Đa dạng, đặc sắc Liên hoan Phim Pháp ngữ
(Baonghean) - Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, vừa qua, tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Vinh đã diễn ra liên hoan phim Pháp ngữ. Có 13 bộ phim thuộc các thể loại: phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình của 9 quốc gia trong cộng đồng pháp ngữ đã được trình chiếu, giúp khán giả hiểu thêm về sự đa dạng văn hóa của cộng đồng này.
Các phim được giới thiệu với khán giả Việt Nam đợt này là: Tomboy, Sống cuộc đời mơ ước, Chú mèo pháp sư (Pháp), Chị gái (Thụy Sỹ), Nàng tiên (Bỉ), Dây đàn (Ma rốc), Thiên đường châu Phi (Bê nanh), Trong lòng cối xay, Làng tôi ở Nunavik (Canada), Hai cô gái Ai Cập (Ai Cập), Ngày hội (Senegal và Pháp hợp tác sản xuất) và Đam mê (Việt Nam). Các phim nước ngoài có phụ đề tiếng Việt, phim Việt Nam có phụ đề tiếng Pháp.
Poster giới thiệu phim Tomboy của Pháp.
Trong số này, ngoài 2 bộ phim tài liệu của Canada và phim hoạt hình Chú mèo Pháp sư, các phim còn lại đều là phim truyện về các đề tài tâm lý xã hội. Đáng chú ý là Tomboy của đạo diễn người Pháp Céline Siamma với câu chuyện về thế giới của một cô bé 10 tuổi nhưng lại chất chứa rất nhiều vấn đề của người lớn. Phim được sản xuất năm 2011 và nhận được đánh giá tích cực của các nhà phê bình và đoạt nhiều giải thưởng lớn như Giải thưởng Teddy cho bộ phim hay nhất về chủ đề đồng tính tại Liên hoan phim Berlin, Golden Duke - giải thưởng chính của Liên hoan phim quốc tế Odessa 2011, giải thưởng do khán giải bình chọn tại San Francisco Frameline Gay & Lesbian Film Festival.
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là cô bé Laure 10 tuổi có tính cách và ngoại hình giống con trai (tomboy). Khi gia đình cô bé chuyển tới sinh sống tại một khu phố mới, cô đã giới thiệu mình như một cậu bé tên Michael và kết bạn với cô bé đáng yên Lisa. Tình cảm yêu mến cũng dần nảy sinh giữa Lisa và Michael... Bộ phim quyến rũ người xem bởi sự ấm áp, trìu mến và dịu dàng. Với sự ngây thơ trong sáng của những đứa trẻ, bộ phim cho thấy tình yêu đồng giới là một vấn đề bình thường trong cuộc sống. Dù còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này nhưng dưới con mắt trẻ thơ, giới tính là một điều thú vị mà chúng đang dần khám phá, hơi rắc rối một cách đáng yêu trong cuộc sống này.
Tomboy còn đặt ra câu hỏi về thái độ của những người xung quanh đối với người đồng tính. Dù là thế giới của trẻ em nhưng dưới một góc độ nào đó, bối cảnh trong bộ phim cũng là sự thu nhỏ của xã hội rộng lớn. Người xem không khỏi băn khoăn làm sao để những đứa trẻ như Laure phát triển và bộc lộ bản sắc cá nhân. Tại Pháp, Tomboy được chiếu tại các trường tiểu học và trung học như một bộ phim giáo dục về giới tính cho trẻ vị thành niên nhạy cảm, nhận được sư quan tâm của các bậc phụ huynh.
Một bộ phim tâm lý xã hội đáng chú ý khác là Hai cô gái Ai Cập của đạo diễn Mohamed Amine (Ai Cập). Bộ phim nói về hai nhân vật chính: Hanane và Dalia, đang tìm cách thay đổi quan niệm khuôn mẫu của xã hội Ai Cập về hình ảnh phụ nữ chưa chồng. Bộ phim khám phá những nét đau buồn của xã hội thông qua câu chuyện đấu tranh của hai cô gái với các chuỗi các sự kiện. Bộ phim đề cập đến những vấn đề trí thức, tình thương và xã hội liên quan đến những người phụ nữ độc thân trong xã hội Hồi giáo.
Ngoài 2 bộ phim trên, các bộ phim như Nàng tiên, Dây đàn hay Chị gái cũng để lại những cảm xúc đặc biệt cho người xem. Điều đặc biệt là các bộ phim đã thể hiện được sự đặc trưng về thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa, tính cách con người của mỗi quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ. Người xem có thể đến với những sinh hoạt mùa hè đặc trưng của trẻ em Pháp trong Tomboy, những định kiến đối với phụ nữ trong xã hội Hồi giáo với Hai cô gái Ai Cập, những vũ điệu hoang dã của châu Phi trong Ngày hội, phong cảnh hữu tình và sự hồn nhiên của người dân Quebec trong 2 bộ phim tài liệu: Trong lòng cối xay, Làng tôi ở Nunavik...
Đại diện điện ảnh Việt Nam tham gia Liên hoan phim Pháp ngữ năm nay là bộ phim Đam mê - tác phẩm mới nhất của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đam mê ra mắt năm 2012 trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 2, với tư cách phim dự thi. Việc được lựa chọn đại diện Việt Nam tranh giải, trong khi còn có nhiều tác phẩm khác xuất sắc hơn bị loại khiến Đam mê bị chú ý nhiều về chất lượng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là bộ phim có kịch bản tốt, các diễn viên tròn vai, bộ phim này cũng có chất lượng tương đương nhiều tác phẩm khác của Phi Tiến Sơn như Giọt lệ Hạ Long (1994), Vào Nam ra Bắc (2000) hay nhiều tác phẩm khác của điện ảnh Việt.
Trong những ngày diễn ra Liên hoan phim tại Thành phố Vinh, các bộ phim đã thu hút nhiều bạn trẻ đến xem - đặc biệt là các bạn học sinh đang học tiếng Pháp. Bạn Ngô Trần Lam Giang - học sinh lớp 12 chuyên tiếng Pháp Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhận xét: "Liên hoan phim lần này giúp em có cơ hội thưởng thức những bộ phim hay của điện ảnh Pháp. Người Pháp vốn nổi tiếng là một dân tộc tinh tế và lãng mạn, tiếng Pháp được mệnh danh là "langue de l'amour" (ngôn ngữ của tình yêu), còn phim Pháp tưởng như nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu sắc. Các bộ phim đã giúp em hứng thú hơn trong việc học tiếng Pháp và khám phá các nền văn hóa trong cộng đồng Pháp ngữ". Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều liên hoan phim nước ngoài được mang đến Thành phố Vinh để khán giả xứ Nghệ được mở rộng tầm nhìn về văn hóa thế giới.
Minh Quân