Cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa 1974: Sau 40 năm nhìn lại

Lê Văn Cương - Thiếu tướng, PGS-TS, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học Bộ Công an

(Baonghean) - Từ sau 20/7/1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (viết gọn là Hoàng Sa, Trường Sa) của Việt Nam do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) quản lý. Tháng giêng năm 1974 (19.1), Trung Quốc dùng lực lượng lớn (áp đảo) đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do Việt Nam Cộng hòa quản lý. Từ 20/1/1974, dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam tạm thời mất quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Sau 30/4/1975, Nam, Bắc thống nhất, nhưng lãnh thổ của Tổ quốc chưa toàn vẹn, quần đảo Hoàng Sa - một vùng đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của dân tộc Việt Nam - vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng.

Sau 40 năm, chúng ta có suy nghĩ gì về sự kiện dân tộc ta mất Hoàng Sa vào tháng 1/1974? Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu sâu sắc, toàn diện nào về sự kiện này. Các nhà sử học, các học giả người Việt Nam còn mắc nợ dân tộc Việt Nam về sự kiện tháng 1/1974. Tác giả bài viết không có khả năng trả món nợ này, chỉ xin sơ bộ nêu ra một số vấn đề để rộng đường trao đổi: 1. Hoàng Sa là của Việt Nam; 2. Bản chất cuộc chiến tháng 1/1974; 3. Bối cảnh lịch sử diễn ra sự kiện tháng 1/1974; 4. Những việc chưa làm phải làm.
1. Hoàng Sa là của Việt Nam.
- Đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm công trình chuyên khảo, hàng ngàn bài viết của các nhà sử học, địa lý học, học giả, chính khách Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nhà sử học, học giả Trung Quốc, viết về Biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa và họ đều xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam cách đây hơn 300 năm.
Bài viết này chỉ nêu ra một cách hết sức khái quát về vấn đề này để  bạn đọc dễ hình dung.
Ở Việt Nam, các cuốn sử chính thống của quốc gia và nhiều cuốn sử, sách địa lý của các học giả nổi tiếng (Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Thông) viết rải rác, liên tục trong hơn 300 năm (từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX) đều dẫn ra nhiều thông tin, sự kiện xác nhận các triều đại phong kiến Việt Nam từ các Chúa Nguyễn đến Triều Nguyễn đã có tổ chức quản lý, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.
Ở Trung Quốc, không có một cuốn sách địa lý nào, không có bất kỳ bản đồ nào do Nhà nước phong kiến Trung Quốc ấn hành một ngàn năm qua (kể từ đời Bắc Tống 960 - 1127) xác định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc “Thiên triều”.
Theo Phạm Hoàng Quân: Trung Quốc có 24 bộ chính sử (các bộ sử chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc), trong đó có 6 bộ liên quan đến lịch sử - địa lý Việt Nam và 7 bộ liên quan đến Biển Đông, nhưng không có bộ nào xác định Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc.
Ngược lại, ở Trung Quốc, hơn một ngàn năm nay (kể từ đời nhà Đường 618 - 970), có hàng chục cuốn sách lịch sử, sách địa  lý do Nhà nước phong kiến Trung Quốc ấn hành và nhiều công trình chuyên khảo, biên khảo, hồi ký, tạp văn của các học giả Trung Quốc, trong đó có cả sách giáo khoa (như cuốn “Địa lý học giáo khoa thư” do nhà Thanh ấn hành năm 1906), đều trực tiếp, gián tiếp xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Không có bản đồ địa lý nào do Nhà nước phong kiến Trung Quốc ấn hành xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc; tất cả các bản đồ đều khẳng định cường vực trên biển của nhà Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam. Ngược lại, có đến hơn một chục bản đồ do các quan chức, học giả Trung Quốc vẽ trong thời nhà Minh, nhà Thanh trực tiếp xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam (như “An Nam đồ chí” do Phó Tổng binh trấn thủ Quỳnh Châu Nhai (Hải Nam) Đặng Chung vẽ năm 1608, đời Minh Thần Tông 1572 - 1620).
Ở Tây Âu, có hàng chục cuốn sách, hơn một trăm bản đồ do các nhà địa lý hàng hải, các học giả, các chính khách, các thương gia, đô đốc, tướng lĩnh quân đội, các giám mục, linh mục sang truyền đạo ở Việt Nam, viết và vẽ rải rác từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, trong đó đều trực tiếp, gián tiếp xác nhận nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý, làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ giữa thế kỷ XVII.
Đáng chú ý nhất và có giá trị nhất là cuốn sách chuyên khảo “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Đại học Paris VII Monique Chemillier Gendreau xuất bản ở Paris năm 1996. Giáo sư Monique Chemillier Gendreau nguyên là Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu. Trong cuốn chuyên khảo “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Giáo sư Monique Chemillier Gendreau đã dẫn ra nhiều thông tư, tư liệu, tài liệu tin cậy để chứng minh có sức thuyết phục hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
- Về pháp lý.
Trung Quốc luôn tuyên bố họ có cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cả thế giới hỏi cơ sở pháp lý nào (Hiệp định, Hiệp ước…) thì 65 năm nay, lãnh đạo Trung Quốc, học giả Trung Quốc không trả lời được.
Trong hai thế kỷ XIX và XX, chỉ có một văn bản pháp lý quốc tế duy nhất đề cập đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa đó là Hiệp định Genera 20/7/1954. với Hiệp định Genera 20/7/1954, cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô (cũ), đã long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều 4 Hiệp định Genera 20/7/1954 xác định: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hà Nội) quản lý vùng biển, đảo phía Bắc Vĩ tuyến 17 và Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) quản lý vùng biển, đảo phía Nam Vĩ tuyến 17 bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Như vậy, xét trên mọi phương diện (lịch sử, quản lý thực sự, văn hóa, pháp lý…), quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều này là hiển nhiên và không có gì phải tranh cãi.
2. Bản chất cuộc hải chiến tháng 1/1974.
Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đây là cơ sở để lý giải bản chất cuộc hải chiến tháng 1/1974 tại quần đảo Hoàng Sa.
Từ sau 20/7/1954 (Theo hiệp định Genera), Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) quản lý, đúng hơn là Việt Nam Cộng Hòa thay mặt dân tộc Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm các đảo, vùng biển phụ cận và không phận trên Hoàng Sa và Trường Sa – vùng đất, biển, trời thiêng liêng do cha ông để lại.
Ngày 19/1/1974, Nhà đương cục Trung Quốc dùng lực lượng hải quân (áp đảo) đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hoàn toàn không thể nói khác được, đây là cuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ đi xâm lược là Trung Quốc.
Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) là quốc gia bị xâm lược.
Nhiều nguồn tin chứng tỏ rằng: Các sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trực tiếp tham gia cuộc chiến chống xâm lược ở quần đảo Hoàng Sa 19/1/1974 đã quyết chiến đấu để bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc Việt Nam, nhiều người đã anh dũng hy sinh (không một ai đầu hàng hoặc chạy theo giặc).
Về bản chất, cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa tháng 1/1974 là cuộc chiến của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của ngoại bang. Do đó, sẽ đến lúc cần tính đến việc ghi công và vinh danh những sĩ quan, binh lính Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1/1974. Vấn đề là khi nào làm, hình thức, thủ tục, mức độ ghi công họ sao cho phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tăng thêm sự đồng thuận của cả dân tộc.
Lịch sử mách bảo chúng ta: Lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm và tinh thần sẵn sàng xả thân để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng do cha ông để lại đã là động lực thúc đẩy sự kết nối, đồng thuận và đoàn kết mọi người Việt Nam có lối sống, quan điểm chính trị khác nhau thành một khối thống nhất vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Tư tưởng chính trị có thể khác nhau, nhưng lòng yêu nước và tự tôn dân tộc chỉ có một.
3. Bối cảnh lịch sử diễn ra sự kiện tháng 1/1974.
Từ năm 1972, cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng có lợi thế đối với lực lượng cách mạng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) ngày càng lún sâu vào bị động đối phó và thất bại liên tiếp trên hầu hết các mặt trận.
Chính quyền Mỹ lúc đó cũng ở trong thế mắc kẹt cả trong và ngoài nước. Nhân dân Mỹ phản đối dữ dội và đòi Nhà Trắng phải nhanh chóng rút quân khỏi miền Nam Việt Nam; cả thế giới đòi Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi đạo lý ở Việt Nam.
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Trong cái thế “Tiến thoái lưỡng nam” của Mỹ và tình trạng “sức cùng lực kiệt” của Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn), lãnh đạo Trung Quốc mời Tổng Thống Mỹ Nixơn sang thăm chính thức (lần đầu tiên kể từ 1/10/1949) và ký thông cáo chung Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 2/1972. Chúng ta không có toàn văn Thông cáo chung Thượng Hải 2/1972 giữa Mỹ và Trung Quốc, có điều chắc chắn là nhiều thỏa thuận Trung – Mỹ trong Thông cáo chung Thượng Hải liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam theo hướng có lợi cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn), thiệt hại lớn đối với cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Mỹ muốn thông qua Thông cáo chung Thượng Hải để lật lại thế cờ cả trên chiến trường và trên bàn thương lượng ở Paris.
Sau thông cáo chung Thượng Hải, Mỹ phong tỏa Cảng Hải Phòng nhằm cắt đứt mọi con đường giao thông hàng hải Việt Nam với thế giới, ném bom ác liệt miền Bắc, đỉnh điểm là dùng máy bay B52 ném bom tàn phá Hà Nội vào tháng 12/1972 nhằm bẻ gãy ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam và để rút ra khỏi Việt Nam trong “danh dự”. Nhân dân Việt Nam ở hai miền Bắc, Nam phải đổ thêm nhiều xương máu, biết bao người con ưu tú của Tổ quốc phải hy sinh do Thông cáo chung Thượng Hải.
Nhưng họ đã nhầm.
Thông cáo chung Thượng Hải chỉ làm cho dân tộc Việt Nam phải đổ thêm xương máu, nhưng không đảo ngược được thế cờ cả trên chiến trường và trên bàn thương thảo ở Paris; quan trọng hơn là không làm nhụt ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân Việt Nam, không thể cản trở, ngăn chặn sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam nắm chắc và quyết định vận mệnh của mình. Mọi cuộc mặc cả, đổi chác trên lưng Việt Nam sớm muộn đều thất bại. Cái gì phải đến đã đến. Thực tiễn đã minh chứng, chứng minh tính đúng đắn trong lời tiên tri của Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 
Tàu cá vũ trang Trung Quốc cản đường chiến hạm Việt Nam tiến vào  Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Tàu cá vũ trang Trung Quốc cản đường chiến hạm Việt Nam tiến vào Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Xin lưu ý: Trước khi có Thông cáo chung Thượng Hải 2/1972, Hạm đội 7 của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố: Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Hạm đội 7. Sau Hiệp định Paris 1/1973, Hạm đội 7 rút quân, vũ khí và các thiết bị quân sự ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đó là thời cơ “ngàn năm có một” để Trung Quốc tiến hành cuộc hải chiến chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nói cách khác, Mỹ có trách nhiệm lớn trong việc để Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
4. Những việc chưa làm hoặc làm chưa đến nơi đến chốn phải làm nghiêm túc để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đây là những việc chưa làm hoặc làm chưa tương xứng với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bước đầu nêu ra mấy vấn đề để trao đổi với bạn đọc, cũng là kiến nghị đối với các cơ quan hoạch định và chỉ đạo thực hiện quyết sách quốc gia.
- Một là, nhanh chóng bổ sung vào hệ giáo trình chuẩn quốc gia (giáo dục phổ thông, trung học, đại học, sau đại học; giáo trình các khóa đào tạo dài hạn, các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trung cao cấp… ) các chuyên đề nói về quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam đã quản lý, bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một thực tế khá đáng buồn là: Hiện nay thanh niên, sinh viên Việt Nam có hiểu biết quá ít ỏi về vấn đề này. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một bộ phận cán bộ trung cao cấp cũng chưa có hiểu biết cần thiết về vấn đề này.
Chúng ta luôn tuyên bố: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng trong sách giáo khoa các cấp lại không trình bày đầy đủ, đúng đắn, khách quan quá trình chúng ta đấu tranh, đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tức là chúng ta đang tự mâu thuẫn với mình. Trong khi đó, một số quốc gia láng giềng không hề có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa nhưng họ lại đưa vào giáo trình chuẩn quốc gia nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ?!
- Hai là, hệ thống truyền thông đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản…) cần theo sát mọi diễn biến, động thái trên Biển Đông để thông báo kịp thời, khách quan, đúng đắn đến 90 triệu người dân trong nước và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, hơn 8 tỷ người trên thế giới nói chung. Hiến pháp khẳng định: Công dân có quyền được thông tin và Nhà nước phải đáp ứng quyền của công dân đước xác nhận trong Hiến pháp.
