Đa dạng hình thức tiếp công dân

04/11/2013 16:57

(Baonghean) - Dự án Luật Tiếp công dân được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Về tên gọi của luật, đề nghị sửa lại là Luật Tiếp dân sẽ đầy đủ, bao quát đúng nội dung của việc tiếp công dân, bởi vì nếu gọi là công dân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên (như vậy các đối tượng dưới 18 tuổi sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật). Việc tổ chức tiếp công dân không chỉ có việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà còn bao gồm kiến nghị, phản ánh, yêu cầu của các cá nhân. Các đối tượng dưới 18 tuổi rất cần được tiếp thu các ý kiến của họ.

Về việc tiếp công dân tập trung tại trụ sở tiếp công dân, đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc về chế định này để đảm bảo tính khả thi và phù hợp, đề nghị quy định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý, chức năng, thẩm quyền của Ban Tiếp công dân ở các cấp trở thành cơ quan chuyên trách trong thực hiện tiếp dân. Trong dự thảo luật chưa thấy quy định về nội dung này. Tuy vậy, nếu đã thành lập cơ quan này thì cần điều chỉnh về công tác tiếp công dân định kỳ và thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tổ chức bộ máy, theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, tránh trùng lặp về nhiệm vụ công việc, tạo nên bộ máy cồng kềnh.

Việc thành lập Ban Tiếp công dân cấp huyện, cấp xã thì cần xem xét đặc thù giữa các vùng miền, nhất là trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tại các địa phương này không nhiều, do đó, nếu thành lập thêm các cơ quan này thì không cần thiết, đề nghị chỉ nên thành lập Ban Tiếp công dân ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và các thành phố. Tại các huyện (địa bàn nêu trên) chỉ nên rà soát, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để quyết định việc thành lập (giao cho Chính phủ hướng dẫn, HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập tại các huyện cụ thể). Ở cấp xã việc thực hiện tiếp công dân nên quy định gắn trách nhiệm này cho Ban Tư pháp cấp xã thực hiện, trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch và UBND xã.

Về hình thức tiếp công dân cần phải được thực hiện đa dạng theo nhiều hình thức khác nhau, linh hoạt và phù hợp. Có thể áp dụng công nghệ thông tin, đường dây nóng, đối thoại trực tiếp qua các kênh truyền hình, qua báo chí, kể cả công khai số máy điện thoại của người có trách nhiệm để thực hiện. Hình thức tiếp công dân công khai, dân chủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân, các tổ chức, đơn vị liên quan trong việc cung cấp các thông tin, kể cả những vụ việc tố cáo, không nên quy định quá cứng nhắc, gây khó khăn, tốn kém cho công dân.

Về việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội: thực hiện tiếp công dân qua hình thức tiếp xúc cử tri do đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tổ chức; còn việc tiếp công dân thì thực hiện theo quy định, trách nhiệm các cương vị công tác mà vị đại biểu đó đảm nhiệm, do đó quy định tại Điều 23, Điều 24 cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Các công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì các vị đại biểu xử lý theo quy định hiện hành. Còn đơn thư gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND thì lâu nay đã được xử lý tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi, giám sát… theo chức năng, thẩm quyền luật định. Tại Chương V quy định về tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân xét thấy không cần thiết vì đã được quy định đầy đủ trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND – UBND, Quy chế hoạt động của HĐND – UBND.

Tại Điều 30, Điều 31, Điều 32 đề nghị Ban Soạn thảo đối chiếu với quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để quy định cho phù hợp, thống nhất.

Trần Đình Toàn (Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Nghệ An)

Đa dạng hình thức tiếp công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO