang các công việc dựa trên AI này sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế của Singapore, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.
Việc tận dụng công nghệ này mang lại các giải pháp phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, tự động hóa vận hành, cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, cũng như các tùy chọn hỗ trợ khách hàng 24/7.
Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng AI tiếp tục phát triển, việc đảm bảo tính bền vững đóng vai trò then chốt. AI có tiềm năng to lớn để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thế giới, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nghèo đói và bệnh tật. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phát triển và sử dụng AI một cách bền vững để tránh tạo ra những vấn đề mới.
Để giải quyết các thách thức có thể xảy ra, Chính phủ Singapore đã cung cấp một số chương trình hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp áp dụng các phương pháp xanh và cải thiện hiệu quả năng lượng. Hai chương trình chính là Chương trình tài trợ doanh nghiệp xanh và Quỹ hiệu quả năng lượng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Các sáng kiến về Ngân sách 2024 của Singapore nhằm giải quyết các thách thức môi trường liên quan đến AI, chẳng hạn như ô nhiễm không khí và nhựa, vấn đề xử lý chất thải và tài nguyên đất hạn chế. Bằng cách tập trung vào tính bền vững, chính phủ có thể đảm bảo những lợi ích của AI được cân bằng với các cân nhắc về môi trường, biến Singapore thành một thành phố bền vững và đáng sống hơn.
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với người lao động ở Singapore chính là quá trình chuyển đổi số của quốc gia. Câu hỏi đặt ra là họ có thể thích ứng nhanh như thế nào với các công nghệ mới nổi này và nâng cao kỹ năng để có thể thích ứng với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế trong tương lai./.