Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên án: Phán quyết đi vào sử sách

Hoàng Bách 03/03/2021 08:21

(Baonghean.vn) - Chính trường nền Cộng hòa thứ năm đầu tuần này vừa được phen “dậy sóng” khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy chính thức bị một tòa án tại thủ đô Paris tuyên 1 năm tù và 2 năm án treo vì các tội danh tham nhũng và hối lộ. Thậm chí, một số hãng truyền thông còn nhận định, bê bối này chẳng khác nào một cú ngã đau điếng làm mất đi dáng vẻ ung dung của một nhân vật từng có 5 năm “tung hoành” trên sân khấu chính trị ở Pháp và trên trường quốc tế.

Vướng vào vòng lao lý

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, năm nay 66 tuổi, từng đảm nhiệm chức Tổng thống Pháp từ năm 2007 đến 2012, hiện là một thành viên quan trọng trong hội đồng cố vấn phi chính thức của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron. Nhưng dường như ánh hào quang từ sự nghiệp của vị chính khách này khó có thể kéo dài thêm nữa, khi hôm 1/3 vừa qua, ông Sarkozy đã bị tòa tuyên án với tội danh cố tìm cách hối lộ một vị thẩm phán bằng cách đề nghị giúp đỡ ông này có được một vị trí cấp cao tại Monaco. Với hành vi gây ảnh hưởng một cách phi pháp đến một vị luật sư cấp cao trong thời gian còn ngồi ghế Tổng thống, Sarkozy đã phải lĩnh án tù, đồng thời cũng đi vào sử sách một cách chẳng mấy vẻ vang, khi bản án của ông đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử hiện đại nước Pháp có một cựu Tổng thống bị kết án tham nhũng.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) tới phiên xét xử với cáo buộc tham nhũng tại tòa án Paris, ngày 1/3. Ảnh: Mercopress

Theo tờ DW, cựu lãnh đạo Pháp đã phải lĩnh án 3 năm - bao gồm 1 năm tù và 2 năm hưởng án treo. Tuy vậy, tòa án cho biết, ông Sarkozy vẫn có thể yêu cầu được giam giữ tại gia, nhưng phải đeo vòng giám sát điện tử. Tòa này cũng tuyên bố, những lời hứa hẹn mà ông Sarkozy từng đưa ra là “đặc biệt nghiêm trọng” bởi chúng xuất phát từ một cựu tổng thống lợi dụng địa vị của mình để giúp đỡ một thẩm phán từng đem lại lợi ích cá nhân cho mình. Không chỉ vậy, là một cựu luật sư, đáng lẽ ông Sarkozy hơn ai hết phải hiểu rất rõ đâu là những điều cấu thành hành vi phi pháp.

Kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2012, vị chính trị gia ngoài lục tuần đã liên tiếp phải đối diện với các cáo buộc hối lộ. Các công tố viên đã đưa ra cáo trạng rằng, ông Sarkozy đã cố gắng thu thập thông tin về một cuộc điều tra khác nhằm vào cáo buộc vi phạm tài chính trong đảng của ông. Để đạt được mục đích, ông Sarkozy đã đề nghị giúp đỡ thẩm phán Gilbert Azibert có được một vị trí cố vấn luật pháp hưởng thu nhập cao tại công quốc Monaco. Theo luật lệ của nước này, các tội danh hối lộ, gây ảnh hưởng trái pháp luật có thể phải chịu mức án lên tới 10 năm và án phạt lên tới 1 triệu euro. Tuy vậy, phát biểu tại tòa, ông Sarkozy vẫn khẳng định, bản thân “chưa từng có hành vi tham nhũng dù là nhỏ nhất”.

Vụ “nghe lén” trứ danh

Theo truyền thông phương Tây, vụ việc vừa đưa ra xét xử đầu tuần này được truy tố dựa trên cơ sở là các cuộc trò chuyện, trao đổi giữa ông Sarkozy với luật sư cũ của ông là Thierry Herzog. Tại Pháp, dư luận gọi đây là “vụ án nghe lén”, bởi các điều tra viên đã có động thái nghe lén các cuộc điện thoại giữa 2 nhân vật trên năm 2013 và 2014. Cùng với đó, họ cũng điều tra các cáo buộc rằng, ông Sarkozy nhận các khoản tiền phi pháp từ Liliane Bettencourt - người thừa kế của hãng mỹ phẩm nổi tiếng L'Oreal.

Cựu Tổng thống Sarkozy đã dùng tên giả “Paul Bismuth” trong các cuộc điện thoại ấy, khi ông bàn với Herzog về thẩm phán Azibert. Được biết, nhà lãnh đạo này từng nói rằng: “Tôi sẽ để ông ta được thăng tiến, tôi sẽ giúp ông ta”.

Cựu Tổng thống Sarkozy hiện vẫn được nhiều tình cảm ưu ái từ phe cánh hữu. Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Sarkozy hiện vẫn được nhiều tình cảm ưu ái từ phe cánh hữu. Ảnh: AP

Công tố viên Celine Guillet khẳng định, đã có bằng chứng chắc chắn để khẳng định rằng, thẩm phán Azibert đã chuyển thông tin mật về vụ án Bettencourt cho người bạn của mình là Herzog. Theo bà, thậm chí một cuộc trao đổi còn cho thấy rõ ràng rằng Sarkozy đã hứa can thiệp để giúp Azibert có được một vị trí tại Monaco.

Ở bên kia “chiến tuyến”, luật sư riêng của ông Sarkozy là bà Jacqueline Laffont cho rằng các cáo buộc của công tố viên đầy rẫy sai sót và “vô nghĩa”. Với bà, những đoạn trao đổi bị nghe lén đơn thuần chỉ là “những cuộc tán gẫu giữa bạn bè” mà thôi. Đội ngũ luật sư đứng sau cựu nguyên thủ Pháp cũng chỉ ra rằng, ông Azibert chưa bao giờ nhận công việc nào tại Monaco, nhưng trước lập luận ấy, giới công tố phản pháo rằng, theo luật của Pháp, một lời đề nghị hay hứa hẹn thôi cũng đã đủ để cấu thành tội danh tham nhũng.

Ảnh hưởng sự nghiệp chính trị?

Theo một số phóng viên của các tờ báo uy tín hiện diện tại phiên tòa ở Paris, phán quyết hôm thứ Hai được đánh giá là “một cú giáng thực thụ” đối với cựu Tổng thống Pháp. Đơn cử, từ góc độ của Lisa Louis - ký giả DW, ông Sarkozy đã hy vọng sẽ “ghi điểm” trong phiên tòa hôm ấy, nhưng mọi thứ lại đổ bể, thậm chí kết quả của phiên tòa còn có tác động vô cùng to lớn đến sự nghiệp chính trị của ông. Đó là chưa tính đến việc ông Sarkozy có thể đang trù tính quay trở lại sân khấu chính trị để tham gia các vòng chạy đua tranh cử tổng thống vào năm 2022. Nhưng nếu kế hoạch trên quả thực là vậy, thì giờ đây mọi thứ cũng đã khó khăn, gian truân hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Cựu Tổng thống Jacques Chirac cũng từng bị truy tố, nhưng được miễn thi hành án vì sức khỏe yếu.  Ảnh: Arab Weekly
Cựu Tổng thống Jacques Chirac cũng từng bị truy tố, nhưng được miễn thi hành án vì sức khỏe yếu. Ảnh: Arab Weekly

Lật lại quá khứ, không khó để thấy rằng, kể từ khi rời bỏ chiếc ghế cao nhất do mãn nhiệm năm 2012, ông Sarkozy đã hết lần này lượt khác vướng vào các tranh cãi pháp lý. Dù trong vụ Bettencourt, ông rốt cuộc đã được xóa bỏ mọi tội danh, nhưng một cuộc điều tra khác nhằm vào cáo buộc rằng nhà lãnh đạo này từng nhận hàng triệu euro từ Libya để “rót” vào chiến dịch tranh cử hồi năm 2007 hiện vẫn chưa khép lại. Thời điểm ấy, cố lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi vẫn đang nắm quyền. Người tố cáo ông Sarkozy, doanh nhân mang 2 quốc tịch Pháp và Liban Ziad Takieddine, cũng đã rút lại lời khai rằng bản thân đã giao những chiếc vali chứa đầy tiền mặt từ nhà lãnh đạo Libya. Câu chuyện chưa ngã ngũ, nhưng những mớ bòng bong pháp lý kéo dài đã nhấn chìm nỗ lực quay trở lại chính trường của Sarkozy trong cuộc đua tranh ghế tổng thống hồi năm 2017. Chẳng biết có ôm tâm lý chán nản hay chăng, nhưng cựu luật sư Sarkozy đã lên tiếng cho rằng, giới tư pháp có ác cảm với ông, xuất phát từ việc ông từng có những nỗ lực nhằm hạn chế quyền hạn của các thẩm phán khi còn là tổng thống.

Vị chính khách này đã rút khỏi các hoạt động chính trị từ năm 2018, nhưng kể từ mùa Hè năm ngoái, ông lại liên tục xuất hiện trước công chúng để quảng bá cho cuốn sách mới của mình. Người ta từng chứng kiến, hàng dài người hâm mộ xếp hàng trước các tiệm sách khắp nước Pháp, để chờ đợi được đích thân Sarkozy ký tặng vào cuốn hồi ký mới nhất “Thời đại bão tố” - cuốn sách đứng đầu danh sách bán chạy nhất suốt nhiều tuần lễ. Có lẽ tên tuổi của ông đã được “hâm nóng” ít nhiều trong thời gian qua, nhưng với đòn đau là phán quyết hôm thứ Hai từ tòa án, không ít người nghĩ rằng, ông Sarkozy nên cân nhắc lại ý định “tái xuất” trên chính trường nền Đệ Ngũ Cộng hòa, nếu có!

Mới nhất
x
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên án: Phán quyết đi vào sử sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO