Đã có thuốc trị bệnh tiểu dầm

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM là đơn vị đầu tiên tại phía Nam bắt đầu nhận điều trị trẻ em mắc bệnh tiểu dầm từ cuối tháng 7-2011.

Mới đây, một doanh nhân thành đạt ở TP.HCM đã đưa con gái 13 tuổi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. Bé học rất giỏi nhưng lại mắc chứng luôn tiểu dầm. Từ lúc bé 4 tuổi, mẹ bé đã đưa bé đến nhiều bệnh viện trong TP.HCM điều trị nhưng bác sĩ nào cũng trả lời mắc bệnh tiểu dầm do tâm lý, khi lớn sẽ hết. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi này đã được các bác sĩ cho uống thuốc điều trị và hiện đã hết tiểu dầm sau hơn hai tuần thăm khám.

Điều trị khi trẻ hơn 6 tuổi

Sở dĩ đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới nhận điều trị bệnh này vì trước đây phải lo điều trị nhiều bệnh nặng hơn và chưa thấy sự cần thiết trong việc tiếp nhận, điều trị căn bệnh này. Ngoài ra, đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán, điều trị hiệu quả chứng tiểu dầm của trẻ (máy niệu động học).

Phần lớn trẻ bị tiểu dầm sẽ hết khi trưởng thành (18 tuổi), tuy nhiên vẫn có khoảng 10% trẻ tiếp tục bị tiểu dầm đến lớn. Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trẻ trên 6 tuổi mà vẫn tiểu dầm cần đưa trẻ đến khám, thực hiện một số xét nghiệm đơn giản và có thể tiến hành điều trị. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiểu dầm, trong đó một số ít trường hợp liên quan đến tâm lý, gỡ bỏ những nguyên nhân này trẻ sẽ hết tiểu dầm. Những trường hợp này cần được bác sĩ tâm lý khám và tiến hành điều trị.

Các nguyên nhân gây tiểu dầm khác là tình trạng đa niệu về đêm (thiếu hụt hormon kháng lợi niệu hoặc còn được xem là thiếu hormon làm cô đặc nước tiểu vào ban đêm); hoặc do trẻ chìm vào giấc ngủ sâu, khó đánh thức, khả năng tự thức giấc khi bàng quang căng đầy vào đêm của trẻ còn rất hạn chế. Ngoài ra, trẻ tiểu dầm còn có yếu tố di truyền, trong trường hợp cả ba và mẹ trẻ đều tiểu dầm thì khả năng con bị tiểu dầm tăng lên đến hơn 70% so với những trẻ bình thường khác.

Một số trẻ bị tiểu dầm kèm theo những nguyên nhân khác rất ít gặp, như mắc bệnh tiểu đường, đái tháo nhạt (tạo nước tiểu nhiều), có bất thường về hệ niệu (bị dị tật). Vì vậy, trẻ mắc bệnh tiểu dầm cần đi khám để có thể phát hiện một số bệnh như kể trên. Khi khám, các bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm đơn giản như tổng phân tích nước tiểu, có thể kèm siêu âm bụng, đo niệu động học để phân loại nguyên nhân tiểu dầm, từ đó có hướng điều trị thích hợp cho trẻ.

Theo bác sĩ Thoại Loan, trẻ trên 6 tuổi tiểu dầm không được điều trị sẽ khiến trẻ bối rối và không thích giao tiếp với bạn bè, không tự tin trong cuộc sống sau này, đặc biệt là khó hòa nhập cuộc sống xung quanh khi trẻ lớn lên.

Nhiều cách chữa

Bác sĩ Thoại Loan cho biết cách điều trị trước tiên là không cần dùng thuốc. Cách điều trị này cần đến sự nỗ lực của trẻ cũng như sự trợ giúp rất nhiều từ phía người nhà và cách này thường được ứng dụng trong giai đoạn đầu của việc điều trị.
Có hai cách điều trị không dùng đến thuốc, một là hạn chế cho trẻ uống nước hoặc ăn thức ăn lỏng hai giờ trước khi trẻ đi ngủ. Nhiều trẻ học bán trú, cha mẹ thường có suy nghĩ ở trường không uống nước nhiều nên lúc ở nhà thường ép trẻ uống nước.

Trong khi tỉ lệ nước ban ngày cần uống là 2/3 và đêm chỉ là 1/3. Hoặc là cần đánh thức trẻ vào ban đêm. Người mẹ tìm hiểu thời gian trẻ thường tiểu dầm để đánh thức trẻ dậy đi tiểu trước đó (trẻ thường tiểu dầm vào một thời gian cố định trong đêm, vào lúc nước tiểu đã đầy, bàng quang đủ mở, giấc ngủ đã sâu). Cách thứ hai điều trị không cần dùng thuốc là gắn một loại máy vào bụng trẻ để khi nào bàng quang đầy sẽ đánh thức trẻ dậy đi tiểu, tuy nhiên loại máy này chưa được nhập vào nước ta. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang tìm hiểu nguồn hàng để nhập loại máy này về.

Khi gia đình không đồng ý hoặc đã thất bại với cách điều trị trên hoặc trẻ được chẩn đoán là bị đa niệu, lúc này các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc điều trị bệnh tiểu dầm vào ban đêm, trước khi đi ngủ. Loại thuốc này khá rẻ và được bảo hiểm y tế thanh toán. Sau 2-4 tuần uống thuốc, trẻ sẽ hết tiểu dầm và ngưng dùng thuốc. Còn với những trẻ lớn mới điều trị thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn.

Dù có nhiều cách điều trị bệnh tiểu dầm, nhưng các bác sĩ vẫn nhấn mạnh một trong những yếu tố điều trị thành công bệnh tiểu dầm chính là sự quyết tâm điều trị của trẻ và sự hỗ trợ của cha mẹ, gia đình trẻ.

(Theo Tuổi trẻ)

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.