"Cuộc chiến" FBI và Apple: Lời cảnh báo cho Thung lũng Silicon

29/03/2016 21:50

(Baonghean) - Cuộc chiến pháp lý giữa Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và đại gia công nghệ Apple liên quan tới việc “bẻ khóa” chiếc điện thoại iPhone của nghi phạm vụ xả súng ở San Bernadino cuối cùng cũng “hạ màn”. Có vẻ như đây chỉ là mở màn cho những cuộc đối đầu trong tương lai quyết liệt hơn giữa giới chức an ninh với các công ty công nghệ.

“Vắng cô” thì việc vẫn xong

Sau nhiều tuần đấu khẩu và có lúc đã phải kéo nhau ra tòa, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã giải quyết xong vấn đề mà không cần phải cầu cạnh sự hợp tác của đại gia công nghệ Apple.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey tại buổi điều trần ở Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ về lời yêu cầu Apple “mở khóa” chiếc iPhone. (nguồn: The Guardian)
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey tại buổi điều trần ở Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ về lời yêu cầu Apple “mở khóa” chiếc iPhone. (nguồn: The Guardian)

Trong văn bản đệ trình lên tòa ngày 28/3 yêu cầu khép lại vụ việc, các công tố viên liên bang nêu rõ Chính phủ Mỹ đã thành công trong việc lấy dữ liệu từ chiếc iPhone của Syed Rizwan Farook, một thủ phạm trong vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng tại bang California. Công tố viên Mỹ Eileen Decker cho biết FBI quyết định chấm dứt vụ kiện sau khi nhận được sự giúp đỡ của một bên thứ 3. Nhưng danh tính chính thức của “bên thứ 3” này vẫn nằm trong vòng bí mật. Báo chí Mỹ thì “loan tin” rằng đó là Cellebrite, một công ty có trụ sở tại Israel.

Đây là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giải mã kỹ thuật số, quốc phòng, và đã làm việc với các cơ quan tình báo, các tổ chức thực thi pháp luật suốt nhiều năm qua. Riêng với Cục Điều tra Liên bang Mỹ, đây không phải là lần hợp tác đầu tiên. Trước đó, Cellebrite đã cung cấp các giải pháp giải mã, là một phần trong hợp đồng mà công ty ký kết từ năm 2013 với FBI.

Căng thẳng giữa đại gia công nghệ Apple và FBI được chú ý bởi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền riêng tư của hàng tỷ khách hàng đang sử dụng sản phẩm công nghệ “trái táo”, nhưng cũng có thể khiến an ninh của nước Mỹ bị đe dọa.

Apple gọi bước đi của FBI là một động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng. Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook nhận xét yêu cầu của Chính phủ Mỹ là “vượt quá giới hạn”, đồng thời cảnh báo những hành động như vậy sẽ tạo ra “một cửa hậu cho các điện thoại iPhone” mà bất cứ ai cũng có thể lợi dụng.

Các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon cũng ủng hộ Apple bởi lo sợ nếu phán quyết được đưa ra có lợi cho FBI, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu với việc kinh doanh và trách nhiệm pháp lý của họ.

Đại gia công nghệ Apple đang trở thành tâm điểm nhắm đến của giới chức an ninh Mỹ trong nỗ lực kiểm soát an ninh và chống khủng bố. (nguồn: Reuters)
Đại gia công nghệ Apple đang trở thành tâm điểm nhắm đến của giới chức an ninh Mỹ trong nỗ lực kiểm soát an ninh và chống khủng bố. (nguồn: Reuters)

Các nhà chức trách Mỹ với quyền hạn và trách nhiệm của mình dĩ nhiên không chịu bỏ cuộc. Giữa tháng 2, bộ Tư pháp Mỹ đã kiến nghị lên tòa án liên bang tại bang California yêu cầu có lệnh buộc Apple hỗ trợ nhà chức trách hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone thu được sau nhiều nỗ lực phá mật mã không thành.

“Nóng” nguy cơ “chiến tranh lạnh”

Ngay sau diễn biến mới nhất này, FBI đã vấp phải nhiều chỉ trích của dư luận vì đã không thành thật khi nhiều lần khẳng định sự vào cuộc của Apple là phương án giải quyết duy nhất. Trong khi rõ ràng FBI đã có giải pháp dự phòng nếu Apple cự tuyệt lời đề nghị hợp tác.

Tờ Wall Street Journal chỉ trích FBI có động cơ khác và nhắm tới không chỉ một chiếc điện thoại iPhone đơn lẻ mà có thể còn cả thông tin được bảo mật của rất nhiều khách hàng sử dụng điện thoại. Vụ bê bối nghe lén điện thoại mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành một cách bí mật trong nhiều thập kỷ càng củng cố nghi ngờ này.

Tờ Los Angeles Times dẫn lời Will Strafach, nhà điều hành công ty phần mềm an ninh Sudo cho rằng phần mềm là lĩnh vực rất rộng lớn, đặc biệt là hệ điều hành. Không ai chắc chắn được sản phẩm của họ an toàn 100%. Strafach nhấn mạnh: “Thế nên lập luận cho rằng cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề là nhờ cậy nhà sản xuất hoàn toàn không đáng tin”.

Nhiều chuyên gia công nghệ và pháp lý thì cáo buộc FBI và các cơ quan an ninh Mỹ muốn “được việc” của mình mà lại không muốn chịu trách nhiệm với những vấn đề đi kèm, khi kéo các công ty công nghệ vào cuộc.

Apple thoát khỏi các thủ tục pháp lý liên quan tới vụ “mở khóa” chiếc điện thoại iPhone của một nghi phạm khủng bố, nhưng rắc rối chắc chắn sẽ trở lại. (nguồn: USAtoday)
Apple thoát khỏi các thủ tục pháp lý liên quan tới vụ “mở khóa” chiếc điện thoại iPhone của một nghi phạm khủng bố, nhưng rắc rối chắc chắn sẽ trở lại. (nguồn: USAtoday)

Ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói từ Thung lũng Silicon kêu gọi một cuộc đối thoại cởi mở hơn để xác định giới hạn mà giới hành pháp Mỹ có thể “làm tới” trong câu chuyện ép buộc các công ty công nghệ phục vụ cho cái gọi là “an ninh quốc gia và cộng đồng”.

“Các thẩm phán cần phải nghe bằng cả hai tai. Không nên tin tưởng tuyệt đối những gì FBI nói mà nên đón nhận với nhiều sự nghi ngờ hơn. Quốc hội cũng nên thận trọng hơn trong các trường hợp phải xem xét đưa ra dự luật buộc Apple mở cửa hậu”, Gregory T.Nojeim - luật sư cao cấp tại Trung tâm Dân chủ và Công nghệ bình luận.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
"Cuộc chiến" FBI và Apple: Lời cảnh báo cho Thung lũng Silicon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO