Cuộc gọi cuối cùng của những liệt sỹ người Nghệ An hy sinh ở Quảng Trị

Công Kiên - Huy Thư 21/10/2020 15:40

(Baonghean.vn) - Nỗi đau 4 người con quê hương hy sinh ở Rào Trăng chưa kịp nguôi ngoai, người dân Nghệ An lại bàng hoàng khi biết tin 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp ở Quảng Trị trong đó có tới 8 người sinh ra và lớn lên ở vùng quê này. Tổn thất quá lớn, dường như quá sức chịu đựng của người thân…

Cuộc gọi trước lúc hy sinh

8 người con của quê hương là cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thuộc những thế hệ khác nhau. Người lớn tuổi nhất là Trung tá Bùi Đình Toản (50 tuổi) ở phường Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai); người ít tuổi nhất là Trung sỹ Nguyễn Quang Sơn (19 tuổi) ở xã Thái Sơn (Đô Lương).

Ảnh: Công Kiên
Lãnh đạo và bà con phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) chia sẻ nỗi đau với gia đình liệt sỹ Bùi Đình Toản. Ảnh: Công Kiên

Các anh, mỗi người một hoàn cảnh nhưng có một điểm chung là những quân nhân luôn nhiệt tình, xông xáo khi thực hiện nhiệm vụ và dạt dào niềm yêu thương với gia đình, quê hương. Các anh nằm xuống giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị, nơi thế hệ cha ông từng lập chiến công với chứng tích Khe Sanh, Đường 9 vang mãi tự hào.

Ảnh: Công Kiên
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai động viên chị Đào Thị Bích, vợ liệt sỹ Toản. Ảnh: Công Kiên

Mấy ngày nay, ngôi nhà của vợ chồng Trung tá Bùi Đình Toản ở khối 8, phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) có rất nhiều người đến chia sẻ nỗi đau, mất mát. Chị Đào Thị Bích (48 tuổi), vợ anh Toản không thể gượng dậy, phải nhờ sự chăm sóc của anh, chị em.

Chị Đào kể với giọng ngắt quãng: “Hơn 30 năm quân ngũ, mỗi năm anh chỉ về thăm nhà vài lần, vợ chồng cách xa biền biệt. Anh nói 3 năm nữa được nghỉ hưu sẽ về bù đắp tình yêu thương trong hàng chục năm qua. Vậy mà anh đã ra đi…”.

Ảnh: Công Kiên
Bùi Đình Tuấn, con trai đầu của liệt sỹ Toản mong có công việc gần nhà để thay bố chăm sóc mẹ. Ảnh: Công Kiên

Đêm 17/10, anh Toản có điện về cho chị, anh nói mấy ngày nay giúp dân chống lụt giữa mưa tầm tã, vừa chuyển hàng cứu trợ lên xe để sáng mai lại lên đường.

Vợ chồng chị Bích có 2 con trai là Bùi Đình Tuấn (25 tuổi) và Bùi Đình Tú (23 tuổi) đều đã học xong đại học nhưng chưa có việc làm ổn định. Ngồi cạnh để chăm sóc mẹ, Tuấn chia sẻ: “Em đang làm ở Hà Nội, em trai ở Đà Nẵng, giờ bố mất rồi, mẹ lại đau yếu không biết có chịu nổi cú sốc này không. Em mong sẽ tìm được việc ở quê để thay bố chăm sóc mẹ”.

Ảnh: Công Kiên
Các cấp chính quyền thị xã Cửa Lò và bà con nhân dân đến động viên gia đình liệt sỹ Phùng Thanh Tùng. Ảnh: Công Kiên

Đến thăm gia đình Trung tá Phùng Thanh Tùng (41 tuổi) ở khối Hải Giang 2, phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến bé Phùng Quang Hải mới 5 tháng tuổi khóc ngặt nghẽo vì khát sữa mẹ. Hay tin chồng hy sinh, chị Hoàng Thị Diệu (37 tuổi) cùng bố chồng khăn gói vào Quảng Trị, để bé Quang Hải cho bà nội chăm sóc.

Ảnh: Công Kiên
Chị Hoàng Thị Diệu, vợ liệt sỹ Tùng đang vào Quảng Trị với chồng, để bé Phùng Quang Hải mới 5 tháng tuổi cho bà nội chăm sóc. Ảnh: Công Kiên

Bà Phùng Thị Ngọc (63 tuổi) gần như kiệt sức vì đau xót nhưng vẫn phải gắng gượng để cưng nựng đứa cháu bé bỏng vừa mất bố. Bà Ngọc nghẹn ngào: “Trưa 17/10, Tùng gọi điện cho mẹ hỏi tình hình ở nhà và nói đang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lụt. Rồi gọi video để gặp bé Hải. Qua điện thoại, tôi thấy cảnh hoang tàn do mưa lũ rồi dặn con hết sức cẩn thận, vậy mà hôm sau nghe tin con bị vùi lấp, không biết từ nay vợ con nó sẽ sống như thế nào…”.

Ảnh: Công Kiên
Người thân giúp đỡ bà Phùng Thị Ngọc chăm sóc bé Quang Hải. Ảnh: Công Kiên

Tối hôm ấy, anh Tùng cũng gọi cho vợ, bảo rằng còn một ít tiền sẽ chuyển khoản để ngày mai mua thêm thức ăn, sữa... cho 2 con Phùng Thị Yến Nhi (13 tuổi) và Phùng Quang Thanh (11 tuổi).

Những dự định dang dở

Các anh ra đi, bỏ lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ, khép lại bao ước mơ, dự định dở dang. Thiếu tá Nguyễn Cảnh Trung quê ở xã Thượng Sơn (Đô Lương) đang trong thời gian nghỉ phép, vừa về quê được mấy ngày, nghe tin mẹ đồng đội qua đời, anh vào đi làm nhiệm vụ thay đồng đội thì gặp nạn, lỡ hẹn với gia đình sẽ về hoàn thành xây dựng nghĩa trang.

Ảnh: Huy Thư
Người thân chăm sóc, động viên vợ liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung. Ảnh: Huy Thư


Ảnh: Huy Thư
Hai con trai của liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung bàng hoàng trước nỗi đau mất bố. Ảnh: Huy Thư

Trung úy Nguyễn Văn Thu ở xã Tăng Thành (Yên Thành) dự định tháng 11 cắt phép về giỗ bố, đưa mẹ, đưa con đi tái khám ở bệnh viện, sửa sang lại căn nhà bếp. Ước mơ xây được một ngôi nhà mới để vợ chồng, con cái ra ở riêng là trăn trở bấy lâu nay của Trung úy Trần Văn Toàn ở xã Xuân Thành (Yên Thành).

Binh nhất Nguyễn Quang Sơn ở xã Thái Sơn (Đô Lương) là chiến sỹ trẻ mới nhập ngũ được 9 tháng. Anh Sơn mong muốn trong thời gian tại ngũ sẽ cố gắng ôn tập, thi đỗ một trường quân sự để phục vụ lâu dài trong quân đội. Trong cuộc điện thoại gọi về cho gia đình gần đây, anh nói là sẽ dành phụ cấp mua tặng em gái 1 chiếc điện thoại để động viên em học tập…

Nghe tin chồng, con, bố bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi ở Hướng Hóa, gia đình, người thân, bà con làng xóm của các anh ở quê hương đều bàng hoàng, đau xót.

Bà Thái Thị Đợi (73 tuổi), mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Thu mấy chục năm tần tảo một mình nuôi 5 người con trưởng thành vì chồng mất sớm, khi nhận được tin con hy sinh, người mẹ già dường như đã khô cạn nước, khóc không thành tiếng.

Ảnh: Huy Thư
Nỗi đau của mẹ liệt sỹ Nguyễn Quang Sơn. Ảnh: Huy Thư

Bố liệt sỹ Trần Văn Toàn, ông Trần Văn Vận bị bệnh hiểm nghèo, đau xót vật vã trên giường bệnh khi biết tin con mình bị vùi lấp ở Hướng Hóa. Vợ liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung - chị Hoàng Thị Thanh Nga suy sụp hoàn toàn, nhiều ngày qua lúc mê lúc tỉnh vì tiếc thương chồng. Bà Nguyễn Thị Phúc, mẹ của liệt sỹ Nguyễn Quang Sơn vốn bị bệnh tim bẩm sinh, từ khi biết tin con hy sinh, tinh thần của bà trở nên hoảng loạn, lúc cười, lúc khóc.

Em Nguyễn Cảnh Đức Anh (15 tuổi), con trai đầu của liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung chia sẻ: “Mỗi lần gọi điện về nhà là bố thường dặn bọn cháu phải chăm ngoan, học giỏi. Hôm sinh nhật cháu gần đây, bố có nhắn tin “Bố chúc con trai của bố mẹ thêm tuổi mới, luôn khỏe mạnh, chăm ngoan và học tốt hơn con nhé”. Nhưng em chưa kịp trả lời, thì bố đã hy sinh”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Trong 8 người quê Nghệ An hy sinh, huyện Hưng Nguyên có 2 liệt sỹ. Đó là Thượng úy Lê Cao Cường (37 tuổi) quê ở xã Hưng Đạo, anh bén duyên với Quảng Trị và chọn mảnh đất này để xây dựng tổ ấm, gia đình riêng hiện ở thành phố Đông Hà. Ở quê nhà, gia đình, họ hàng cũng bàng hoàng, đau đớn trước mất mát, đau thương.

Ảnh: Công Kiên
Bà con xã Tăng Thành (Yên Thành) chia sẻ nỗi đau với gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thu. Ảnh: Huy Thư

Ông Lê Xuân Đồng, thân sinh của liệt sỹ Lê Cao Cường ngậm ngùi: “Tôi từng nói với Cường, đã là người lính thì sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Và nó đã ra đi khi làm nhiệm vụ, bỏ lại vợ trẻ, con thơ, đau đớn khôn cùng…”.

Người thứ hai là Trung sỹ Nguyễn Anh Duy ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) năm nay tròn 20 tuổi, còn 3 tháng nữa là hoàn thành nghĩa vụ, trở về với gia đình. Nhưng anh đã ra đi, gác lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ và tương lai. Bà Trần Thị Duyên, mẹ của liệt sỹ Duy không gượng dậy nổi.

Bà con xóm giềng kể rằng, Nguyễn Anh Duy mồ côi cha từ khi còn bé tí, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh, chị em khôn lớn. Dự định xuất ngũ sẽ về quê học nghề, tìm việc để đỡ đần mẹ, ai ngờ đâu cơ sự này…

Sự hy sinh của các liệt sỹ đã để lại muôn nỗi tiếc thương, đau đớn không chỉ với gia đình, đồng đội, bạn bè mà với cả bà con nhân dân. Vì thế, ngay từ khi có thông tin các anh hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bà con xóm giềng, bạn bè gần xa và các cấp chính quyền, đoàn thể đã kịp thời đến động viên, chia sẻ với gia đình.

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai và phường Quỳnh Thiện cắt cử người thay nhau túc trực, cùng anh em, họ hàng và xóm làng soạn sửa, chuẩn bị chu tất để đón linh cữu liệt sỹ Bùi Đình Toản về với gia đình.

Trung tá Hồ Xuân Tiến - Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự thị xã cho biết: “Mất mát của là quá lớn nên chúng tôi sẽ cố gắng làm tất cả mọi việc mong xoa dịu phần nào nỗi đau xót của các gia đình”.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 giúp bà con thôn Tri, xã Hướng Lập làm đường. Ảnh:
Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337 giúp bà con thôn Tri, xã Hướng Lập làm đường. Ảnh: Ngọc Thăng

Bà con phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) cũng có mặt thường xuyên tại nhà Trung tá Phùng Thanh Tùng để an ủi, động viên bà Phùng Thị Ngọc (mẹ anh Tùng) và thay nhau hỗ trợ chăm sóc các cháu nhỏ. Tuy xa nhà, xa quê biền biệt nhưng mỗi lần về thăm, anh Tùng đều dành thời gian đến những gia đình thân quen và xóm giềng chuyện trò thân mật.

Ở cạnh nhà, bà Trương Thị Lành bộc bạch: “Chú Tùng hiền lành và đức độ lắm, bà con ai cũng thương. Mấy hôm nay ai đến thăm cũng đều khóc khi chứng kiến 3 đứa con thơ côi cút, không còn bố, rồi đây cuộc sống sẽ ra sao…”. Lãnh đạo thị xã Cửa Lò và phường Nghi Hải cũng đã kịp thời thăm hỏi và cùng gia đình, họ hàng chuẩn bị đón liệt sỹ Phùng Thanh Tùng về với đất mẹ.

Có mặt tại nhà liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung (Đô Lương), thật xúc động khi biết công đoàn Trường THCS Hiến Sơn mấy ngày nay đã cử cán bộ, giáo viên thay phiên nhau đến chăm sóc, bón từng thìa cháo cho chị Hoàng Thị Thanh Nga ngã quỵ nằm liệt giường khi tin chồng hy sinh ở Quảng Trị.

Bộ đội Đoàn 337 giúp dân đắp đập thủy lợi, khai hoang lúa nước. Ảnh:
Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân đắp đập thủy lợi, khai hoang lúa nước. Ảnh: Ngọc Thăng

Người dân xã Thái Sơn (Đô Lương) cũng có mặt rất động ở nhà liệt sỹ Nguyễn Quang Sơn để động viên, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn với gia đình liệt sỹ (mẹ đau bệnh, em trai bị ung thư xương).

Ông Nguyễn Quang Sơn - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: “Mẹ liệt sỹ Nguyễn Quang Sơn sức khỏe yếu, nên xã đã cử y, bác sỹ đến túc trực tại nhà để chăm sóc bà. Đồng thời kêu gọi các ban, ngành, tổ chức quyên góp, nhằm giúp đỡ gia đình trong lúc đau thương, hoạn nạn”.

Và lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, các đoàn thể, chính quyền và Nhân dân 2 xã Hưng Đạo và Hưng Tây cũng đã kịp thời có những việc làm thiết thực để chia sẻ mất mát với gia đình liệt sỹ Lê Cao Cường và Nguyễn Anh Duy. Tất cả cùng góp phần sưởi ấm và xoa dịu phần nào đau thương, mất mát.

Sau khi đón 4 người con hy sinh ở Thừa Thiên Huế, quê hương Nghệ An lại chuẩn bị đón 8 người con hy sinh ở Quảng Trị về với đất Mẹ yêu thương.

Mới nhất

x
Cuộc gọi cuối cùng của những liệt sỹ người Nghệ An hy sinh ở Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO