'Cuộc đời có lúc như bàn cờ không lối ra'

18/03/2016 06:31

Kỳ thủ 26 tuổi là con người nhiều tâm trạng, suy nghĩ sâu sắc ẩn chứa trong nét mặt thư sinh…

PV: Giai đoạn năm 2006-2009, thần đồng Trường Sơn gần như mất hút trong làng cờ bởi phong độ không ổn định và trên đà đi xuống. Nhiều ý kiến cho rằng nếu có một bệ đỡ gia đình vững vàng, anh không mất 3-4 năm loay hoay như vậy. Anh nghĩ sao về điều này?

- Năm 2006-2009 thực sự là giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi. Nguyên nhân có nhiều chứ không phải chỉ đến từ yếu tố bố mẹ chia tay, gia đình tan vỡ. Trở về từ Hungary, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường cờ vua Việt Nam khi đó. Tôi thiếu người hướng dẫn trực tiếp. Sách vở, tư liệu để bồi dưỡng kiến thức lý thuyết cờ không có. Dưới 15 tuổi, một kỳ thủ có thể thắng nhờ năng khiếu. Nhưng trên 15 tuổi, muốn vươn lên anh ta phải dựa vào sự nghiên cứu chăm chỉ.

Ngoài ra, ở độ tuổi 16-18, tôi bị chi phối bởi khá nhiều thú vui khác như game và truyện tranh khiến không tập trung hết được cho cờ vua. Thêm chuyện gia đình không êm ả khiến tôi càng mất phương hướng, không còn mục tiêu phấn đấu, chán nản vô cùng. Tôi cứ bước đi nhưng như lạc giữa một cánh rừng tối, một bàn cờ chưa thấy lối ra. Rất nhiều cảm xúc đan xen khi nghĩ về công việc, gia đình. Nếu bây giờ có thể quay lại giai đoạn 2006-2009, chắc chắn tôi sẽ có nhiều thay đổi để không cho mọi chuyện diễn ra như vậy.

truong-son-cuoc-doi-co-luc-nhu-ban-co-khong-loi-ra

Trường Sơn thi đấu tại giải cờ vua HD Bank Cup 2016 tại TP HCM. Ảnh: NH.

PV: Khi đó nhiều người nói anh thay đổi tâm tính, luôn ở trạng thái 'xù lông nhím'. Anh nghĩ sao?

- Tính tôi vốn sống thiên về nội tâm nên ít giãi bày cùng ai khiến nhiều người không hiểu. Tôi không thích và không muốn nói chuyện gia đình trên mặt báo bởi đó là chuyện của bố mẹ tôi và tôi chỉ muốn nói về chuyên môn. Vì vậy, tôi không muốn trả lời và thu mình lại.

Tương tự như vậy khi tôi quen Thảo Nguyên, truyền thông lại hướng đến tình yêu. Tôi luôn chỉ là người bình thường chứ không phải là minh tinh màn bạc.

PV: Cảm xúc của anh ra sao trong giai đoạn mất phương hướng?

- Tôi không phải mẫu người bi lụy khóc bên ly rượu hay điếu thuốc. Tôi không biết và không thích bia rượu, thậm chí rất ghét rượu. Khi còn nhỏ, tôi chỉ khóc vì nhớ nhà mỗi khi đi thi đấu xa. Còn những chuyện của người lớn, tôi chỉ suy nghĩ, chỉ buồn. Nhất là khi đi thi đấu, nhìn các kỳ thủ khác có sự hậu thuẫn, chăm sóc từ gia đình tôi càng nghĩ đến bản thân…

PV: Anh nghĩ sao về việc buông xuôi, từ giã cờ vua lúc đó?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ chia tay cờ vua để chuyển sang một công việc khác. Tôi chỉ loay hoay thích nghi, không có phương hướng, buồn chuyện gia đình chứ không có ý định chia tay những quân cờ. 3-4 tuổi tôi đã chơi cờ và tham dự các giải đấu cấp quốc gia, 9 tuổi có thành tích quốc tế. Bàn cờ như cuộc sống, các giải đấu như bầu không khí, là niềm vui của tôi nên tôi không thể bỏ được. Có lẽ đấy là động lực để tôi trở lại giai đoạn sau.

PV: Đồng nghiệp Thảo Nguyên là vợ của anh hiện nay có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn khó khăn?

- Thảo Nguyên là người giúp tôi rất nhiều. Tôi có một người đồng hành, chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ, cùng nhau tập luyện nên trạng thái tinh thần cũng thoải mái hơn, xác định phương hướng rõ hơn. Nhưng có một yếu tố khác cũng mang tính quyết định là nỗ lực từ nội tâm muốn thay đổi khi mọi chuyện đã đến giới hạn.

Trường Sơn cùng vợ
Trường Sơn cùng người vợ hơn 4 tuổi cũng là kỳ thủ cờ vua.

Tôi có những buổi tự “ngồi lại” với chính bản thân mình để đấu tranh quyết liệt nhằm xác định con đường, cách thức phải đi, mục tiêu phải đạt. Tôi đối diện thẳng với các vấn đề gia đình và xem như đó là số phận mà mình không thể thay đổi được, buộc phải đi qua. Tôi cứ nghĩ vậy, nhẹ nhàng đi qua quá khứ. Tôi không muốn thời gian cứ lờ nhờ trôi qua như hiện tại mà phải thay đổi để trở lại. Cùng với sự phát triển của công nghệ hỗ trợ tập luyện, việc đặt mua tài liệu cờ vua từ nước ngoài dễ dàng hơn và người bạn gái Thảo Nguyên giúp tôi từ từ lấy lại nhịp độ.

PV: Anh là thần đồng cờ vua, kỳ thủ trẻ hàng đầu lịch sử được phong đại kiện tướng, huy chương mấy trăm chiếc, tên tuổi vang danh một phương. Có lúc nào anh muốn đánh đổi tất cả để lấy hạnh phúc gia đình?

- Mọi chuyện đều sắp đặt của cuộc sống nên mình không thể nói “ước”. Chuyện gì đến sẽ đến, không cưỡng cầu. Như tôi đã nói, đó là số phận nên không thay đổi được. Mà đôi khi nhìn lại, tôi nghĩ mọi chuyện chỉ xảy ra sớm hay muộn mà thôi và xảy ra có khi lại tốt hơn là cố níu kéo mà không ai vui, hạnh phúc.

PV: Anh có giận hay thể hiện thái độ nào đó với bố mẹ?

- Ngày còn nhỏ tôi có thể có suy nghĩ như vậy, trong thoáng chốc. Còn khi lớn, tôi hiểu mình không có quyền đó. Mọi chuyện đều có lý do. Hơn nữa, trong cuộc sống rộng lớn này chuyện như gia đình tôi đâu phải cá biệt, thậm chí là bình thường trong xã hội, như thuộc về số phận mỗi người.

Tôi hiện nay nhìn nhận sự việc nhẹ nhàng hơn. Tôi thỉnh thoảng vẫn về Kiên Giang thăm những người thân bởi thường bận tập trung đội tuyển, đường xá lại xa xôi. Có thu nhập từ cờ vua, tôi vẫn gửi về để đỡ đần phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình. Cuộc sống vẫn cứ tiến liên, tôi và bất cứ ai không thể cứ ngừng lại và ngoáy đầu nhìn quá khứ…

Năm 2000, Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành chức vô địch cờ vua lứa tuổi dưới 11 và khoác lên mình tấm áo “thần đồng”. Năm 2005, chưa tới 15 tuổi, kỳ thủ quê Kiên Giang trở thành một trong số ít những đại kiện tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử cờ vua thế giới. Sang Hungary gần hai năm học cờ cùng tiến sĩ Hoàng Minh Chương, Trường Sơn về Việt Nam và giành nhiều thành tích nổi bật năm 2004-2005.

Nhưng giai đoạn năm 2006-2009, anh gần như “mất tích”. Người hâm mộ, giới chuyên môn từng lo ngại cờ vua Việt sẽ mất đi một nhân tài. Tuy nhiên bằng nỗ lực nội tâm mạnh mẽ, Trường Sơn gạt qua những nỗi buồn, khó khăn riêng để trở lại mạnh mẽ và hướng tới những mục tiêu phía trước.

Theo ngoisao.net

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
'Cuộc đời có lúc như bàn cờ không lối ra'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO