Cuộc sống của công nhân xa nhà: "Khéo co thì ấm"

28/01/2013 23:24

Trong mấy năm trở lại đây, phong trào thanh niên rời bỏ ruộng vườn để “Nam tiến” tìm việc làm ngày càng thịnh hành, số thanh niên ở quê chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, có làng chỉ toàn trung niên và người già ở nhà. Nhiều thanh niên lêu lổng, bỏ học giữa chừng cũng chọn miền Nam làm điểm…hẹn. Nhưng họ đâu biết rằng, ở chốn đất khách quê người, kiếm được miếng cơm manh áo đã khó nói gì đến chuyện làm giàu? Nhiều thanh niên đi biền biệt 4-5 năm chưa dám về quê vì sĩ diện, sợ người làng chê cười là đi làm ăn mà không có xu dính túi…

(Baonghean) Trong mấy năm trở lại đây, phong trào thanh niên rời bỏ ruộng vườn để “Nam tiến” tìm việc làm ngày càng thịnh hành, số thanh niên ở quê chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, có làng chỉ toàn trung niên và người già ở nhà. Nhiều thanh niên lêu lổng, bỏ học giữa chừng cũng chọn miền Nam làm điểm…hẹn. Nhưng họ đâu biết rằng, ở chốn đất khách quê người, kiếm được miếng cơm manh áo đã khó nói gì đến chuyện làm giàu? Nhiều thanh niên đi biền biệt 4-5 năm chưa dám về quê vì sĩ diện, sợ người làng chê cười là đi làm ăn mà không có xu dính túi…

Anh Nguyễn Văn Việt - một công nhân quê Diễn Châu có thâm niên gần 20 năm tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết: “Khi tôi mới vào đây, cuộc sống khó khăn lắm, tiền lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Đất đai lúc đó còn rẻ, được gia đình phụ thêm, tôi mua đất, xây nhà, lập gia đình, sinh con đẻ cái, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng số công nhân mua được đất, làm nhà ít lắm, lương công nhân cũng chỉ đủ trang trải cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Đa số vẫn chấp nhận đi thuê trọ, vợ chồng con cái phải ở trong những căn phòng trọ nhỏ, ẩm thấp, thiếu thốn đủ bề …”.

Cũng theo anh Việt, hầu hết các công ty đều sản xuất ca kíp, mỗi tuần đổi ca một lần khiến cuộc sống của người công nhân ít nhiều bị xáo trộn. Làm ca lệch nhau, nhiều cặp vợ chồng mỗi tuần chỉ gặp nhau được bữa chủ nhật, việc đưa đón con cái đi học phó thác cho dịch vụ. “Đi làm đêm hôm, ca kíp cũng cực nhưng đã trót làm đời công nhân, giờ quay về quê làm ruộng sợ không làm nổi. Thu nhập hai vợ chồng em chỉ gói gọn trong 7-8 triệu, riêng tiền học thêm của hai đứa con đã mất mỗi tháng 1,5 triệu đồng, đưa đón đi học 5 trăm ngàn đồng, tiền sinh hoạt phí, tiền phòng trọ, ma chay, cưới hỏi... đủ thứ tiền, phải chi tiêu dè xẻn lắm mới đủ chứ nói gì đến chuyện mua đất làm nhà?” - Thúy, một công nhân tại KCN Amata, Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ.



Ngày càng có nhiều thanh niên tìm đến các KCN để xin việc.

Với mức thu nhập từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/tháng, để tiết kiệm tiền, họ chung nhau 2-3 người thuê phòng trọ với diện tích trên dưới 10 m2, giá từ 7 trăm ngàn đồng - 1 triệu đồng/tháng. Điều kiện sinh hoạt chật chội, bất tiện, nóng nực, ẩm thấp nhưng cũng đành chấp nhận, bởi với mức thu nhập như vậy, khiến họ không có nhiều sự lựa chọn. Nhiều dãy phòng trọ nằm sát đường, bụi bặm, khói xe suốt ngày, phải sử dụng nước bẩn nhưng họ cũng phải thuê bởi không biết tìm đâu ra nhà trọ tốt với mức chi có hạn. Nam, một thanh niên quê Yên Thành, sống trong khu nhà trọ tại KCN Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, bộc bạch: “Chúng em làm công nhân gần 10 năm rồi nhưng đến nay, hai vợ chồng, một đứa con và em trai vẫn phải ở chung trong một phòng trọ khoảng 9m2. Biết là bất tiện nhưng lương thấp nên đành chấp nhận để có tiền trang trải cho cuộc sống. Đi làm đã nhiều năm rồi nhưng tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ, bộ bếp ga, chiếc xe máy mang từ ngoài quê vào để hai vợ chồng đi làm chung…”.

Nhiều công nhân chấp nhận tăng ca 12 tiếng, thậm chí 16 tiếng/ngày để đổi lại mức thu nhập cao, nhưng khi lăn vào kiếm tiền, việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái cũng bị sao nhãng: “Cái gì cũng có cái giá của nó anh à! Nếu tăng ca nhiều, từ 4h sáng đã phải sửa soạn, cho con ăn, đưa con đi học, 6h phải có mặt ở công ty, làm việc đến 22h mới về… Mỗi ngày nghỉ được 4-5 tiếng, đến chủ nhật, gia đình mới được sum vầy một bữa. Nghĩ cũng cực nhưng biết làm thế nào được? Mấy năm nay ăn Tết xa quê, năm nay, vợ chồng con cái định về nhưng cũng đang chờ xem lương thưởng cuối năm thế nào đã...” - Lan, một công nhân quê Đô Lương, hiện đang làm ở KCN Amata, Đồng Nai cho biết.

Nếu chỉ chấp nhận làm công, ăn lương trong các KCN, cuộc sống người công nhân vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Anh Hà Văn Bắc, quê Thanh Chương có trên 20 năm lập nghiệp ở Đồng Nai cho biết: “Làm công nhân được một vài năm, thấy cuộc sống vất vả, tôi xin vào làm trong một xưởng in lụa. Dần dần, tôi tự tách riêng, mở doanh nghiệp in ấn- quảng cáo, thiết kế xây dựng, trang trí nội thất. Cuộc sống nay cũng tạm ổn, có nhà cửa, đất đai, xây phòng trọ cho thuê. Nếu chấp nhận làm công nhân suốt đời, “khéo co” thì mới “ấm”, rồi cũng có đồng lương lúc tuổi già. Nhưng anh thử nghĩ coi, bỏ quê hương tha phương cầu thực, chẳng lẽ chỉ mong có vậy thôi sao? Bạn bè tôi đa phần đều chấp nhận làm công ăn lương trong các KCN, cuộc sống ở trọ vất vả, bất tiện lắm. Số người vươn lên có cuộc sống no đủ, sắm được xe máy xịn, nhà cửa đàng hoàng chỉ đếm được trên đầu ngón tay…”. Cũng theo lời anh Bắc, nhiều thanh niên vào miền Nam ban đầu cũng tìm đến các KCN làm một thời gian, sau đó bỏ ra ngoài làm phụ hồ, thợ xây, tiếp thị, bán hàng… Tiền ngày công cao nhưng những nghề này ít nhiều phụ thuộc vào thời tiết, công việc bấp bênh lại vất vả nên đồng thu nhập cũng không mấy ổn định.

Mặt khác, vẫn còn nhiều công nhân không chịu tăng ca, thời gian rỗi rãi đã lao vào bài bạc, nợ nần. Có người nợ quán sá đến cả chục triệu đồng mà không có tiền trả. Nhiều công nhân quen với việc dù có tiền hay không, đến cuối tuần là anh em, bạn bè quây quần đông đúc nhậu nhẹt, bù khú, chén tạc chén thù, chẳng cần biết ngày mai ra sao. V, một công nhân quê Thanh Chương hiện sống tại KCN Sông Mây, Trảng Bom là một ví dụ. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống khiến V nghĩ quẩn, làm liều. Lúc đầu chỉ ăn cắp vài thứ đồ phế thải chưa thanh lý, thấy dễ ăn, V tổ chức lấy cả các mặt hàng có giá đem bán... Đến khi bị công ty phát hiện, V vội vàng làm đơn xin nghỉ việc, về nhà mở cửa hàng tạp hóa, phụ giúp việc nuôi con để mình vợ đi làm. Gặp tôi, V nói: “Cũng may là công ty không làm căng nên mới còn đường sống. Giờ nghĩ lại thấy xấu hổ, lâu nay, lao động Nghệ An bị tẩy chay cũng là do những người hành động dại dột như mình gây ra…”.


Võ Văn Dũng

Mới nhất
x
Cuộc sống của công nhân xa nhà: "Khéo co thì ấm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO