Cựu giám đốc Ban quản lý Dự án nước Sông Đà bị truy tố như thế nào?
Cựu giám đốc ban quản lý dự án nước Sông Đà bị cáo buộc không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, tắc trách trong việc kiểm soát nguyên liệu.
Thực hiện chủ trương phát triển đô thị và môi trường của chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội, trong đó yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư thực hiện là xây dựng một hệ thống cấp nước lâu dài, bền vững và ổn định, nên Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (viết tắt là Tổng Công ty Vinaconex) đã có chủ trương đầu tư xây dựng dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Đông (viết tắt là Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội).
Đường dẫn nước sông Đà trong một lần bị vỡ |
Sau khi trình lên Chính phủ, và được Thủ tướng phê duyệt, Tổng Công ty Vinaconex bắt tay vào thực hiện dự án.
Để thực hiện quản lý đầu tư xây dựng dự án, Tổng Công ty Vinaconex có các quyết định về việc thành lập, bổ nhiệm lãnh đạo, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (SN 1960, trú tại Hà Nội) được giao trọng trách làm giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội. Bị cáo Trung nhận nhiệm vụ phụ trách chung.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải ( trú tại Hà Nội) được giao trách nhiệm Phó giám đốc ban quản lý dự án, phụ trách vật tư thiết bị. Bị cáo Trương Trần Hiển làm trưởng phòng vật tư thiết bị.
Theo quy chế tổ chức và hoạt động, ban quản lý dự án có chức năng nhiệm vụ thay thế chủ đầu tư dự án tổ chức, quản lý và thực hiện đầu tư, giám sát và điều hành thi công dự án đầu tư từ giai đoạn khởi công đến giai đoạn hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Công ty Vinaconex về chất lượng công trình.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án còn thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình theo một nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng.
Trong quá trình hoạt động, Bản quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội đã không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào dùng cho dự án dẫn đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.
Khi thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống và phụ kiện Composite cốt sợi thủy tinh là Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex để cung cấp, lắp đặt cho hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án đã không kiểm tra đầy đủ các tiêu chí.
Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý xây dựng, ban quản lý dự án cùng tư vấn giám sát đã phát hiện nhiều sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh không đạt tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế nhưng không tổ chức thu hồi mà vẫn cho lắp đặt.
Kết luận của Bộ Xây dựng xác định, nguyên nhân chính gây ra việc vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống cốt sợi thủy tinh đã lắp đặt cho dự án không đảm bảo chất lượng, độ bền lâu của tuyến ống không đảm bảo 50 năm.
Từ ngày 4/2/2012 – 26/9/2015, tuyến ống truyền tải nước sạch đã bị vỡ 14 lần, số lượng 18 cây ống cốt sợi thủy tinh bị vỡ. Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex – đơn vị khai thác đường ống dẫn nước đã phải chi phí gần 13,5 tỷ đồng để khắc phục sự cố.
Theo cáo buộc, trách nhiệm vụ việc thuộc về giám đốc ban quản lý dự án là Hoàng Thế Trung và các thuộc cấp.
Đây là những người có trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ quản lý điều hành dự án, phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu dùng cho dự án.
Bị cáo Trung và hai thuộc cấp bị cơ quan tố tụng truy tố tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ Luật hình sự.
Ngoài bị cáo Trung và hai thuộc cấp tại dự án, trong vụ án này còn truy tố các bị cáo: Trần Cao Bằng (SN 1954, quê Nam Định), Vũ Thanh Hải (SN 1960, quê Nam Định) – thuộc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Thanh Trì (SN 1968, quê Phú Thọ), Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, trú tại Hà Nội), Hoàng Quốc Thống (SN 1955, quê Nam Định), Bùi Minh Quân (SN 1972, trú tại Hà Nội) đều thuộc Công ty Cổ phần nước và Môi trường Việt Nam. Các bị cáo bị truy tố theo khoản 2, điều 229 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, còn có trách nhiệm của các thành viên HĐQT Tổng Công ty Vinaconex. Kết quả điều tra xác định sai phạm của HĐQT Vinaconex là, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, sử dụng ống cốt thủy tinh thay cho ống gang dẻo, ống thép để lắp đặt cho tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm để cung cấp ống composite cho dự án; sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, việc thay đổi vật liệu, HĐQT muốn tiết kiệm kinh phí đầu tư, thu hồi vốn nhanh và không biết việc làm vi phạm các quy định về xây dựng trong quá trình sản xuất, nghiệm thu, lắp đặt tuyến ống của các bị cáo ở quan bản lý dự án và Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex.
Một số thành viên HĐQT đã nghỉ hưu, người thì mắc bệnh hiểm nghèo nên cơ quan điều tra xem xét xử lý sau.
Hiện TAND Hà Nội đang xem xét hồ sơ vụ án./.
Dự án có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của: Ngân hàng Phát triền Việt Nam 650 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 246 tỷ đồng; Ngân hàng Natexis Banques Populaires (Pháp) hơn 13,6 triệu USD. Ngoài ra dự án còn sử dụng vốn tự có và một số nguồn vốn khác khoảng 332 tỷ đồng. Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp tuyến ống là 122 tỷ đồng. |
Theo vov
TIN LIÊN QUAN |
---|