Đa dạng đối tượng nuôi mặn, lợ: Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản
(Baonghean) - Sau những thắng lợi có phần may mắn của mô hình nuôi “độc canh”, gần đây con tôm nuôi luôn gặp rủi ro vì dịch bệnh. Từ đầu năm 2013, nông dân một số huyện tỉnh ta đã chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả; kết quả đã mang lại thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.
Cùng với cán bộ phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Nghi Lộc, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) của anh Lê Anh Tuấn ở xóm 1, xã Nghi Hợp. Điều ngạc nhiên là trong khi nhiều người dân ở đây vẫn lấy con tôm thẻ chân trắng làm đối tượng nuôi chính, thì mấy năm nay anh Tuấn lại lựa chọn hướng đi riêng cho mình là đầu tư nuôi cua thương phẩm. Lúc chúng tôi đến anh đang cần mẫn với công việc đào đất đắp bờ, bơm nước, kiểm tra độ mặn, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cua. Anh tâm sự: “Bao năm nay tôi quá thấm thía sự “được - mất” từ nuôi con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, đến ương nuôi cá giống nên quyết định chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Cua có ưu điểm: thời gian nuôi ngắn từ 60 đến 90 ngày cho thu hoạch (tùy kích cỡ cua giống), ít rủi ro và cơ bản là nguồn cua giống tự nhiên và thức ăn cho cua lại có sẵn tại địa phương. Tuy nhiên, cái khó là nguồn vốn đầu tư lớn, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật, thực hiện tốt các bước cải tạo ao đầm và phòng tránh dịch bệnh”.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình nuôi cua của anh Tuấn ở xóm 1, xã Nghi Hợp, Nghi Lộc. |
Anh Tuấn cho biết: Gia đình mới mua thêm 3 ao có diện tích 0,5 ha/1 ao. Những năm trước gia đình nuôi 2 vụ nhưng hầu hết đều thất bại, ít thì 10 đến 20 triệu đồng. Đầu năm 2013, anh đầu tư gần 300 triệu đồng tiền cá vược giống và gần 200 triệu đồng tiền cá giống hồng mỹ, ương nuôi được 2 tuần thì dịch bệnh rồi chết, của nả cứ thế cắp nón ra đi. Nay được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và một phần con giống, thức ăn từ Trung tâm khuyến nông tỉnh và huyện, hai vợ chồng quyết định vay vốn đầu tư cải tạo ao nuôi cua. Kết quả là trên diện tích 0,5 ha ao nuôi, thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg, thức ăn cho cua chủ yếu là cá tạp. Sau gần 3 tháng nuôi, cua đạt cỡ bình quân 0,3 kg/con, năng suất đạt 1,86 tấn/ha, giá bán bình quân 270.000 đồng/kg, anh thu về 502 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thức ăn, công chăm sóc 3 tháng), lãi ròng 400 triệu đồng. So với đại trà năng suất tăng 23%, hiệu quả kinh tế tăng 25%.
Không chỉ riêng anh Tuấn, năm nay gia đình bà Đinh Thị Tân ở xã Hưng Hoà, TP, Vinh, với diện tích 5.000 m2 ao, năng suất cua đạt 1,95 tấn/ha đã thu về 243,7 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thức ăn, công chăm sóc 3 tháng) bà Tân lãi ròng 198 triệu đồng. Nhiều hộ dân NTTS mặn lợ bên cạnh việc lựa chọn cua là đối tượng nuôi thả đã mở rộng hình thức nuôi cá vược, cá song, cá bớp, hồng mỹ… để tăng thu nhập, giảm bớt rủi ro. Từ thành công của hai mô hình này, đến nay, 2 địa phương Nghi Lộc và Thành phố Vinh đã phát triển diện tích nuôi cua lên trên 25 ha, một điều rất ít thấy ở những năm trước.
Trao đổi thêm một số người dân, chúng tôi nhận thấy vụ 1 nuôi năm 2013, thủy sản Nghệ An gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết thay đổi bất thường, giống tôm thẻ chân trắng chưa đáp ứng đủ nhu cầu mùa vụ cho người nuôi, dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, tôm chết chưa rõ nguyên nhân nên có nhiều hộ nuôi tôm lao đao vì nợ. Các mô hình nuôi cua, ngao, cá vược, cá song, cá bớp và cá chim trắng vây vàng, hồng mỹ… là sự lựa chọn thích hợp, giúp nông dân gỡ gạc được phần nào thất bại. Theo tính toán của một số hộ dân thì nuôi cá vược, cá chim trắng vây vàng, cua thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/ha là khá chắc. Mặt khác, chính việc luân canh nhiều đối tượng nuôi trên một diện tích giúp cải thiện môi trường ao nuôi tốt hơn để vụ sau lại có thể nuôi lại tôm thẻ.
Tuy nhiên, để phát triển nuôi những đối tượng này một cách bền vững, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể cho vùng nuôi, chủ động được con giống cả về số lượng và chất lượng bởi hiện tại giá các loại này quá cao. Mặt khác, trên cơ sở các chính sách đã có, tỉnh cũng cần xem xét cân đối thêm nguồn vốn hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình trình diễn trên nhiều địa hình, địa bàn để giúp nông, ngư dân tham khảo, học tập trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, nhân rộng nếu điều kiện thời tiết, môi trường nuôi trồng đã chứng minh được phù hợp với vật nuôi tương ứng.
Trần Trung Thành
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)