(Baonghean.vn) – Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, gần 15 năm "cắm bản" ở rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), cuộc sống của cô giáo Nguyễn Thị Sáu vẫn là cảnh tạm bợ.
|
Cô Nguyễn Thị Sáu (SN 1963) quê xã Tân Sơn (Đô Lương) công tác tại Trường PTCS Tây Sơn (Kỳ Sơn) từ năm 2003. Trước đó, cô từng dạy học tại huyện vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Công Kiên |
|
Hầu hết khoảng thời gian dạy học tại Kỳ Sơn, cô Nguyễn Thị Sáu đảm nhận công việc tại những điểm trường xa trung tâm. Năm học này, do tuổi cao, còn 1 năm đến tuổi nghỉ hưu, cô được bố trí dạy tại điểm trường chính thuộc bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên |
|
Gần 15 năm làm giáo viên cắm bản, cuộc sống của cô giáo Nguyễn Thị Sáu còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, cô ở trong căn phòng tập thể khoảng 4 m2, chỉ đủ kê chiếc giường và chiếc bàn nhỏ với bao đồ đạc bề bộn. Ảnh: Công Kiên |
|
Dãy nhà tập thể được làm từ nhiều năm trước, phía trên ngói đã bị dột, trần nhà bị bong tróc, mỗi khi mưa xuống phải sơ tán đồ đạc trong phòng. Ảnh: Công Kiên |
|
Thức ăn hàng ngày của cô Sáu và các giáo viên "cắm bản" chủ yếu là cá khô và muối lạc được tích trữ sau mỗi chuyến về quê hoặc ra trung tâm huyện. Ảnh: Công Kiên |
|
Bị mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường, cô giáo Nguyễn Thị Sáu phải ăn kiêng nên tự nấu ăn riêng, không ăn cùng tập thể giáo viên trong trường. Hiện tại, cô có con trai năm nay 17 tuổi đang ở quê, học sinh trường THPT Đô Lương 3 phải một mình tự lo liệu việc ăn học. Ảnh: Công Kiên |
|
Sau ngần ấy năm công tác, cô vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, mức thu nhập quá thấp, hiện ở mức khoảng 3 triệu đồng/tháng. Do bỏ giữa chừng nên khoảng thời gian 8 năm công tác ở Quảng Nam không được tính vào năm công tác nên tính đến nay thời gian công tác của cô mới được 14 năm. Năm 2018 cô đến tuổi nghỉ hưu, trong khi số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ so với quy định. Ảnh: Công Kiên |
Công Kiên