Cuộc triển lãm định hướng thẩm mỹ
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang giới thiệu triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Linh vật nghê thuần Việt được giới thiệu tại triển lãm... |
Triển lãm được tổ chức tại Thái Nguyên đã vượt trên tầm của một triển lãm thông thường, mang ý nghĩa định hướng thẩm mỹ. Nhận diện linh vật Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự xuất hiện của những con sư tử đá ngoại lai tại một số điểm di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề được tranh luận sôi nổi. Rõ ràng, từ góc nhìn truyền thống mang tính biểu tượng, không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng.
Thực tế trên có nguyên nhân từ khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật, đặc biệt, công chúng thiếu cơ hội để khám phá, tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như biểu tượng văn hóa của một số linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, cho biết, thời Lý, khi đạo Phật được coi là quốc giáo thì sư tử và nghê của Việt Nam được tạo tác mang tinh thần của đạo Phật. Sang đến thời Trần, trải qua 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, linh vật nghê được chế tác mang dáng vẻ khỏe khoắn, mang tâm thế tự tin của dân tộc.
Tính biểu tượng là sự trung thành của con chó, sự mạnh mẽ của sư tử và sự uy quyền của con rồng. Trải qua các thời kỳ, linh vật của Việt Nam đều biểu đạt những khát khao, tâm tưởng và mang đậm cốt cách hiền hòa thân thiện của con người Việt Nam. Trong khi đó, linh vật ngoại lai luôn thể hiện sự dữ dằn, dọa dẫm gớm ghiếc.
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, hậu Lê đến Nguyễn là những hình tượng sư tử và nghê mang giá trị của linh vật Việt. Đánh giá chung, sư tử và nghê của ta được hình tượng hóa những nét đẹp của các con vật, trở thành mô típ trang trí mang giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao.
Đặc biệt, về mặt giá trị ý nghĩa thì linh vật thuần Việt trông hiền hòa chứ không dữ dằn; thân hình rắn chắc, cương nghị chứ không phô trương; những đường râu, lông, bờm hướng thẳng mạnh mẽ chứ không uốn éo cầu kỳ. Linh vật Việt toát lên tâm tính của người Việt là giản dị, hiền hòa, thân thiện nhưng cũng rất kiên cường, tinh tế. Quan trọng hơn là linh vật của ta thường được đặt bày tại những vị trí trang trọng, linh thiêng như đền, chùa…
Trong khi đó, sư tử đá ngoại lai chủ yếu được đặt tại lăng mộ với chức năng tâm linh là canh quản nơi yên nghỉ cho người chết. Định hướng thẩm mỹ Tiếp tục phát triển ý nghĩa của triển lãm, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, triển lãm có ý nghĩa nhằm định hướng thẩm mỹ công chúng. Từ đó, giúp công chúng nâng cao sự hiểu biết, trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thực tế, qua việc tổ chức triển lãm tại các địa phương khác đã tạo nên phong trào sáng tạo linh vật Việt Nam rất sôi nổi. Theo bà Liên, sư tử ngoại lai thường ôm hoặc đè chân lên một quả cầu (ngậm ngọc) rất to, thể hiện tư tưởng bá quyền.
Theo Luật Di sản thì những nơi thờ tự, nơi đã được công nhận di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, dứt khoát phải di chuyển linh vật ngoại lai ra khỏi đó. Sau khi tham quan triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”, anh Nguyễn Minh Hải, một du khách, cho biết, những linh vật được trưng bày có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ rất cao, mang đậm nét văn hóa Việt. Rõ ràng, nếu thiếu hiểu biết khi chọn bày linh vật thì chẳng những không mang đến sự linh thiêng, an lạc mà còn rước họa vì trước nhất là bị chỉ trích. Anh Hải kết luận, để chọn bày linh vật thì cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo...
Theo NNVN