'Cuộc vận động…' hay kinh doanh trá hình ?
Giao chỉ tiêu bán sữa
Tại xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phúc, chị Phan Thị Hoàng – Chi hội trưởng hội phụ nữ cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, năm nào Hội Phụ nữ xã cũng giao chỉ tiêu cho các chi hội trưởng phụ nữ như chúng tôi phải bán được 2 thùng sữa đậu nành Vạn Xuân, mỗi thùng 15 hộp 800g, để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mỗi hộp sữa bán được các chi hội trưởng được hưởng hoa hồng là 10 nghìn đồng. Nếu không hoàn thành sẽ bị nhắc nhở trong các cuộc họp hội phụ nữ xã. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu, tôi phải vận động người nhà mua hoặc bán chịu cho các gia đình trong xóm rồi bỏ tiền túi để thanh toán cho công ty”.
Tìm đến nhà chị Phạm Thị Thu – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diễn Phúc, biết chúng tôi hỏi đến sản phẩm này, chị vội vàng vào bếp lấy ra một hộp mẫu cho chúng tôi xem. Một hộp sữa 900g, đề giá bán lẻ 90.000 đồng. Rồi chị nói thật với chúng tôi: Nhà neo người, ăn chẳng mấy nên mình cũng không thích lắm mô. Toàn phải mua thêm sữa đặc về để làm sữa chua thôi. Còn bình thường mình hay uống các sản phẩm sữa đóng sẵn trong hộp, về bỏ tủ lạnh ăn tiện hơn.
Về việc triển khai việc bán sữa này ở xã, chị cho biết: “Trước đây, ở Diễn Phúc, sản phẩm này cũng đã được phân phối qua Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... nhưng không tiêu thụ được, phải trả lại rất nhiều. Bản thân tôi cũng rất băn khoăn khi thấy sản phẩm này không được bày bán trên thị trường, nhưng khi cấp trên chỉ đạo việc sử dụng sản phẩm này là góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời giao chỉ tiêu mỗi chi hội bán 2 thùng thì tôi cũng động viên các chi hội trưởng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của hội. Tuy nhiên, không phải chi hội nào cũng bán được, như ở chi hội 7 và chi hội 1, chị em ở đây nhất định không mua. Có lẽ do khu dân cư này gần thị trấn, mức sống cao nên bà con không tin tưởng lắm”.
Sản phẩm sữa Vạn Xuân. |
Còn bà Hà Thị Thơ – Phó Chủ tịch Hội LHPN Diễn Châu cho biết: “Khi Công ty Rồng Vàng đến đặt vấn đề về việc đưa sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân xuống các hội viên phụ nữ, lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện cũng nghi ngại do sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân ít người biết đến, lại không có mặt trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, công ty đã đưa ra các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đó là Công văn số 865/CV-ĐCT của Đoàn chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam ngày 14/9/2013 yêu cầu Hội LHPN các tỉnh, thành hợp tác với công ty tuyên truyền cho chị em cung cấp nguyên liệu đậu nành và sử dụng các sản phẩm của công ty nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em và cộng đồng; Công văn số 64/VC – BTV của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An về việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, yêu cầu Hội LHPN các huyện, thành, thị phối hợp với công ty tổ chức giới thiệu và phân phối các sản phẩm của Công ty Rồng Vàng.
Do đó, Hội LHPN huyện đã đồng ý để công ty tổ chức hội thảo với thành phần tham dự là đại diện các ban, ngành, đoàn thể và các chi hội trưởng hội phụ nữ trong toàn huyện. Trong suốt cuộc hội thảo, các thành viên của Công ty Rồng Vàng mặc quân phục và tự giới thiệu là một “doanh nghiệp do những cựu chiến binh đứng ra sáng lập và trực tiếp điều hành và trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội, công ty đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và người tiêu dùng. Sau đó, để giúp công ty tiêu thụ được sản phẩm, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện hội đã họp và thống nhất giao chỉ tiêu cho các chi hội, mỗi chi hội ít nhất một thùng 15 hộp 800 gr. Theo chỉ tiêu, cả huyện có 585 chi hội, mỗi chi hội một thùng. Nhưng chỉ sau một tháng triển khai các chi hội trên địa bàn huyện đã bán được 7.831 hộp, vượt chỉ tiêu đề ra”.
“Cuộc vận động…” hay kinh doanh trá hình
Theo Thông báo số 264 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì nhiệm vụ của cuộc vận động là: “Tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam…; Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hoá, dịch vụ làm ra; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; Các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức rà soát, ban hành bổ sung các qui định, cơ chế (không trái với các quy định của WTO); khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân...”.
Như vậy, nhiệm vụ chính của cuộc vận động là tuyên truyền cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp hướng tới thói quen sử dụng và sản xuất những sản phẩm trong nước có chất lượng. Và như vậy, việc tuyên truyền nên hướng tới những mặt hàng nội địa đang bị lấn lướt bởi các sản phẩm nhập ngoại. Nhưng, trên thị trường sữa hiện nay, nếu như ở mặt hàng sữa công thức, các mặt hàng sữa ngoại đang lấn lướt thì ở mặt hàng sữa đậu nành, hàng nội đang chiếm ưu thế với nhiều sản phẩm có tiếng như Fami, Đậu nành mè đen (của Công ty Vinasoy), V-Fresh, Goldsoy (Vinamilk), Trisoy (Tribeco), Soya Number 1 (Tân Hiệp Phát)… Do đó, nếu nói việc Hội Phụ nữ các cấp từ tỉnh đến xã yêu cầu các chi hội tiêu thụ sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân – một sản phẩm không có mặt trên thị trường bán lẻ và từng bị phàn nàn về chất lượng, như là một hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là không hợp lý.
Điều đáng nói nữa là trong Công văn số 865/CV-ĐCT của Đoàn chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam ngày 14/9/2013 chỉ đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành tuyên truyền cho chị em sử dụng các sản phẩm của công ty chứ không đề cập tới cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhưng Công văn số 64/VC – BTV của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An lại nhấn mạnh đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời giới thiệu rằng “sản phẩm sữa đậu nành của công ty được người tiêu dùng rất ưa chuộng” khiến văn bản này vô hình trung trở thành một văn bản quảng cáo cho sản phẩm.
Các văn bản chỉ đạo khác nhau giữa T.Ư hội, tỉnh và Hội LHPN huyện. |
Một số kiến nghị khác thì nghi ngờ đặt câu hỏi: Nói uống sữa Vạn Xuân là để tăng cường sức khỏe nhưng liệu có “tăng” được không khi một năm công ty chỉ về tiếp thị, “đánh quả” một lần rồi mất tích luôn. Người dân muốn mua thêm cũng không có nơi nào để mua. Hiệu quả thì chắc chắn không đem lại rồi, nhưng chỉ tính sơ sơ, riêng huyện Diễn Châu người dân đã phải bỏ 800.000.000 đồng để “ủng hộ” cuộc vận động. Nhân lên toàn tỉnh, thì đây la một con số không hề nhỏ.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, ông cho rằng nhiệm vụ chính của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là tuyên truyền, vận động chứ không phải là tiếp thị sản phẩm. Việc tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về một sản phẩm nội địa nào đó là điều cần thiết nhưng phải là sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Còn việc giao chỉ tiêu cho các chi hội phụ nữ tiêu thụ sản phẩm là mang tính ép buộc, trái với chủ trương của cuộc vận động”.
Trước khi đến huyện Diễn Châu để tìm hiểu sự việc, chúng tôi dạo một vòng quanh các siêu thị (BigC, Intimex) và các cửa hàng tạp hóa, bách hóa ở TP Vinh để tìm hiểu về sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân nhưng tuyệt nhiên không thấy sản phẩm này được bày bán. Gõ “Công ty Rồng Vàng” vào trang tìm kiếm Google không thấy website nào của công ty có sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân mà chỉ có địa chỉ của Công ty là “khối Bãi Phượng – phường Yên Giang – TP Hà Đông – Hà Nội”. Khi tìm kiếm với từ khóa “Sữa đậu nành Vạn Xuân” thì đập vào mắt chúng tôi là tiêu đề những bài viết phản ánh về chất lượng kém của sản phẩm này. Các bài viết được đăng trên phiên bản điện tử của các báo Quân đội nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ, SGGP… trong khoảng thời gian từ tháng 12/2008 đến tháng 4/2009, nói về việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân kém chất lượng của Công ty TNHH Rồng Vàng Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội) ở Lâm Đồng. Trên báo điện tử Bắc Giang ngày 23/4/2009 có bài “Nghi ngại dùng sữa Vạn Xuân đậu nành – vì sao?” phản ánh nhiều học sinh tiểu học ở Thành phố Bắc Giang bị ngộ độc thực phẩm, nghi do uống sữa đậu nành Vạn Xuân – sản phẩm được đưa vào các nhà trường theo Chương trình “Chăm sóc sức khỏe học đường bằng sữa Vạn Xuân” do Công ty Rồng Vàng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang tổ chức. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã ban hành các công văn yêu cầu các nhà trường không cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sử dụng bột sữa đậu nành Vạn Xuân của Công ty Rồng Vàng Việt Nam. Công văn số 728 còn cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang đã kiểm nghiệm 4 chỉ tiêu hóa và 9 chỉ tiêu vi sinh vật trên mẫu sữa Vạn Xuân đậu nành lấy tại Trường Mần non Hoa Sen – TP Bắc Giang” và phát hiện “1 chỉ tiêu vi sinh vật đó là tổng số bào tử nấm men – nấm mốc cao vượt quá giới hạn do cơ sở công bố tiêu chuẩn trong hồ sơ cũng như ghi trên nhãn sản phẩm và vượt tiêu chuẩn về chỉ số vi sinh vật theo quy định của Bộ Y tế”. |
Bài, ảnh: Minh Quân - Mỹ Hà