Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam với xu thế thời đại

06/10/2014 09:01

Từ khi ra đời (năm 1930) đến nay, gần 3/4 thế kỷ qua, Đảng ta đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam với ba Cương lĩnh chính trị. Mỗi Cương lĩnh đều có vai trò lịch sử trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc ta.

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn
Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt”, được Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930 thông qua. Sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất họp tại Hương Cảng đã kế thừa hai văn kiện trên, hình thành “Luận cương chính trị của Đảng” vào tháng 10-1930.

Thực hiện Chánh cương, Luận cương, năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), mở ra thời đại mới cho dân tộc ta-thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ chính trị do nhân dân làm chủ Nhà nước và xã hội. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những đế quốc hung bạo nhất thời đại, bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một lần nữa, nhân dân ta lại vượt qua thử thách hiểm nghèo. Mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ bị sụp đổ tại trung tâm của hệ thống XHCN. Chế độ chính trị ở Liên Xô, các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ (1989-1991). Là một quốc gia chưa phát triển, lại vừa trải qua 30 năm chiến tranh, bị Hoa Kỳ bao vây cấm vận, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện công cuộc đổi mới mở đầu từ Đại hội VI, năm 1986. Tại Đại hội VII, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991. Đây là Cương lĩnh thứ hai của Đảng.

Thực hiện Cương lĩnh thứ hai, Đảng và nhân dân ta một mặt kiên trì mục tiêu và các nguyên tắc của CNXH, mặt khác chuyển đổi mô hình xây dựng đất nước từ mô hình cũ với Nhà nước “chuyên chính vô sản”, “kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp” sang mô hình mới về CNXH. Về chế độ chính trị, đó là chế độ do “nhân dân lao động làm chủ”; về kinh tế, đó là nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”… Tại Đại hội XI, năm 2011, một lần nữa, Đảng ta điều chỉnh Cương lĩnh 1991. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) là Cương lĩnh thứ ba của Đảng ta. Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định con đường XHCN, mà đưa vào văn kiện này những nội dung mới phù hợp với những xu thế lớn của thời đại. Đó là xu thế “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, đồng thời, Cương lĩnh cũng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực. Đó là “… chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang,… hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế”.

Thời gian gần đây, trên một số mạng xã hội, có cá nhân, thậm chí có những nhóm người dưới những hình thức khác nhau, đưa vào tuyên bố của tổ chức “hội”, “đoàn” “độc lập” (những tổ chức không được chính quyền cho phép), viết “thư ngỏ” gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phê phán, thậm chí xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: “Công cuộc đổi mới gần 30 năm… vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc”. Họ “kiến nghị” “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ…”.

Vậy, về mặt lý luận và thực tiễn những kiến nghị đó ra sao? Và nếu đi theo con đường mà một số người kiến nghị thì chế độ xã hội, thành quả cách mạng, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta sẽ như thế nào?

Trước hết, về mặt lý luận và thực tiễn, “kiến nghị” mà một số người đưa ra không có gì mới và xa lạ với thực tiễn của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua của nhân dân ta. Không phủ nhận rằng, trong nhiều năm qua, xã hội ta đã tồn tại nhiều vấn đề kinh tế, xã hội chưa được giải quyết như xu hướng phân hóa giàu-nghèo chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, công nhân ở nhiều khu công nghiệp còn nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp dẫn đến làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Điều này đã được Đảng ta công khai, thẳng thắn thừa nhận và đưa ra các giải pháp khắc phục trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI).

Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng, thể chế hiện nay là “độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc" và kiến nghị “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH” thì chẳng những đã xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị. Như mọi người đều biết, sở dĩ Việt Nam trụ vững sau sự kiện Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ bao vây, cấm vận, đời sống của tuyệt đại đa số nhân dân được cải thiện, chủ quyền quốc gia được giữ vững là nhờ có đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta.

Về tư tưởng, chính trị, việc một số người kêu gọi thay đổi Cương lĩnh có nghĩa là xóa bỏ mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội “… Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là xóa bỏ chế độ xã hội do “nhân dân làm chủ” với “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (Cương lĩnh 2011). Hơn nữa, điều này cũng có nghĩa là xóa bỏ cả quyền con người và quyền công dân được Cương lĩnh 2011 ghi nhận, đặc biệt được quy định tại Chương II, Hiến pháp 2013.

Về kinh tế, việc kêu gọi xóa bỏ Cương lĩnh cũng có nghĩa là xóa bỏ: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối...”. Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là “nền kinh tế thị trường”, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Về đối ngoại và quốc phòng, kêu gọi xóa bỏ Cương lĩnh cũng có nghĩa là xóa bỏ đường lối “Đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…” ; là xóa bỏ đường lối quốc phòng “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” mà Cương lĩnh 2011 đã xác định.

Thứ hai, nếu đi theo con đường mà một số người kiến nghị: “Chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”… thì kịch bản và hậu quả sẽ như thế nào?

Trên thế giới có nhiều mô hình chuyển đổi thể chế chính trị từ chế độ “độc tài” sang “dân chủ” đã và đang diễn ra ở khu vực Nam Á, Trung Đông-Bắc Phi… Nhưng đằng sau những thay đổi đó là “kịch bản” có sẵn của các đại gia phương Tây với ý đồ thâu tóm quyền lực địa-chính trị và các nguồn tài nguyên không tái sinh, đặc biệt là dầu mỏ. Thực tế cho thấy, chưa có một mô hình chuyển đổi nào mà không phải trả giá bằng bạo loạn và sự bất ổn dường như không có hồi kết. Sự thay đổi thể chế “xã hội XHCN” sang con đường tư bản chủ nghĩa như Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu cũng đã phải gánh chịu những hậu quả.

Về khách quan, nếu Việt Nam thay đổi thể chế, xóa bỏ “Cương lĩnh” đi theo con đường XHCN, thì sẽ diễn ra sự thay đổi thể chế theo mô hình cải tổ của Liên Xô với giai điệu ngọt ngào “cải tổ để có nhiều CNXH hơn”. Tất nhiên, với Việt Nam thì còn tiềm ẩn những yếu tố, những nguy cơ khác, vốn là một vấn đề lịch sử mang tính thời sự.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, công trình nghiên cứu “Bài học về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô” (đăng trên Báo Nhân Dân) cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ là do sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị.

Ai đó cho rằng, chỉ có chuyển chế độ chính trị thì mới có điều kiện bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ thì đó là một ảo tưởng ngây thơ. Từ khi trở thành lực lượng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải nghiệm các quan hệ với hầu hết các nước lớn. Nếu nghĩ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “giáo điều” về hệ tư tưởng, vẫn “hồn nhiên” trước ngôn từ ngoại giao của các chính trị gia nước lớn thì đó là sai lầm. Việt Nam cho rằng, các quan hệ “đối tác” và “đối tượng” có thể chuyển đổi cho nhau. Phải đứng trên lợi ích dân tộc, gắn với chế độ chính trị để sàng lọc các quan hệ quốc tế cơ bản và những quan hệ hợp tác cụ thể. Tất nhiên, tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được mài sắc dựa trên những sự kiện chính trị đã và đang diễn ra gần đây.

Lãnh đạo Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, sẽ bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi biện pháp có thể, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam không loại bỏ bất cứ quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự nào với các quốc gia, nếu nó đem lại lợi ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam, với Cương lĩnh 2011 là lực lượng chính trị duy nhất có đủ các điều kiện về tư tưởng, chính trị; về khả năng đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, cũng như năng lực tư duy chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Theo QĐND

Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam với xu thế thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO