Cứu hộ, cứu nạn ở Cửa Lò: Chuyên nghiệp và trách nhiệm
(Baonghean) - Trong nỗ lực chung để Cửa Lò trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch, có sự đóng góp lặng thầm của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn, cảnh báo, cấp cứu đuối nước trên biển, giúp du khách thoải mái và yên tâm mỗi khi đến với Cửa Lò.
Tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. |
Những câu chuyện cảm động
Trong bức thư đề ngày 19/7/2013 gửi UBND và Trung tâm cứu hộ cứu nạn phòng chống thiên tai (PCTT) Thị xã Cửa Lò, anh Nguyễn Trung Thành, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội viết: “Tháng 6 năm 2013 tôi đi du lịch nghỉ mát, tắm biển tại Cửa Lò. Do sơ suất tôi bị nước chảy đẩy trôi ra xa. Đang trong tình huống nguy kịch thì được các anh cứu hộ phát hiện kịp thời dùng phương tiện mô tô nước đưa vào bờ làm các biện pháp sơ cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, các anh đã dùng ô tô đưa tôi vào Bệnh viện đa khoa thị xã để tiếp tục hồi sức… Tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo thị xã đã bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm có trách nhiệm cao và tấm lòng vì sự an toàn của du khách và cũng xin cảm ơn anh em trong Trung tâm cứu hộ, đặc biệt là ca trực tại bãi tắm trước khách sạn Tây Đô hôm đó đã nhiệt tình giúp đỡ tôi. Muôn lần xin cảm ơn các anh”. Những tình cảm ấm áp của khách du lịch dành cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở bãi biển Cửa Lò, cũng là động lực để họ nỗ lực hơn vì một đô thị biển văn minh, thân thiện và mến khách.
Đến tận bây giờ nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Văn Tùng (phường Nghi Thủy) vẫn được những người làm công tác cứu hộ nhắc đến như một tấm gương về tinh thần trách nhiệm trong công việc dù hiện nay anh đã chuyển sang làm công việc khác. Chuyện là, sau khi anh cứu một cậu bé 9 tuổi bị đuối nước khi cùng ông nội đi tắm biển ở Cửa Lò, gia đình của cậu bé ở Hà Nội đã mang phong bì trị giá 35 triệu đồng đến cảm ơn anh nhưng anh Tùng đã từ chối. Nằn nì mãi anh mới nhận một triệu đồng mời anh em trong ca trực đi uống nước, số tiền còn lại anh mua một cân mực khô làm quà biếu lại gia đình. Nghĩa cử của anh khiến gia đình cậu bé rất cảm kích và còn rất nhiều câu chuyện khác cũng để lại ấn tượng đẹp về lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, trách nhiệm của một đô thị biển văn minh, thân thiện, hiếu khách.
Ông Nguyễn Doãn Phụng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, cứu nạn và PCTT Cửa Lò cho biết: Công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu đuối nước, đảm bảo an toàn cho khách tắm biển luôn được lãnh đạo Thị xã Cửa Lò cũng như Trung tâm xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch của địa phương... Vì thế, hàng năm, vào dịp chuẩn bị khai trương mùa du lịch biển, bên cạnh việc tu sửa, nâng cấp các phương tiện cấp cứu biển hiện có như tàu cao tốc, ca nô, mô tô nước… Trung tâm tuyển chọn lực lượng tham gia cảnh báo, cấp cứu biển. Ngoài kiển tra khả năng bơi lội, sức khỏe, những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn còn được tập huấn về công tác sơ cấp cứu y tế, kỹ năng phản ứng nhanh ,văn hóa ứng xử với khách du lịch bằng sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm cao, làm sao để nhắc nhở khách chú ý về sự an toàn, cảnh báo nguy cơ mà vẫn không khiến khách có cảm giác khó chịu vì thấy bị làm phiền.
Công tác cứu hộ, cứu nạn, cảnh báo nguy cơ cho du khách khi tham gia tắm biển là công việc lặng thầm, đòi hỏi sự tập trung kiên trì nếu như không có tâm thì không thể làm được. Trừ 12 cán bộ, nhân viên của trung tâm, lực lượng làm cứu hộ, cứu nạn chủ yếu là nhân viên hợp đồng thời vụ trong 5 tháng du lịch. Có những người đã gắn bó với nghề được vài ba năm, có người chỉ làm một hai mùa rồi nghỉ, nhưng khi đã nhận việc, họ đều phát huy cao tinh thần trách nhiệm của mình, làm việc một cách chuyên nghiệp bởi “chỉ cần một phút sơ sểnh cũng có thể để lại hậu quả đáng tiếc”.
Coi trọng nhắc nhở, cảnh báo
Theo anh Trần Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn và Phòng chống thiên tai Thị xã Cửa Lò thì để đảm bảo an toàn cho du khách, quan trọng nhất vẫn là công tác nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa từ xa. Bởi vậy, ngay từ đầu mùa du lịch công tác tuyên truyền đảm bảo thực hiện các quy định an toàn khi tắm biển đã được chính quyền thị xã cũng như trung tâm hết sức chú trọng. Ngoài các công văn, chỉ thị của tỉnh cũng như của thị xã gửi đến từng cơ sở lưu trú về việc khuyến cáo khách du lịch đảm bảo các quy định an toàn khi xuống tắm. Nghiêm cấm các ki ốt kinh doanh dịch vụ du lịch cho du khách thuê phao xăm và các thiết bị cứu sinh không an toàn để tắm biển. Trung tâm còn ban hành nội qui cảnh báo tắm biển, hoàn thiện hệ thống các phao chỉ giới, chỉ dẫn và phao ngăn cách dọc khu vực các bãi tắm; bố trí các biển báo và thiết bị cảnh báo khu vực tắm không an toàn tại những nơi xác định vũng sâu, nước xoáy, đá ngầm có nguy cơ cao; phân công lực lượng phụ trách ở 3 vòng. Vòng thứ nhất trực cảnh báo từ xa bằng phương tiện tàu thuyền hoặc đài quan sát; Vòng thứ 2 là áp sát khu vực có du khách đang tắm biển và vòng 3 là ở trên bờ biển với nhiệm vụ tuyên truyền du khách tắm đúng nơi quy định và cảnh báo các nguy cơ đuối nước.
Ngoài ra, dọc bãi tắm còn bố trí hệ thống phao và cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm để du khách phòng tránh, bố trí 3 nhà trực cấp cứu biển bố trí tại phường Thu Thủy, Nghi Hương (Cửa Lò) và Hải Hòa (Cửa Hội), các tổ trực cảnh báo và xử lý sự cố vào ban đêm. Bên cạnh đó còn có 17 điểm trực cảnh giới trên bờ, 3 hệ thống trực cấp cứu, 2 kính viễn vọng quan sát và hệ thống loa phóng thanh 15 phút một lần luôn phát đi những thông tin khuyến cáo du khách đảm bảo an toàn khi tắm. Chị Lan Phương - du khách đến từ phường Ngọc Hà, Hà Nội nhận xét: "So với nhiều nơi khác, Cửa Lò có bãi tắm đẹp, bằng phẳng, đội ngũ nhân viên cứu hộ hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm nên chúng tôi cảm thấy rất yên tâm khi cùng gia đình nghỉ ngơi, tắm biển ở đây".
Tuy nhiên do bờ biển dài, các điểm trực cách xa nhau từ 300 - 400m, mật độ du khách đông, vào những ngày biển động, tầm nhìn bị hạn chế đã khiến cho những người làm công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn trong việc quan sát, nắm bắt tình hình và điều hành phối hợp. Bởi vậy, vào những ngày cao điểm phải huy động thêm lực lượng túc trực thường xuyên và trải đều trên các bãi tắm, sẵn sàng cứu hộ khi cần thiết. Một khó khăn nữa do bãi tắm không đơn thuần chỉ hoạt động du lịch tắm biển mà còn có cả nhân dân địa phương làm nghề chài lưới, buôn bán kinh doanh nên vẫn xảy ra hiện tượng di dời hoặc lấy cắp các thiết bị cảnh báo. Đa số người làm công tác cứu hộ là nhân viên hợp đồng thay đổi theo thời vụ, ít người gắn bó lâu dài, nên ý thức tổ chức chưa cao, hàng năm khi tuyển mới thường phải tập huấn, đào tạo từ đầu. Bên cạnh đó ý thức của một số du khách chưa cao, chủ quan, thích nhảy sóng, bơi xa không lường được nguy cơ tiềm ẩn của sóng khi biển động, phớt lờ cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Nhiều du khách uống nhiều rượu bia còn tỏ ra khó chịu, thiếu hợp tác thậm chí đòi đánh cả nhân viên cứu hộ khi được cảnh báo về sự an toàn khi tắm biển.
Theo các nhân viên cứu hộ thì “Công tác cứu hộ có được chuẩn bị chu đáo đến đâu cũng chỉ hạn chế chứ không thể ngăn được tai nạn nếu như những người tắm biển không ý thức được việc tự bảo vệ mình”. Ngoài việc thành lập các đội cứu hộ chuyên nghiệp để ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho các đối tượng nhân viên quản lý các khu du lịch, khách sạn, hồ bơi, bãi tắm, nhà hàng hoạt động ven biển; trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để bảo đảm an toàn cho du khách. Bên cạnh đó xây dựng đội ngũ tình nguyện viên là thanh niên trên địa bàn hoạt động tình nguyện ngắn hạn trong những ngày cao điểm vào mùa du lịch; phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Bởi thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cũng chính là sự quảng bá hình ảnh du lịch Cửa Lò - một điểm đến hấp dẫn, an toàn tạo cho du khách thật sự thoải mái, yên tâm khi về thăm quan, tắm biển.
Khánh Ly