Có hai vấn đề thuộc về nguyên tắc cần thông báo cho người Việt Nam trong, ngoài nước và cộng đồng quốc tế biết: 1. Việt Nam không liên kết, liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba, Việt Nam luôn giao hảo hòa hiến với các quốc gia; 2. Việt Nam không kích động chủ nghĩa dân tộc để chống nước khác. Việc giáo dục, tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ những mối đe dọa, uy hiếp và các hoạt động của nước ngoài xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là việc bình thường mà mọi quốc gia đều làm, không có gì là “nhạy cảm”.
- Ba là, đẩy mạnh và mở rộng nghiên cứu biển, đảo trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Nhà nước phải ưu tiên và tạo điều kiện, kể cả nguồn tài chính, cho những người làm luận án thạc sĩ, luận văn tiến sĩ về biển Đông nói chung, về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học phải chủ động mở rộng hợp tác quốc tế nghiên cứu về Biển Đông (địa chất, thủy văn, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật, chống cướp biển, cứu hộ, cứu nạn, an ninh hàng hải…). Nhà nước cần tôn vinh và trọng thưởng cho những công trình nghiên cứu về Biển Đông có giá trị.
- Bốn là, nhanh chóng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông trực thuộc chính phủ.
Hiện nay, việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Biển Đông còn rất phân tán. Gần một chục bộ, ban, ngành ở Trung ương có nghiên cứu Biển Đông và hơn hai chục viện, học viện, trường đại học tổ chức nghiên cứu Biển Đông theo các góc độ, lĩnh vực khác nhau. Vì thiếu một trung tâm điều phối chung nên việc phối hợp nghiên cứu Biển Đông gặp không ít khó khăn.
Xét trên mọi phương diện, Biển Đông luôn tồn tại với dân tộc Việt Nam, là một bộ phận đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc xây dựng một trung tâm đủ mạnh ở cấp độ quốc gia là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lực lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Năm là, đưa vấn đề Biển Đông thành một trọng tâm của hoạt động ngoại giao nhân dân.
Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để nhanh chóng mở rộng ngoại giao nhân dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều vấn đề rất khó đề cập trong ngoại giao nhà nước, nhưng có thể thu được kết quả lớn thông qua hoạt động ngoại giao nhân dân. Các học giả, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO) có khả năng tạo ra nhiều diễn đàn với nhiều hình thức phong phú để trao đổi với các đối tác nước ngoài về hầu hết các vấn đề liên quan đến Biển Đông nhằm mục tiêu là làm cho cộng đồng quốc tế hiểu Vệt Nam, ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thay cho kết luận, xin nêu ra 5 điều: 1. Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Do đó, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải đặt ở vị trí cao nhất trong mọi hoạt động của Nhà nước; 2. Không được “đuổi hổ cửa trước rước báo cửa sau”; 3. Chỉ có đồng thuận xã hội và đoàn kết toàn dân tộc mới tạo ra được sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; 4. Với mỗi quốc gia, khi có một nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh và tận tâm vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của dân tộc thì không một thế lực ngoại bang nào dám gây hấn, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó; 5. Khi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi còn chi phối chính sách đối ngoại thì chủ nghĩa quốc tế trong sáng không có chỗ để nẩy nở, tồn tại, phát triển. Các câu tục ngữ: “Tin bạn mất vợ” và “Gửi trứng cho ác” hiện vẫn có giá trị như một lời cảnh báo đanh thép đối với mọi người dân Việt Nam, trước hết đối với những người trực tiếp, gián tiếp hoạch định và chỉ đạo thực hiện quyết sách quốc gia.
Hà Nội, ngày 17/1/2014.

tin mới

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.

 Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

(Baonghean.vn) - Sáng 5/2, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Ngày 1 - 2/2, Đoàn đại biểu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sang thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà chính quyền và nhân dân Thành phố Vinh

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà Tết tại Thành phố Vinh

(Baonghean.vn) - Ngày 1/2 , Đoàn công tác Bộ Tham mưu Quân khu 4 do đồng chí Thượng tá Võ Hữu Hòa - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu làm Trưởng đoàn tổ chức trao quà Tết cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Trung Đô và Trường Thi, thành phố Vinh.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nhân dịp đón Tết cổ truyền dân tộc – Xuân Giáp Thìn 2024, sáng 29/1, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Trịnh Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu làm trưởng đoàn đã đi chúc Tết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.