Cuộc sống của những phụ nữ ở nơi sơn cùng thủy tận

Hữu Vi - Xuân Thủy 08/03/2019 11:08

(Baonghean.vn) - Tộc người Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn huyện Con Cuông sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Quanh năm tất bật vì cái ăn, cái mặc chưa đủ, chị em phụ nữ ở đây chưa bao giờ được nhận quà trong ngày 8/3.

Bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), nơi những phụ nữ nói rằng chưa bao giờ được tổ chức ngày 8 tháng 3. Ảnh : Xuân Thủy
Bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), nơi những người phụ nữ nói rằng chưa bao giờ được tổ chức ngày 8 tháng 3. Ảnh : Xuân Thủy

Chúng tôi mất gần 3 giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường dài 19km từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Búng. Cộng đồng người Đan Lai này hiện có 112 hộ, tròn 500 nhân khẩu, là bản xa xôi, cách trở nhất huyện Con Cuông. Đường sá hiểm trở là nguyên do khiến cộng đồng này gặp khó khăn về kinh tế và khá biệt lập với xã hội bên ngoài.

Những phụ nữ bản Búng trồng sắn trong buổi chiều muộn,. Cách đó khoảng 20km, người ta đang tổ chức meeting mừng ngày Quố tế phụ nữ. Ảnh : Hữu Vi
Những phụ nữ bản Búng trồng sắn trong buổi chiều muộn. Trong khi cách đó khoảng 20km, người ta đang tổ chức giao lưu gặp mặt mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh: Hữu Vi

Buổi chiều muộn, trong khi ở trung tâm xã Môn Sơn đang diễn ra buổi giao lưu gặp mặt kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, các làng bản lân cận mở hội ăn mừng thì trên con đường dẫn vào bản, chị La Thị Thiện vẫn miệt mài trồng sắn. Phụ giúp chị là 3 phụ nữ khác. Những người phụ nữ này thậm chí không nhớ được tuổi của mình. Chị cho hay mình không biết về ngày Quốc tế Phụ nữ, chỉ quan tâm còn một ngày rưỡi nữa, cùng với sự giúp sức của nhóm bạn mới trồng xong rẫy sắn.

Chạng vạng tối, trên con dốc dẫn vào bản, những phụ nữ cũng từ rừng trở về nhà. Củi chất đầy trên lưng, một phụ nữ dắt theo đứa bé gái chừng 7 tuổi trần truồng, vượt qua 2 chiếc cầu thang bắc trên hàng rào. Nét cười gắng gượng trước ống kính máy ảnh. Một số khác đã xong việc ngồi tán gẫu trước cổng nhà. Từ đây có thể trông rõ từng ngôi nhà sàn lợp mái lá xập xệ. Từ ngôi nhà nào đó vọng lại tiếng nhạc của một chiếc loa cũ kỹ. Một nhóm gồm cả phụ nữ, trẻ nhỏ và người già ngồi buồn trên cầu thang.

Chị lê Thị Cảnh là bà mẹ của 5 đứa con. Cộng đồng Đan Lai của chị chỉ có họ Lê và La. Ảnh : Hữu Vi
Chị Lê Thị Cảnh là bà mẹ của 5 đứa con. Cộng đồng Đan Lai của chị chỉ có họ Lê và La. Ảnh: Xuân Thủy

Từ một túp lều bé xíu cạnh ngôi nhà sàn vọng ra tiếng nhạc yếu ớt của chiếc điện thoại thông minh. Chúng tôi tò mò gọi cửa. Đó là chiếc quán lá của chị Lê Thị Cảnh. Người phụ nữ sinh năm 1985, có 5 người con. Đứa lớn 15 tuổi nhưng đã đi làm ăn xa trở về. Đứa nhỏ nhất hơn 2 tuổi.

Chị Cảnh cho hay, chị nghỉ học khi còn rất nhỏ, sau đó lấy chồng và không biết đến ngày 8/3 là gì.

Cuộc sống của phụ nữ Đan Lai thường gắn mình với chiếc gùi Ảnh : Hữu Vi
Cuộc sống của phụ nữ Đan Lai thường gắn mình với chiếc gùi. Ảnh : Hữu Vi

Bà Chương Thị Lập, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Búng cho hay: Cả bản có 125 hội viên. Bản cũng chưa bao giờ tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Sự kiện thường chỉ diễn ra ở trung tâm xã và các thôn bản có điều kiện kinh tế hơn. Phụ nữ Đan Lai ở bản Búng rất vất vả trong việc lo cái ăn, cái mặc, trong khi nguồn kinh phí tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ chỉ có thể quyên góp từ hội viên.

Với họ, tổ chức mừng ngày 8 tháng 3 là một điều gì đó xa lạ lắm Ảnh : Hữu Vi
Với họ, tổ chức mừng ngày 8 tháng 3 là một điều gì đó xa lạ lắm. Ảnh: Hữu Vi

Tại bản Búng có một điểm trường mầm non và tiểu học. Thế nhưng, vào ngày Quốc tế Phụ nữ, các cô giáo phải về chung vui cùng đồng nghiệp tại trụ sở chính cách đó trên 20km.

“Ở đây, chị em cực kỳ vất vả. Phần lớn thời gian của họ đều ở trên rừng, trong khi nam giới vẫn có thói quen uống rượu. Tổ chức mừng ngày 8/3 gần như là một điều xa xỉ với phụ nữ bản Búng” - Anh Nguyễn Cảnh Tân, cán bộ biên phòng đã gắn bó liên tục 2 năm tại tổ công tác bản Búng chia sẻ.

Mới nhất
x
Cuộc sống của những phụ nữ ở nơi sơn cùng thủy tận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO